Theo CDC Thái Bình, từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh sởi ở Việt Nam diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc ghi nhận tại nhiều địa phương, bao gồm cả trường hợp tử vong. Trong tuần qua, tỉnh Thái Bình ghi nhận một ca nghi mắc bệnh sởi. Bệnh nhi này đã được điều trị ổn định tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Đáng chú ý, qua điều tra, bệnh nhi đã được tiêm đủ các mũi vắc xin theo lịch.
Ngay khi có thông tin về ca nghi mắc sởi, CDC Thái Bình đã nhanh chóng điều tra, khoanh vùng và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị sẵn sàng kế hoạch dự phòng và ứng phó với bệnh dịch theo các mức độ, quy mô có thể xảy ra. Tiếp tục duy trì công tác tiêm vắc xin sởi/rubella cho trẻ 18 - 24 tháng tuổi và vắc xin sởi cho trẻ từ 9 - 12 tháng tuổi và, bảo đảm không bỏ sót đối tượng nào.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với tốc độ lây lan rất nhanh. Một người mắc sởi có thể lây nhiễm cho tới 20 người không có miễn dịch xung quanh. Thêm vào đó, tỉ lệ tiêm vắc xin sởi tại nhiều địa phương chưa đạt mức bao phủ cần thiết, khiến virus có cơ hội lan rộng. Năm 2024 được dự báo là năm có nguy cơ bùng phát dịch sởi theo chu kỳ 4 - 5 năm một lần.
Để đối phó với tình hình này, các cơ sở y tế đã được yêu cầu ban hành quy trình ứng phó khi có ca mắc hoặc nghi mắc sởi. Quy trình bao gồm phân luồng, khám sàng lọc, cách ly bệnh nhân cũng như chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, khu cách ly điều trị hoặc cách ly tạm thời.
Bệnh sởi không chỉ lây lan nhanh mà còn gây ra những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, loét giác mạc, và trong nhiều trường hợp có thể dẫn tới tử vong. Viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do bệnh sởi. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm là yếu tố quan trọng để giảm thiểu nguy cơ biến chứng nguy hiểm.