Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một lựa chọn thành công của Song An Hoàng Ngọc Phách

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoàng Ngọc Phách là một trí thức tân học đầu thế kỷ XX. Ông gắn bó, tận tụy gần 40 năm với nghề giáo nhưng tiểu thuyết Tố Tâm đã đưa ông đến vị trí nhà văn mở đầu cho dòng tiểu thuyết lãng mạn hiện đại của văn học Việt Nam.

Song An Hoàng Ngọc Phách
Song An Hoàng Ngọc Phách

40 năm nghề giáo

Hoàng Ngọc Phách, húy là Tước, hiệu là Song An, sinh ngày 20/8/1896 tại làng Đông Thái, xã Yên Đồng/Việt Yên Hạ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh (nay là thôn Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ) trong một gia đình có truyền thống Nho học và yêu nước. Cha của ông là Hoàng Mộng Cân (1858 - 1930), nhà nho tham gia khởi nghĩa Phan Đình Phùng, bị truy lùng và cướp ruộng đất, phải cùng vợ là bà Mai Thị Thuở (1861 - 1933) lần lượt đưa cả gia đình ra sống ở ấp Đông Côi, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Song An Hoàng Ngọc Phách . Ảnh  tư liệu
Song An Hoàng Ngọc Phách . Ảnh  tư liệu

Từ nhỏ, khi cha phải ra Bắc Ninh dạy học lánh nạn, mẹ phải chạy nợ ra Hà Nội, Hoàng Ngọc Phách ở quê học chữ Hán với anh cả là Hoàng Ngọc Cừ.

Năm 1906, Hoàng Ngọc Phách ra Bắc Ninh ở cùng cha mẹ cày ruộng và tiếp tục học chữ Hán với cha, về sau học chữ Quốc ngữ.

Năm 1910, Hoàng Ngọc Phách lên Hà Nội ở cùng các anh, theo học chữ Pháp và chữ Quốc ngữ ở trường học cụ Bùi Đình Tá ở ấp Thái Hà. Sau khi đỗ bằng khóa sinh, ông vào học lớp Nhất trường Hàng Vôi (Hà Nội). Năm 1914, đỗ bằng Tiểu học Pháp - Việt, ông trúng tuyển vào Trung học Bảo hộ (trường Bưởi), sau được học bổng nội trú trường này.

Ngay từ lúc còn học ở trường Bưởi, ông đã bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê văn chương. Ông làm nhiều thơ, dẫn đầu trường phái “thơ thơm” ở trường. Năm 1919, ông đăng bài báo đầu tiên trên Nam Phong tạp chí và từng đạt giải trong cuộc thi thơ của rạp Xán nhiên đài.

Năm 1918, ông cùng lúc thi đỗ bằng Sơ đẳng và cao đẳng tiểu học Pháp (thi chung với học sinh người Âu học ở trường Albert Sarraut) và bằng Thành chung Pháp – Việt. Cũng năm này ông thi đỗ vào Ban văn chương Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội.

Trong ba năm học ở Cao đẳng Sư phạm, ngoài các môn chính khóa, ông đọc rất nhiều sách ở ngoài chương trình. Người có công lớn giúp đỡ ông trong việc này là học giả Nguyễn Văn Tố lúc này là thủ thư của Viễn Đông bác cổ. Đó là các sách luận thuyết, văn chương truyền bá các quan điểm tự do bình đẳng của cách mạng tư sản Pháp; các sách về triết học, tâm lý học, xã hội học của các triết gia Pháp và Âu Tây; các sách về văn học, nhất là văn học lãng mạn Pháp giữa thế kỷ XIX… Đây là thời gian Hoàng Ngọc Phách tích lũy kiến thức và cân bằng lại sự khủng hoảng tinh thần giữa bối cảnh văn hóa Đông - Tây, giữa cái cũ và cái mới đang lẫn lộn của cả thế hệ thanh niên lúc bấy giờ. Với vốn kiến thức mới, ông tiếp tục viết nhiều văn thơ hơn gửi cho Nam Phong tạp chí, tham gia sáng lập và viết bài cho tờ Khai hóa tạp chí (1921 - 1927). Năm 1922, Hoàng Ngọc Phách tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm với luận văn Gia tộc An Nam và ảnh hưởng luân lý gia tộc.

