Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Món quà tinh thần ý nghĩa trường THCS Cầu Giấy dành tặng học sinh trong mùa dịch

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 20/12, thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) đã có những giây phút ấm áp, lắng đọng khi được nghe GS Hoàng Chí Bảo kể nhiều câu chuyện xúc động về Bác Hồ gắn với sự ra đời, phát triển và lớn mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Thấu hiểu, sẻ chia với học sinh trong mùa dịch
Chương trình tọa đàm, kể chuyện về Bác Hồ với chủ đề “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” được trường THCS Cầu Giấy chủ trì phối hợp với Viện nghiên cứu danh nhân tổ chức nhân kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chương trình được truyền trực tiếp qua Youtube, Facebook kết hợp với nền tảng MS Team.
 Nhà giáo Ưu tú Lê Kim Anh - Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy phát biểu khai mạc tọa đàm
Mở đầu tọa đàm, Nhà giáo Ưu tú Lê Kim Anh - Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy bày tỏ: “Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, gần 8 tháng nay, học sinh phải chuyển từ trạng thái học tập được trải nghiệm thực tế bên bạn bè, thầy cô sang học trực tuyến trước màn hình, trong không gian bó hẹp. Những bất ổn về tâm lý; ảnh hưởng sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, thậm chí mai một về động lực học tập, ý chí vươn lên… là những điều không ít học sinh gặp phải.
Đứng trước vấn đề đó, Ban giám hiệu, thầy cô giáo trường THCS Cầu Giấy luôn băn khoăn, trăn trở tìm các giải pháp để tháo gỡ, giúp cân bằng tâm lý và truyền tới học sinh niềm đam mê, nhiệt huyết, động lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, chiến thắng hoàn cảnh. Nhà trường, thầy cô mong muốn các học sinh hiểu rằng: Đại dịch có thể kéo dài nhưng chúng ta còn nhiều việc để làm, để học tập; có nhiều mục tiêu để chinh phục và nếu có quyết tâm, chúng ta sẽ thành công….”.
Chính bởi vậy, theo nhà giáo Lê Kim Anh, chương trình giao lưu, tọa đàm kể chuyện về Bác Hồ, về người lính Bộ đội Cụ Hồ, về Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày hôm nay như một món quà tinh thần ý nghĩa mà nhà trường dành tặng cho học sinh; là cơ hội để các em trở về với truyền thống anh dũng, quật cường của dân tộc; cảm nhận tấm gương đạo đức sáng ngời, đức hy sinh, tinh thần tự học, quyết tâm vượt mọi khó khăn của Bác…; từ đó soi chiếu vào bản thân, cố gắng vươn lên để vượt qua khó khăn của dịch bệnh”.
Chuyện kể về Bác Hồ- những bài học truyền cảm hứng 
Tại buổi giao lưu, tọa đàm, thầy cô, học sinh trường THCS Cầu Giấy đã được nghe GS Hoàng Chí Bảo kể những câu chuyện cảm động về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ qua từng chủ đề theo diễn tiến lịch sử: Từ tuổi ấu thơ, ra đi tìm đường cứu nước, ngày trở về Pác Bó (Cao Bằng); đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; kháng chiến chống Pháp, tình cảm của Bác với Bộ đội và đồng bào Miền Nam; bản Di chúc….
 GS Hoàng Chí Bảo kể chuyện về Bác Hồ và giao lưu với học sinh, giáo viên trường THCS Cầu Giấy qua hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến
Sinh ra tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An- mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng và trong một nhà nho yêu nước, Bác chịu ảnh hưởng sâu sắc của gia đình nội ngoại. Ngay từ nhỏ, Bác đã thể hiện là một người có đức hy sinh, giàu lòng nhân ái, có nghị lực, trái tim mẫn cảm, ý chí vượt khó với tinh thần tự học bền bỉ.
