Mong giảm tải chương trình học trực tuyến

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bước sang tuần thứ 2 của năm học 2021 - 2022, bên cạnh niềm vui năm học mới thì phương pháp dạy và học trực tuyến đã bộc lộ một số bất cập như: Thời lượng học còn dài; hệ thống mạng yếu; tiết học chưa thực sự linh hoạt, chất lượng bài giảng chưa lôi cuốn… khiến không ít học sinh (HS) có cảm giác uể oải và bị ngụp lặn trong thiết bị công nghệ.

Uể oải khi học trực tuyến cả ngày

Với hệ thống trường phổ thông công lập, thời khóa biểu học online thường học 1 buổi/ngày còn với trường chất lượng cao (CLC) và trường ngoài công lập, thời lượng học sẽ nhiều hơn với khoảng 8 - 9 tiết học/ngày. Việc HS học buổi sáng lại kèm học cả chiều trong điều kiện ngồi trước máy tính nhiều giờ đồng hồ khiến không ít HS và cha mẹ lên tiếng phàn nàn vì quá mỏi mệt.
  Học sinh quận Hai Bà Trưng trong giờ học trực tuyến. Ảnh: Phạm Hùng
Chị Hà Mai Linh, phụ huynh HS lớp 6 tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho biết: “Trường con gái tôi học cả ngày và đều như vắt chanh 4 tiết sáng, 4 tiết chiều. Khi tôi hỏi thì con gái không kêu ca gì nhưng quả thật nhìn cách con học, thấy rất sốt ruột. Sáng học, chiều học, tối nai lưng ra làm bài tập và hầu như tôi ít khi thấy con rời khỏi máy tính để nghỉ ngơi. Nếu tắt máy tính lại thấy cầm điện thoại ngay lập tức và nói rằng xem bài tập cô giao. Thời lượng sử dụng thiết bị điện tử còn hơn một người trưởng thành làm công việc văn phòng. Học như vậy đúng là quá mệt”.

Tâm sự về việc thời lượng học online chiếm đa số thời gian trong ngày, anh Nguyễn Ngọc An, trú tại quận Cầu Giấy chia sẻ: “Con trai tôi học lớp 2 tại một trường ngoài công lập. Lịch học cũng kéo dài cả ngày với nhiều tiết học khá thú vị nhưng nếu được điều chỉnh, tôi vẫn mong một ngày chỉ học một buổi để các con có thời gian tự học, thư giãn, làm những việc mà con thích. Việc ngồi sử dụng thiết bị cả ngày dễ dẫn đến những việc không mong muốn như tật về mắt, cột sống…”. Tuy nhiên, anh Nguyễn Hoài Linh, trú tại quận Thanh Xuân lại nêu quan điểm ngược lại.
Theo anh Linh: “HS đi học trực tiếp cũng học cả ngày nên việc học online cả ngày là bình thường bởi không phải HS nào cũng có khả năng tự học, tự nghiên cứu tài liệu nên vẫn cần sự hướng dẫn của cô giáo. Điều quan trọng hơn khi học online là phụ huynh và HS phải rèn luyện, hình thành thói quen sinh hoạt lành mạnh. Việc HS ở tại nhà rất thuận lợi cho việc ăn, ngủ, nghỉ nên hãy cố gắng ngủ sớm vào buổi tối, nghỉ trưa khoa học thì giờ học sẽ rất bình thường, không có gì là căng thẳng”.

Chưa có mẫu hay đề cương bài giảng trực tuyến

Thời lượng học trực tuyến là vấn đề nhiều phụ huynh, HS quan tâm. Theo quy định, với học trực tiếp, 1 tiết học với cấp trung học là 45 phút và với tiểu học là 35 - 40 phút. Khi học theo hình thức trực tuyến, thời lượng này đã được giảm lược với khối tiểu học. Tuy nhiên vẫn không tránh khỏi hiện tượng HS mệt mỏi, chán nản và mở sang các cửa sổ khác để chat, xem youtube hoặc chơi game.

Nhiều giáo viên chia sẻ, hiện chưa có quy định cụ thể đối với bài giảng khi dạy trực tuyến mà chỉ có hướng dẫn chung. Theo đó cách thức tổ chức tiết học trực tuyến phụ thuộc nhiều vào sự sáng tạo của giáo viên. Quy định chung khi dạy học trực tuyến là nhấn mạnh yếu tố đổi mới phương pháp, khai thác kiến thức nền tảng, cốt lõi; giáo viên sử dụng kênh hình nhiều hơn kênh chữ (sơ đồ hóa, dùng nhiều hình ảnh clip…) và chú trọng hướng dẫn HS tự học, tự nghiên cứu. Từ định hướng này, tùy thực tế từng trường, trình độ HS, mức độ thành thạo công nghệ bản thân, giáo viên sẽ có cách triển khai khác nhau trong dạy và học.
“Việc đánh giá hiệu quả học trực tuyến, theo tôi phụ thuộc vào 3 yếu tố: Thiết bị, đường truyền; ý thức của người học và bài giảng của giáo viên. Nếu đường truyền tốt, ý thức học tốt thì bài giảng của giáo viên kể cả không sinh động vẫn cung cấp được yêu cầu cần đạt của bài học” - Hiệu trưởng một trường THCS tại quận Nam Từ Liêm cho biết. Chính bởi vậy, theo vị hiệu trưởng này, nếu nói học trực tuyến không hiệu quả do giáo viên chưa sáng tạo là chưa toàn diện và thỏa đáng.

Chia sẻ về phương pháp dạy trực tuyến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến cho rằng: "Không có mẫu hay đề cương bài giảng đối với dạy trực tuyến vì còn phụ thuộc vào giáo viên và sự phù hợp với từng đối tượng HS. Văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học đối với từng cấp học của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã có những định hướng rất cụ thể, chi tiết với từng bậc học; trong đó yêu cầu hình thức linh hoạt, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi; thời khóa biểu khoa học, hợp lý, không gây áp lực đối với HS…". Căn cứ vào đó, các trường học sẽ xây dựng chương trình, hình thức học phù hợp, đảm bảo yêu cầu.

"Dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến là hai phương thức giáo dục khác nhau, không thể coi là một. Và để dạy học trực tuyến có chất lượng, cần phải cấu trúc lại chương trình trên cơ sở nội dung chương trình dạy học trực tiếp truyền thống. Dạy học trực tuyến có kế hoạch riêng, phải dựa vào nội dung kế hoạch dạy học trực tiếp đã được tinh giản tối đa.
Khi giáo dục chưa có được một chiến lược quốc gia về dạy học trực tuyến, chúng ta cần tổ chức dạy học trực tuyến một cách linh hoạt và luôn kết hợp chặt chẽ với dạy học trực tiếp, không áp dụng quá cứng hay chỉ đạo dạy học trực tuyến một cách đồng loạt, theo kiểu “đồng phục” với các nhà trường và ở các địa phương." - Giám đốc Quỹ Quốc gia đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) - Đặng Tự Ân