Năm 1923, ông được bổ làm Giáo sư Cao đẳng tiểu học ở trường Thành chung Nam Định kiêm Phó thanh tra học chính và quản lý lớp sư phạm của tỉnh.

Năm 1925, ông chuyển lên Hà Nội làm ở Nha học chính Đông Dương, kiêm giữ chức Tổng Thư ký Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, chuyên trách tờ Học báo của Nha Học chính. Năm 1926, Hoàng Ngọc Phách do bị nghi ngờ có liên can đến các phong trào đòi thả Phan Bội Châu và để tang Phan Chu Trinh, nên bị đổi về phụ trách học khu tỉnh Kiến An, giữ chức Hội trưởng Hội Kiến An thể dục. Được một năm, ông xin chuyển sang làm Giáo sư Trường cao đẳng tiểu học Bonnal Hải Phòng, được mời giữ chức Hội trưởng Hội Hải Phòng thể dục. Khi phong trào Xô Viết 1930 - 1931 bùng nổ, nghi ngờ có liên quan đến việc các học trò xuất dương sang Trung Quốc và vì có cưu mang bà con ở quê ra lánh nạn, ông bị mật thám lục soát nhà và bị đổi lên Lạng Sơn làm Giáo sư cao đẳng tiểu học tỉnh này.

Năm 1935, ông xin chuyển về Bắc Ninh làm Giám đốc học khu và gắn bó suốt 10 năm ở đây. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông tiếp tục giữ chức Giám đốc học khu Bắc Ninh, được bầu vào Ủy ban hành chính tỉnh (1945), Hội đồng Nhân dân tỉnh (1946). Khi trường Hàn Thuyên thành lập, ông kiêm chức hiệu trưởng. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông giữ chức Giám đốc giáo dục Chiến khu XII, rồi lần lượt là Giám đốc Giáo dục Liên khu I (1948), Hiệu trưởng Trường trung học kháng chiến liên khu X, Giám đốc Trường Cao đẳng sư phạm T.Ư (1950), Thanh tra Trung học vụ toàn quốc (1951)... Năm 1952, ông bị bệnh, được Bộ Giáo dục cho phép về dưỡng bệnh ở quê nhà. Khi khỏe lại, ông lại tiếp tục dạy học ở trường trung học Phan Đình Phùng. Hòa bình lập lại, năm 1954, ông ra Hà Nội làm việc tại Ban tu thư của Bộ Giáo dục. Năm 1957, ông tham gia Đại hội thành lập Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam và được bầu vào Ban chấp hành hội. Năm 1959, ông chuyển sang làm chuyên viên của Viện Văn học mới thành lập. Ông về hưu năm 1963 và tạ thế ngày 24/11/1973.

Nhà văn “của một cuốn sách”

Nhà văn Vũ Bằng nói về nhà văn Song An Hoàng Ngọc Phách - tác giả của tiểu thuyết Tố Tâm như vậy. Vũ Bằng viết: “Chỉ một cuốn sách, một bài thơ cũng có thể lưu truyền hậu thế, truyền tụng hết đời nọ đến đời kia. Song An Hoàng Ngọc Phách chính là một thứ văn gia, tiểu thuyết “của một cuốn sách” trong văn học sử của nước ta”.

Hoàng Ngọc Phách bắt đầu viết tiểu thuyết Tố Tâm từ năm 1922, khi đang là sinh viên. Năm 1923, ông cho đăng Tố Tâm trên tạp chí của Hội Cao đẳng ái hữu nhưng cũng chỉ được mấy số thì tạp chí đình bản. Năm 1925, nhà xuất bản Châu Phương lần đầu tiên in Tố Tâm và được hoan nghênh nhiệt liệt, đặc biệt là tầng lớp thanh niên. Cũng trong năm này, nhà xuất bản Nam ký in thêm ba lần.

Tiểu thuyết Tố Tâm ra đời là một sự kiện lớn của văn học Việt Nam, “hệt như một trái bom nổ giữa khung trời tình cảm” (Vũ Bằng, 1970), nó làm thay đổi bầu không khí văn học nước nhà. “Tố Tâm quả đã chinh phục trái tim người đọc từ Bắc chí Nam” (Thiếu Sơn, 1932). Nhiều nhà nghiên cứu đương thời và hiện nay nhận định: “Người có can đảm bằng cách từ chối mọi loại tiểu thuyết truyền thống để soạn một cuốn tiểu thuyết trước hết với mục đích tự nó,… một cuốn tiểu thuyết không phải dưới hình thức kể lể sự việc mà là đưa đến cho người đọc chân dung một tâm hồn” (Đào Đăng Vĩ, 1938). “Tố Tâm là một truyện tình. Tác giả đã thuật lại mọi diễn biến thành một pho sử riêng của mối tình đôi lứa, đậm sắc thời đại. Cách viết truyện đã ra ngoài truyền thống truyện cổ, truyện thơ, đi vào nền nếp hiện đại” (Lê Trí Viễn, 1988). “Tố Tâm là cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong văn xuôi ở đầu thế kỷ góp phần mở đầu cho trào lưu lãng mạn trong văn học, chất lãng mạn này ít nhiều mang tính chất tiến bộ” (Hà Minh Đức, 1988). “Tố Tâm là một chiến thắng của chủ nghĩa cá nhân tư sản đối với lễ giáo phong kiến. Tố Tâm đánh dấu khá rõ bước đầu của văn học lãng mạn Việt Nam thế kỷ XX” (Huỳnh Lý, 1973).

Thực ra, đời văn của Hoàng Ngọc Phách không chỉ có Tố Tâm mà ông còn làm khá nhiều thơ, viết nhiều truyện ngắn. Truyện ngắn được dư luận quan tâm nhất là truyện Gò cô Mít. Hồi trẻ ông còn viết ký đăng trên các báo. Lúc về già, ông có hai tập hồi ký đặc sắc là Chuyện Trường Bưởi (1964) và Chuyện Trường cao đẳng Sư phạm (1968).

Ngoài ra, Hoàng Ngọc Phách còn có các chuyên luận như Thời thế với văn chương, luận thuyết và thi ca (1941), Đâu là chân lý (1941). Không chỉ nổi tiếng với tư cách nhà văn, ông còn được nể trọng trong tư cách một nhà nghiên cứu văn học. Trong những năm làm việc ở Ban tu thư (Bộ Giáo dục) và Viện Văn học, ông là đồng tác giả của nhiều công trình nghiên cứu có giá trị như: Cung oán ngâm khúc (1957), Thơ văn Nguyễn Khuyến (1957), Chèo và Tuồng (1957), Văn thơ Trần Tế Xương (1957), Văn thơ Nguyễn Khuyến (1958), Sơ tuyển văn thơ yêu nước và cách mạng (3 tập, 1958,1959), Nhị Độ Mai (1960), Giai thoại văn học Việt Nam (1965), Thơ văn Phan Châu Trinh (1983).

Hoàng Ngọc Phách đã thành công trên cả hai sự nghiệp dạy học và viết văn. Ngoài tài năng, nỗ lực, sở dĩ ông thành công vì ngay từ đầu ông có sự lựa chọn đúng đắn. “Trường luật, tôi đã dứt khoát không vào, vì không thích làm quan. Còn trường sư phạm và trường thuốc thì tôi đương cân nhắc; thầy thuốc chữa thể chất, thầy giáo chữa tâm hồn. Hai nghề cùng hay cả và tôi cùng thích cả. Nhưng tôi thích viết văn và dạy học nên vào học “nghề thầy” để ra dạy văn chương luân lý”.