70 năm giải phóng Thủ đô

Mong mỏi làng nghề Bát Tràng được phê duyệt quy hoạch

Huy An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng hiện đại, huyện Gia Lâm đã xây dựng nhiều kế hoạch, triển khai quy hoạch xây dựng phân khu đô thị sông Hồng tạo động lực phát triển và bảo tồn di sản làng nghề truyền thống Bát Tràng.

Động lực cho phát triển bền vững

Nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, làng gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội hơn 10km về phía Đông - Nam và cho đến nay làng nghề Bát Tràng đã tồn tại ở ven đô Thăng Long với khoảng thời gian hơn 700 năm.

Đặc biệt, làng nghề gốm Bát Tràng còn là một trong những đại diện tiêu biểu cho vốn di sản đặc trưng về làng nghề truyền thống phong phú của Thủ đô. Đồng thời là địa điểm độc đáo thu hút du khách du lịch với nền văn hóa và nghề gốm đặc sắc riêng biệt.

Quang cảnh khu bảo tàng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Ảnh: Việt Dũng
Quang cảnh khu bảo tàng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Ảnh: Việt Dũng

Để quy hoạch phát triển làng nghề Bát Tràng tương xứng với vị thế, tiềm năng đó, ông Chu Minh Quang, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị huyện Gia Lâm cho biết, từ năm 2016, Bát Tràng đã được TP Hà Nội và huyện Gia Lâm quan tâm lập quy hoạch đồng bộ bảo tồn, phát huy các giá trị di sản làng nghề kết hợp với du lịch.

Cụ thể, nhằm phát triển các làng nghề truyền thống, phát huy các giá trị văn hóa thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại của Thủ đô, UBND TP đã lựa chọn làng nghề gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm và làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông để tổ chức thi tuyển phương án quy hoạch với sự tham gia của các đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế.

Tháng 11/2016 UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 6248/QĐ-UBND phê duyệt kết quả thi tuyển ý tưởng quy hoạch hai làng nghề, trong đó Liên danh Nikken Sekkei Civil Ltd (Nhật Bản) và Văn phòng Tư vấn và Chuyển giao công nghệ xây dựng giành giải nhất ý tưởng quy hoạch Làng gốm sứ Bát Tràng. Tiếp đó, UBND TP đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổ chức nghiên cứu lập đồ án quy hoạch.

Thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP, huyện Gia Lâm đã phối hợp chặt chẽ với Sở Quy hoạch - Kiến trúc tập trung hoàn thành các nội dung, mục tiêu trong nhiệm vụ quy hoạch đã đặt ra. Đến cuối năm 2020 đầu năm 2021 đồ án quy hoạch nói trên đã cơ bản hoàn thành với việc tổ chức Hội nghị báo cáo triển lãm, trưng bày đồ án lấy ý kiến cộng đồng theo quy định…

Tuy vậy, đến ngày 25/3/2022, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND, phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000. Do đó, đồ án lập quy hoạch chi tiết bảo tồn làng nghề Bát Tràng phải dừng lại một thời gian để Sở Quy hoạch - Kiến trúc; đơn vị tư vấn bổ sung phù hợp với Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

“Việc UBND TP phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có thể làm chậm lại quá trình phê duyệt đồ án quy hoạch làng nghề Bát Tràng. Song đây lại là cơ sở pháp lý, điều kiện tiền đề quan trọng để huyện Gia Lâm, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các cơ quan liên quan nghiên cứu dựa trên các quy định cho phép có thể mở rộng thêm các không gian quy hoạch không chỉ trực tiếp phục vụ cho công tác bảo tồn làng nghề mà xa hơn, cao hơn là động lực sự cho phát triển bền vững của làng nghề truyền thống gắn chặt với phát triển du lịch” - ông Chu Minh Quang chia sẻ.

Người dân mong sớm phê duyệt quy hoạch

Ông Nguyễn Văn Kỷ, thôn 2, Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm cho biết, để phát triển làng nghề, cũng như mục tiêu xây dựng nông thôn mới một số công trình điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư xây dựng tại địa phương. Tuy nhiên, từ năm 2016 khi TP Hà Nội có chủ trương lập đồ án quy hoạch chi tiết bảo tồn làng nghề, tất cả các hạng mục cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ người dân buộc phải dừng lại chờ quy hoạch được phê duyệt.

Đặc biệt theo ông Nguyễn Văn Kỷ, Bát Tràng là xã làng nghề, vì vậy hàng ngày có hàng trăm lượt xe ô tô lớn nhỏ vận chuyển khoảng 500 tấn gồm các loại nguyên liệu đến nơi sản suất, vận chuyển sản phẩm hàng gốm sứ đến nơi tiêu thụ... Trong khi mật độ giao thông qua lại lớn như vậy, nhưng các tuyến đường lại không được đầu tư cải tạo. Điều này đưa đến hệ quả tất yếu là hệ thống đường sá không thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân, thậm chí theo thời gian các tuyến đường này ngày một xấu đi, ngày một xuống cấp…

Không chỉ có đường sá chưa được đầu tư, các hạ tầng thiết yếu khác phục vụ đời sống dân sinh của người dân thôn 2 Giang Cao cũng chưa được đáp ứng. Điển hình đến thời điểm hiện tại nhà văn hóa thôn vẫn chưa được phép đầu tư xây dựng. Vì vậy, khi có hội họp, tiếp xúc cử tri, sinh hoạt văn hóa thôn, xóm, khu dân cư người dân phải đi thuê hội trường.

“Trong khi đó các xã xung quanh thuộc huyện Gia Lâm từ đường lớn cho đến các ngõ nhỏ đều đã được đầu tư cải tạo, thảm nhựa asphalt, xây dựng nhà văn hóa khang trang... càng khiến người dân nơi đây thêm mong mỏi các cơ quan có thẩm quyền sớm phê duyệt quy hoạch chi tiết làng nghề để địa phương sớm được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất” - ông Nguyễn Văn Kỷ bày tỏ.

Ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết: Bát Tràng có đặc thù với phần lớn diện tích đất nằm ngoài bãi sông Hồng. Cụ thể, trong tổng diện tích toàn xã là 178ha, thì có tới gần 148ha là đất ngoài bãi. Thực hiện Quyết định về quy hoạch phân khu sông Hồng đã được TP phê duyệt, Bát Tràng định hướng lập quy hoạch chi tiết theo mục tiêu bảo tồn làng nghề gắn với phát triển du lịch.

Xã Bát Tràng cũng đã nhiều lần làm việc với các sở, ngành, đơn vị tư vấn phối hợp trong quá trình rà soát, cũng như xây dựng kế hoạch để lập đồ án một cách thống nhất, bảo đảm hiệu quả cao nhất khi triển khai. Tuy nhiên, đến nay quy hoạch này vẫn chưa được thông qua. Điều này gây nhiều kho khăn cho địa phương bởi xã còn thiếu rất nhiều hạ tầng cơ sở như trung tâm văn hóa thể thao; một số nhà văn hóa của các thôn; một số công trình công cộng phục vụ phát triển bảo tồn làng nghề, phát triển du lịch, bố trí các điểm dịch vụ phụ trợ cho công tác phát triển du lịch...

Bên cạnh mong mỏi của người dân thôn 2, Giang Cao thì chính quyền xã Bát Tràng cũng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm thông qua quy hoạch chi tiết làng nghề Bát Tràng để địa phương sớm được chuyển mình, được đầu tư các dự án thành phần theo đồ án quy hoach bảo tồn làng nghề gắn với du lịch. Từ đó, có thể hoàn thành mục tiêu trở thành một trong những điểm du lịch tiêu biểu của Thủ đô thời gian tới.

 

Bên cạnh việc lập quy hoạch chi tiết bảo tồn làng nghề Bát Tràng được thực hiện theo một đồ án riêng, huyện Gia Lâm còn 3 xã gồm Đông Dư, Kim Lan và Văn Đức thuộc phân khu đô thị sông Hồng.

Do đó, song song với lập quy hoạch chi tiết cho xã Bát Tràng, UBND huyện Gia Lâm cũng đang quyết liệt chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức các nội dung quản lý quy hoạch, cũng như đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết cho 3 xã còn lại nằm ngoài đê sông Hồng.

Chuyên viên Phòng Quản lý đô thị huyện Gia Lâm Chu Minh Quang