Một cách nghĩ chưa chính xác?

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tuần qua, các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa tin: Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý - cơ sở đốt rác phát điện lớn nhất Việt Nam, lớn thứ hai thế giới, đặt tại huyện Sóc Sơn đã chính thức hòa lưới điện quốc gia từ ngày 25/7.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Tổng Giám đốc Phát triển thị trường tại Đông Nam Á của Công ty CP Môi trường năng lượng Thiên Ý, việc vận hành nhà máy sẽ chia làm 3 giai đoạn với tổng số 5 lò đốt và 3 tổ máy phát điện.

Giai đoạn 1 có 1 lò đốt và 1 tổ máy vận hành, khoảng 1.000 tấn rác tươi được nhà máy tiếp nhận mỗi ngày. Giai đoạn 2 gồm 2 lò đốt và giai đoạn 3 gồm 2 lò đốt sẽ vận hành trong năm 2022.

Sau khi vận hành cả 3 giai đoạn, nhà máy xử lý đốt rác 4.000 tấn/ngày - đêm, tương đương khoảng 80% lượng rác phát sinh được phân luồng, vận chuyển về xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn từ 12 quận và 5 huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.

Có thể nói, việc Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý bước đầu hòa lưới điện quốc gia là một tín hiệu vui cho việc giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng rác thải sinh hoạt ở Hà Nội cũng như tiến trình thay đổi hình thức xử lý rác thải lạc hậu theo kiểu chôn lấp ở Hà Nội.

Cũng tuần qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội rộ lên thông tin ngày 25/8 tới đây theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vừa được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ban hành, hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, đây là thời điểm Nghị định có hiệu lực chứ không phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt.

Cũng giống như Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, nhưng một số chế định ghi trong Luật thực hiện có lộ trình. Lộ trình thực hiện chậm nhất của việc phân loại rác thải tại nguồn là vào ngày 31/12/2024. Như vậy, đến ngày 1/1/2025, phân loại rác thải sinh hoạt (RTSH) là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Đến thời điểm đó, nếu không thực hiện phân loại RTSH tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Có một điều đáng quan tâm là khi thông tin về Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý, chủ đầu tư dự án cho biết nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ, ứng dụng công nghệ khác với các nước trên thế giới nên khi đốt rác không cần phân loại. Vì vậy, Hà Nội sẽ không cần đầu tư, nâng cấp hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải và người dân không cần phân loại tại nguồn.

Đây dường như được xem là điểm cộng của nhà máy. Tuy nhiên, bình tĩnh lại mà xem xét, thì có thể thấy đây là một cách nghĩ thiếu chính xác.

Chúng ta đều biết ý nghĩa, tác dụng của việc phân loại RTSH tại nguồn. RTSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; RTSH khác.

Ngoài việc đáp ứng yêu cầu của việc xử lý rác thải tại các nhà máy, cách làm này còn mang ý nghĩa kinh tế, tận dụng những rác thải có thể tái chế, tái sử dụng. Không phải ngẫu nhiên mà thế giới luôn coi rác thải là một trong những nguồn tài nguyên có giá trị. Đó là chưa kể cứ theo cách nghĩ này, Hà Nội sẽ bị động khi vào tháng 1/2025, khi phân loại RTSH là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình.

Rõ ràng, đây không thể coi là điểm cộng của dự án này, và nó có thể đưa đến một cách nghĩ thiếu chính xác, xem nhẹ việc phân loại rác tại nguồn, cách làm đem lại lợi ích nhiều bề.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần