Một cách làm sáng tạo của huyện Mê Linh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huyện Mê Linh có 3 sản phẩm trồng trọt chính là lúa, rau và hoa, trong đó, lúa có khoảng 5.000ha, rau có khoảng 1.300ha và hoa có xấp xỉ 500ha.

Theo ông Đoàn Văn Trọng - Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, trong số các cây trồng này, hoa hồng đã trở thành loại hoa thương hiệu của Mê Linh. Tuy nhiên, theo quy hoạch chung của TP và huyện Mê Linh về lâu dài đã được phê duyệt, sản xuất nông nghiệp của Mê Linh sẽ tiếp tục giảm. Theo đó, diện tích cấy lúa của huyện sẽ chỉ còn khoảng 3.000ha. Đây là loại cây lương thực chủ lực nhưng lại cho năng suất, giá trị kinh tế không cao. Do đó, Mê Linh có chủ trương hỗ trợ nông dân về giống lúa mới cho năng suất cao và hỗ trợ về thuốc trừ cỏ. Năm 2013, Mê Linh đã hỗ trợ khoảng 2.000ha vụ Xuân cho hiệu quả cao, nếu như năng suất trước đó chỉ đạt 49 - 50 tạ/ha thì sau đó đã tăng lên đạt 60 - 62 tạ/ha. Đây là một trong những thành công trong việc thúc đẩy sản xuất và hỗ trợ nông dân của huyện.

 
Người trồng hoa Mê Linh trên vùng đất mới.
Người trồng hoa Mê Linh trên vùng đất mới.
Phát huy hiệu quả đó, trong năm 2014 Mê Linh có chủ trương tiếp tục hỗ trợ nông dân toàn bộ giống và thuốc trừ cỏ cho khoảng 1.500ha. Trên cơ sở đã thực hiện thành công giống lúa mới trên đồng ruộng, Mê Linh yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người nông dân đồng thuận, tự giác thực hiện việc chuyển đổi giống mới cho năng suất cao hơn. Bởi, thay đổi thói quen sản xuất của người nông dân là cả một quá trình kéo dài hàng năm, thậm chí là vài năm. Theo ông Đoàn Văn Trọng, không có gì thuyết phục hiệu quả bằng thực tế năng suất lúa ngay trên chính đồng ruộng của người nông dân. Đến khi họ đã nhận thức được hiệu quả của việc đưa giống mới vào đồng ruộng sẽ cho năng suất cao hơn thì chắc chắn họ sẽ tự giác thực hiện.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh - Phùng Minh Chiến, cho biết, hoa được trồng chủ yếu tại xã Mê Linh, khu vực đền thờ Hai Bà Trưng với khoảng 350ha. Tuy nhiên, khu vực này lại nằm trong vùng quy hoạch đô thị. Để không mất đi một loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao, Mê Linh đã có kế hoạch chuyển vùng trồng hoa ra khu đất bãi Tráng Việt, Văn Khê, Hoàng Kim… và một phần xã Thanh Lâm. Thậm chí kéo dài đến vùng trong đồng là Tự Lập, Liên Mạc… phía Bắc huyện giáp với huyện Yên Lạc của Vĩnh Phúc. Kế hoạch đã được triển khai thực hiện có hiệu quả tại Tráng Việt khoảng 90ha. Một điều thuận lợi là thổ nhưỡng ở những vùng đất mới này rất hợp cho cây hoa phát triển, chất lượng hoa có phần đẹp, bền hơn so với vùng đất cũ đã trồng hai, ba chục năm nay. Chính vì vậy, người dân rất đồng thuận trong việc "di cư" hoa ra khỏi vùng quy hoạch. Bên cạnh đó, huyện giao cho Phòng Kinh tế tìm chọn địa điểm quy hoạch vùng hoa điểm, có kế hoạch hỗ trợ vốn, giống và chuyển giao kỹ thuật để người dân sản xuất, kinh doanh nâng cao chất lượng hoa. 

Huyện Mê Linh cũng phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT trong tuyên truyền, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa cho năng suất, chất lượng cao hơn. Theo ông Phùng Minh Chiến, trong quá trình thực hiện, Mê Linh rất mong nhận được sự hỗ trợ về mọi mặt của TP để những dự án sản xuất hoa, rau an toàn của người nông dân thật sự đạt hiệu quả và phát triển bền vững. Trên cơ sở mô hình điểm, Phòng Kinh tế huyện sẽ tổng kết sau đo triển khai nhân rộng trên địa bàn giúp người dân có thu nhập từ đồng ruộng cao hơn, thông qua xây dựng thương hiệu hàng hóa và thị trường tiêu thụ thường xuyên.