Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một mặt khác của Hội Khai trí tiến đức

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội Khai trí tiến đức (HKTTĐ) là tổ chức văn hóa đầu tiên ra đời bởi “chính sách hợp tác với người bản xứ”, với mục tiêu chính trị “cai trị gián tiếp” của người Pháp.

Tuy nhiên, các trí thức Việt Nam đã sử dụng tính hợp pháp của nó để tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - xã hội tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa nước nhà.

Ra đời từ “Chính sách hợp tác với người bản xứ”

Năm 1914, chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Là một bên tham chiến, thực dân Pháp chủ trương huy động tối đa mọi nguồn lực của Đông Dương cho cuộc chiến. Để thực hiện cho kế hoạch này, Pháp đã tiến hành những thay đổi trong chính sách thuộc địa cho phù hợp với tình hình thời chiến. “Chính sách hợp tác với người bản xứ” chính thức ra đời.

Sau chiến tranh, chính sách này vẫn tiếp tục được duy trì. Chính quyền thực dân, bên cạnh những cải cách về giáo dục, báo chí, xuất bản - nhằm tuyên truyền, cổ động cho công cuộc hợp tác Pháp - Việt đã có nhiều biện pháp để tập hợp, lôi kéo đông đảo trí thức, thượng lưu bản địa (lực lượng được coi là nòng cốt của chính sách thuộc địa mới) dần dần tách khỏi ảnh hưởng, tác động của văn hóa Trung Hoa và các trào lưu cách mạng, tư tưởng mới trên thế giới. Họ chú ý tới việc xây dựng các tổ chức văn hóa - xã hội với mục tiêu đó.

Quan chức Pháp và Hội Khai Trí Tiến Đức ngày 17/4/1926. Ảnh tư liệu
Quan chức Pháp và Hội Khai Trí Tiến Đức ngày 17/4/1926. Ảnh tư liệu

HKTTĐ đã ra đời trong bối cảnh đó theo Nghị định số 304 ngày 5/2/1919 của Thống sứ Bắc Kỳ Bourcher Saint Chapyray và nhận được sự bảo trợ đặc biệt của chính quyền thực dân và Nam triều. Thành viên sáng lập hội có nhiều người thuộc giới thực dân cao cấp và người bản xứ có thế lực trong xã hội bấy giờ như toàn quyền Đông Dương A.Sarraut, Giám đốc cơ quan an ninh Phủ toàn quyền Louis Marty và những người Việt Nam là trí thức có tiếng, hoặc quan lại Nam triều như Phạm Quỳnh, Hoàng Trọng Phu, Nguyễn Văn Vĩnh, Bùi Đình Tá, Nguyễn Bá Trạc, Thân Trọng Huề, Trần Văn Thông... Phạm Quỳnh là Tổng Thư ký đầu tiên của hội; Toàn quyền Sarraut và Hoàng đế Nam triều Khải Định là những hội trưởng danh dự đầu tiên.

Tuy vậy, những người sáng lập tuyên bố HKTTĐ hoàn toàn là một tổ chức văn hóa, không hề chứa đựng hay bàn đến những vấn đề chính trị hay tôn giáo. Mục tiêu cao cả, trước nhất của hội chính là việc công ích với sự phát triển của quốc gia, chứ không vì lợi quyền của riêng một đảng phái, một cá nhân nào. Những hoạt động của hội chỉ giới hạn ở phạm vi văn hóa, xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng vào việc giáo dục, kinh tế và đạo đức.

Về giáo dục, những người sáng lập mong muốn “mở mang cho quốc dân An Nam biết những tư tưởng học thuật của Đại Pháp, truyền bá những nghĩa luân lý và khích khuyến những việc đạo đức”, “bảo tồn cái quốc tuý của nước Việt Nam ta”. Về kinh tế thì “giúp bênh vực cho quyền lợi của người Pháp và người An Nam”.

HKTTĐ tự nhận trách nhiệm trở thành một tổ chức lo việc “sửa soạn, phải dự bị sẵn” những điều kiện cần thiết về dân trí và đạo đức trong dân chúng để tạo nên những nền tảng cơ bản cho xã hội khi bước vào một “trường sinh hoạt mới ấy, hưởng những sự tốt đẹp sau này”.

Để thực hiện được những mục tiêu đó, hội hoàn toàn trông cậy vào sự góp sức của những bậc thượng lưu, trí thức trong nước, được coi là bộ phận có khả năng tiếp thu được tư tưởng, văn minh học thuật của phương Tây, truyền bá kiến thức và đặc biệt là khả năng tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng, và thu hút tầng lớp xã hội khác.

Hội thực hiện việc lôi kéo bộ phận tinh hoa nhất của xã hội thuộc địa, kể cả những người Pháp cư trú tại Bắc Kỳ, đi về phía nhà cầm quyền, hoặc ít ra cũng làm cho họ không nuôi ảo tưởng chống lại chính quyền đang làm sứ mệnh “khai hóa” cho dân tộc họ.

Hội có điều lệ (công bố lần đầu 3/1919; Sửa đổi 2/1920), có hệ thống tổ chức chặt chẽ. Hội có các hội đồng hành chính và các hội đồng/ban chuyên môn.

