Một hướng đi đúng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi những cánh đồng sản xuất nông nghiệp dần bị thu hẹp phục vụ các dự án phát triển đô thị, huyện Hoài Đức đã đẩy mạnh phát triển mô hình trồng rau an toàn, cây ăn quả trên vùng đất bãi. Đây là một trong những hướng đi mang lại thu nhập cao, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người nông dân trong những năm qua.

Thu nhập cao từ... đất bãi

Đến vùng đất bãi xã Đắc Sở những ngày đầu năm, đâu đâu cũng thấy bạt ngàn màu xanh của cây phật thủ. Sau vụ thu hoạch Tết, nhiều nông dân lại tất bật vào vụ mới với công việc tỉa cành, chỉnh sửa lại giàn cây phật thủ. Ông Nguyễn Bá Mùi, thôn Đông, xã Đắc Sở, phấn khởi cho biết, những năm gần đây, phật thủ là cây trồng mang lại thu nhập cao nhất cho người dân trên địa bàn. Vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa qua, mặc dù sản lượng quả phật thủ giảm so với năm ngoái, song vườn quả của gia đình ông Mùi vẫn cho thu hoạch 4.000 quả. Với giá bán buôn đổ đồng cả vườn 50.000 đồng/quả, tính ra, gia đình ông thu về khoảng 200 triệu đồng.

Theo UBND xã Đắc Sở, hiện cả xã có 45ha đất trồng phật thủ, bình quân đạt từ 600 - 900 triệu đồng/ha/năm. Hiện tại, 80% số hộ dân trên địa bàn xã Đắc Sở có thu nhập chính từ trồng phật thủ. Nhiều hộ trồng với diện tích lớn cho thu nhập tới 1 tỷ đồng/năm. Đáng mừng là vài năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng phật thủ trên thị trường ngày càng cao. Do vậy, hàng năm người dân xã Đắc Sở vẫn tiếp tục mở rộng diện tích bằng cách thuê lại đất của các xã, huyện lân cận để trồng loại cây này.

 
Trồng rau an toàn trên vùng bãi tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Quang Thiện
Trồng rau an toàn trên vùng bãi tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Quang Thiện

Tương tự, tại xã Tiền Yên, vùng đất bãi ven sông Đáy cũng đã được phủ xanh bởi những khu sản xuất rau an toàn. Trong đó, khu sản xuất rau an toàn của HTX Nông nghiệp Tiền Lệ với đầy đủ hệ thống nhà lưới, giếng khoan đã trở thành một trong những mô hình sản xuất điểm của huyện. Ông Nguyễn Văn Hào - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tiền Lệ cho biết, diện tích rau an toàn của HTX hiện đạt 31ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường TP hàng ngàn tấn rau. Thu nhập từ trồng rau đạt cao gấp 3 - 4 lần so với cấy lúa hay các loại cây hoa màu khác.

Ngoài những loại cây trồng trên, những năm qua, huyện Hoài Đức còn phát triển nhiều vùng sản xuất cây ăn quả tập trung trên vùng đất bãi như: Vùng nhãn chín muộn 85ha tại các xã Đông La, An Thượng, Song Phương cho thu nhập bình quân 300 - 500 triệu đồng/ha/năm; vùng bưởi đường 32ha tại các xã Cát Quế, Đông La cho thu nhập 400 - 500 triệu đồng/ha/năm...

Xây dựng thương hiệu nông sản

Ông Nguyễn Văn Hiến - Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức cho biết, toàn bộ vùng đồng của huyện đã và đang thu hẹp do chịu tác động của tiến trình đô thị hóa. Do vậy, huyện xác định, để nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống cho người nông dân, cần phải khai thác thế mạnh của 1.200ha đất vùng bãi, qua đó, lựa chọn những cây trồng có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao để phát triển các mô hình sản xuất. Để các mô hình này phát triển được, huyện Hoài Đức đã chủ động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội tổ chức tập huấn kỹ thuật, nhân giống cây ăn quả, hỗ trợ kinh phí... cho người nông dân. Đặc biệt, huyện Hoài Đức đã tiến hành xây dựng thương hiệu cho nông sản, giúp người nông dân nâng cao giá trị sản phẩm. Đến nay, huyện đã có sản phẩm nhãn chín muộn và bưởi đường Quế Dương được cấp nhãn hiệu tập thể. Năm 2013 sản phẩm nhãn chín muộn Hoài Đức được bình chọn là thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng top 10 toàn quốc. Đây là cơ sở để huyện tiếp tục xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm khác như phật thủ và một số quả đặc sản khác...

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, huyện Hoài Đức đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2015 trở thành vùng trọng điểm cây ăn quả đặc sản của Hà Nội. Định hướng phát triển các vùng sản xuất hàng hóa trên vùng bãi của huyện Hoài Đức cũng được Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá là hướng đi đúng, phù hợp với nhu cầu của thị trường và quy hoạch chung của TP. Đặc biệt, khi hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa và hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, các vùng bãi sẽ là điểm thu hút mạnh mẽ đầu tư và đẩy nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Những năm qua, với cách lựa chọn hướng đi đúng, mặc dù diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp nhanh chóng nhưng người dân Hoài Đức vẫn đảm bảo cuộc sống ấm no, hạnh phúc.