Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Môn Giáo dục công dân xa rời thực tế?

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Giáo dục công dân (GDCD) được gọi là Đạo đức ở tiểu học, GDCD ở THCS và Giáo dục kinh tế và pháp luật ở THPT.

Với môn học này, nhiều ý kiến cho rằng, vai trò của môn GDCD chưa mang tính định hướng rõ ràng, đồng thời kiến nghị nên để GDCD xuyên suốt cả 3 cấp học.

Nên thống nhất tên môn học cả 3 cấp

Theo Ban soạn thảo, môn học này là bắt buộc trong giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 - 9) và tự chọn ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 - 12). Mục tiêu môn học là giúp học sinh (HS) hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của người công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Ở tiểu học và THCS, môn học định hướng chính vào giáo dục giá trị bản thân, gia đình, quê hương, cộng đồng. Ở THPT, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật là học vấn cơ bản về kinh tế, pháp luật mang tính ứng dụng, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp cho HS. Trong mỗi năm học, chương trình tổ chức các chuyên đề học tập cho HS có định hướng theo học các ngành nghề Giáo dục chính trị, Giáo dục công dân, Kinh tế, Hành chính và Pháp luật…

Học sinh trường THCS Yên Hòa trong giờ học môn Giáo dục công dân. Ảnh:  Quỳnh Linh

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, ở tiểu học và THPT, các tác giả Chương trình đang lấy nội dung môn học để đặt tên cho môn học. Điều này vừa không khái quát và chỉ ra đúng đối tượng mà môn học này hướng tới giáo dục, chệch mục tiêu, vừa không phản ánh được nội dung cốt lõi và định hướng tiếp cận của môn học. Theo TS Phạm Quỳnh (NXB Giáo dục Việt Nam), tên gọi môn học phải là GDCD để phản ánh đúng về đối tượng giáo dục, đồng thời là căn cứ để xây dựng nội dung. Dù tiếp cận ở góc độ chính trị học hay luật học, khái niệm công dân luôn gắn với 3 khái niệm cơ bản: Quyền công dân, trách nhiệm công dân và nghĩa vụ công dân. “Tóm lại, từ mạch nội dung cốt lõi về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân phải là nội dung giáo dục xuyên suốt từ tiểu học đến THPT nên tên gọi của môn học phải thống nhất cả về nội dung và hình thức cho cả 3 cấp học – GDCD” – ông Quỳnh đề xuất.

Cùng quan điểm, cô Nguyễn Thu Phượng - giáo viên bộ môn Giáo dục công dân ở một trường THCS (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, với bậc tiểu học, gọi môn Đạo đức là hợp lý. Tuy nhiên, đối với cấp THCS và THPT, nên để thống nhất môn GDCD, bởi nó sẽ đúng với bản chất của môn học.

Chưa phù hợp với lứa tuổi

Bên cạnh kiến nghị thống nhất tên môn học, khá nhiều giáo viên đề xuất Ban soạn thảo chương trình môn học GDCD cần định hướng nội dung môn học rõ ràng hơn. Cô Nguyễn Hương Trà - giáo viên bộ môn GDCD một trường THCS (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho rằng, với cấp THPT gọi môn Giáo dục kinh tế và pháp luật sẽ không đúng với bản chất môn học. Theo cô Trà, để gọi đúng tên môn học sẽ phải là môn Đạo đức và Pháp luật, nhưng có thể gọi chung là GDCD, bởi đạo đức và pháp luật là hai yếu tố tạo nên một công dân có ích. “Thực tế, chương trình GDCD ở cấp THCS, nhất là ở lớp 8 có một số bài học không gần gũi, lý thuyết xa vời. Giáo dục những điều gần gũi nhất, như kỹ năng sống, giáo dục chuẩn mực đạo đức, trung thực, lễ độ, biết ơn... sẽ rất thực tế đối với HS” – cô Trà nhấn mạnh.

Cũng theo cô Trà, những vấn đề tôn trọng học hỏi dân tộc khác, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa các dân tộc là những điều trừu tượng, HS khó hiểu. Những kiến thức này nên dành cho HS THPT, đại học hoặc những công dân đã trưởng thành sẽ phù hợp hơn. Cô Trà cũng cho biết, một số nội dung ở cấp THCS không phù hợp với độ tuổi, không phù hợp nhận thức ở HS cấp 2.

Có thể nói môn GDCD là môn khoa học dạy làm người, chính vì thế cần có một cái nhìn đúng mực về vai trò, vị trí của môn học này trong giáo dục đạo đức cho HS. Nhiều giáo viên kiến nghị, chương trình môn học phải định hướng rõ ràng, nội dung phải có ý nghĩa đối với HS, phù hợp lứa tuổi.