Các hội đồng hành chính gồm Đại hội đồng, Hội đồng quản trị và Hội đồng trị sự. Ngoài ra còn có Hội đồng bảo trợ dành riêng cho giới chức cao cấp người Pháp. Từ năm 1922, hội có bốn ban chuyên môn ổn định, hoạt động lâu dài, giữ vai trò nòng cốt của hội là Ban văn học, Ban mỹ nghệ, Ban diễn thuyết, Ban từ thiện.

Nam Phong tạp chí được chọn là cơ quan ngôn luận của hội, do Phạm Quỳnh làm chủ nhiệm và chủ bút.

Một mặt khác của hội

Đó là những đóng góp tích cực của hội.

Đóng góp lớn nhất của hội là truyền bá chữ Quốc ngữ một cách bài bản, hiệu quả, từ đó xây dựng nền Quốc học, Quốc văn, tức là một nền giáo dục bằng chữ Quốc ngữ, một nền văn học, văn hóa, học thuật mới. Bản thân Nam Phong tạp chí cũng có thể coi là một công trình lớn vì đó là một kho tàng tri thức văn hóa, khoa học Đông - Tây, kim - cổ đồ sộ được viết bằng chữ Quốc ngữ bởi các trí thức Việt, với một tinh thần học thuật cởi mở, “hòa trộn khoa học phương Tây với những giá trị triết học phương Đông, tổng hòa những nét đặc sắc giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây” (Nguyễn Lan Dung).

Trứ tác lớn nhất của HKTTĐ là Việt Nam tự điển (Từ điển tiếng Việt). Đây là một trong ba bộ từ điển (Pháp - Việt tự điển, Hán - Việt tự điển và Quốc âm tự điển) mà hội dự tính biên soạn. Theo Phạm Quỳnh, việc biên soạn Việt Nam tự điển là con đường hợp lý nhất để bảo tồn tiếng Việt, để trở thành công cụ giúp việc học tiếng ta “dễ dàng và có bằng cứ hơn”, từ đó để sáng tạo và bồi bổ vào nền quốc văn dân tộc. Việt Nam tự điển do tập thể các học giả Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Dương Bá Trạc, Phạm Quỳnh, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Văn Vĩnh, Đỗ Thận, Phạm Huy Lục và Nguyễn Văn Luận biên soạn. Năm 1931, Nhà in Trung Bắc tân văn xuất bản Việt Nam tự điển, gồm 42 tập khổ rộng, dày 672 trang.

HKTTĐ còn tổ chức nhiều sinh hoạt quan trọng khác như kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Du (25/4/1924), được đánh giá là một sự kiện có ảnh hưởng lúc bấy giờ. Tiếp đó, hội còn tổ chức bình thơ về Nguyễn Du (năm 1939), xây dựng nhà tưởng niệm Nguyễn Du (năm 1940) tại Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Hội tổ chức các cuộc thi văn thơ nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền văn học nước nhà. Năm 1925, Cuộc thưởng văn chương Hội Khai trí đầu tiên đã diễn ra. Hội còn tổ chức trình diễn vở kịch“Người bệnh tưởng” của Molière, do Nguyễn Văn Vĩnh dịch, tại Nhà hát lớn Hà Nội, ngày 25/4/1920 với hơn 1.500 người tới xem, được xem là sự kiện khai sinh kịch nói Việt Nam.

Ban diễn thuyết của hội cũng tổ chức nhiều cuộc diễn thuyết về các đề tài văn hóa xã hội khác nhau như “Văn chương trong hát Ả đào”, “Cách giao tế trong xã hội” “Hiện trạng thanh niên Việt Nam”, “Sự đạo đức trong nghề buôn bán và việc doanh nghiệp”, “Địa vị người đàn bà trong xã hội nước Nam”...

Ngoài các hoạt động văn hóa, văn học, hội tổ chức các hoạt động xã hội mà đáng kể nhất là chương trình Ấu trĩ viên. Đây là một mô hình tổ chức nuôi dạy và chăm sóc trẻ nhỏ dưới 7 tuổi, “bảo trợ cho những hài nhi bị cảnh bần khốn”, “truyền bá phép vệ sinh trong dân gian” để có thể cứu giúp trẻ em khỏi tình trạng bệnh tật, đau yếu do sự thiếu chăm sóc, đói nghèo gây ra. Tuy làm chưa được nhiều nhưng đây là một chương trình có ý nghĩa nhân văn được dư luận xã hội đánh giá cao.

Hội còn tổ chức Đấu xảo hàng thủ công, mỹ nghệ (1923), thi Thiết kế kiểu nhà, trao giải thưởng Mỹ nghệ An Nam hằng năm nhằm tôn vinh và khuyến khích phát triển các nghề thủ công truyền thống.

 

Khi thành lập HKTTĐ, có thể nhà cầm quyền chỉ nghĩ nó như một công cụ tập hợp và ru ngủ giới trí thức tinh hoa An Nam, để truyền bá tư tưởng Pháp -Việt đề huề, hỗ trợ “chính sách hợp tác với người bản xứ”. