Một hộ vi phạm ATTP, xã mất danh hiệu nông thôn mới

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nhắc nhở của ông Nguyễn Minh Tiến – Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) T.Ư tại Hội nghị Triển khai công tác tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xây dựng NTM năm 2016 do Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP Hà Nội tổ chức.

Tại hội nghị, đội ngũ cán bộ làm công tác NTM của TP, các sở, ngành, huyện, thị xã đã được quán triệt một số nội dung cơ bản của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020. Đặc biệt là những điểm mới trong bộ tiêu chí xây dựng NTM vừa được Thủ tướng Chính ký ban hành theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016. Ông Nguyễn Minh Tiến lưu ý, tiêu chí NTM cấp huyện không phải là phép cộng cơ học của các xã mà đòi hỏi cao hơn, phải có sự liên kết giữa các xã.

 Ông Nguyễn Minh Tiến trao đổi tại hội nghị tập huấn.

So với Bộ tiêu chí xây dựng NTM mới, Quyết định 1980 vẫn giữ nguyên 19 tiêu chí nhưng tăng 10 chỉ tiêu, từ 39 chỉ tiêu lên con số 49. Điều đó cho thấy yêu cầu của chương trình xây dựng NTM ngày càng cao hơn trước.

Ông Nguyễn Minh Tiến cho biết, trong các tiêu chí, tiêu chí môi trường được đánh giá là khó nhất và đòi hỏi cao. Ở giai đoạn trước, hầu hết các xã, huyện đạt chuẩn đều được châm trước về tiêu chí môi trường. Tuy nhiên, nếu tiếp tục chấp nhận môi trường như vậy, sẽ không xây dựng được môi trường nông thôn đáng sống. Chính vì vậy, trong giai đoạn 2016 – 2020, tiêu chí môi trường (tiêu chí số 17) được tăng lên 8 chỉ tiêu, trong đó yêu cầu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ các quy định về đảm bảo ATTP. “Chỉ cần một hộ gia đình phát hiện sai phạm về ATTP như muối dưa, cà bán có vàng ô thì xã sẽ mất danh hiệu NTM” – ông Tiến cảnh báo.

Được biết, trong giai đoạn 2016 – 2020, tổng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho chương trình xây dựng NTM là hơn 193.000 tỷ đồng, trong đó, ngân sách T.Ư là hơn 63.000 tỷ đồng (tăng 3,8 lần so với giai đoạn trước), ngân sách địa phương 130.000 tỷ đồng.