Năm 1911, Bác Hồ rời bến cảnh Nhà Rồng để lênh đênh góc biển chân trời- bắt đầu hành trình 30 năm tìm đường cứu nước cứu dân (1911-1941). Bác đi khắp năm châu, qua hơn 30 nước và vùng lãnh thổ khác nhau (Pháp, Đức, Nga, Mỹ, Bỉ, Trung Quốc, Thái Lan, Lào…). Trong quãng đời gian lao, sóng gió ấy, Bác đã nhiều lần chịu cảnh tù tội, trong đó có cả bị kết án tử hình vắng mặt. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, Bác luôn đau đáu “làm sao để nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Trong chuỗi hồi tưởng lịch sử về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, GS Hoàng Chí Bảo xúc động kể về dấu mốc Bác trở về nước, chọn Pác Bó (Cao Bằng) làm điểm dừng chân. Cuộc sống kham khổ nơi đây trong hang đá lạnh, Bác nằm ngủ trên tấm phên, phải đốt lửa suốt đêm giữ ấm, bữa cơm chỉ có rau rừng, ốc suối, cháo bẹ.... Tại đây, Bác chủ trì Hội nghị TƯ VIII, ra đời mặt trận Việt Minh, thành lập Hội Thiếu niên Nhi đồng Cứu quốc; viết Thư gửi đồng bào; Việt Nam diễn sử ca… Dù khó khăn, gian khổ đến đâu, ở Bác vẫn hiện lên vẹn nguyên ý chí, nghị lực phi thường, tinh thần lạc quan và niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Bác cũng là tấm gương về tu dưỡng đạo đức, giản dị, khiên tốn, chu đáo, thủy chung, nghĩa tình, trước sau như một.
Câu chuyện về bản Tuyên ngôn độc lập và Di chúc- 2 trong 5 Bảo vật quốc gia của nước ta sau này chứa chan xúc động. Bất cứ lúc nào, Bác cũng truyền ý chí mãnh liệt cho toàn dân Việt Nam- một tinh thần trọn vẹn vì dân, vì nước. Ở Bác, chúng ta còn thấy tấm lòng bao la, rộng mở, tình yêu thương và niềm hy vọng vào thế hệ thanh thiếu niên, nhi đồng.
GS Hoàng Chí Bảo cũng đặc biệt nhấn mạnh đến tấm gương mẫu mực của Đại tướng Võ Nguyên Giáp- vị Đại tướng của Nhân nhân, người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam và cũng là học trò ưu tú của Bác- vị anh hùng gắn với trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ- lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
 Hơn 1.300 học sinh trường THCS Cầu Giấy cùng tham gia tọa đàm
Tại tọa đàm, học sinh trường THCS Cầu Giấy cũng có phần giao lưu với GS Hoàng Chí Bảo, trong đó có những câu hỏi liên quan đến việc bảo quản thi hài của Bác, tình cảm của Bác với thiếu nhi quốc tế. Qua đó, học sinh có cái nhìn toàn diện hơn về tấm gương đạo đức, con người và cuộc đời của Bác.
Kết thúc buổi tọa đàm, em Nguyễn Hải Triệu, lớp 6A2, trường THCS Cầu Giấy chia sẻ: “Đã từ rất lâu, chúng em không có thời gian, cơ hội để nghe những câu chuyện cảm động như vậy. Những câu chuyện về Bác Hồ qua lời kể của GS Hoàng Chí Bảo đã giúp chúng em có thêm nghị lực, niềm tin, ý chí phấn đấu và thêm kính trọng, biết ơn Bác Hồ cũng như tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc. Em mong rằng, trường sẽ tổ chức nhiều buổi tọa đàm, trò chuyện hơn nữa để chúng em được tương tác, giao lưu, học hỏi và mở mang tầm hiểu biết của mình".
Theo TS Nguyễn Thị Kim Oanh- Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện nghiên cứu danh nhân, thời gian tới Viện sẽ mở rộng hoạt động ý nghĩa này tới các trường học trên địa bàn TP và toàn quốc để tăng nguồn cảm hứng trong công tác giảng dạy, học tập nói chung cũng như lan tỏa phong trào học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến giáo viên, học sinh nói riêng.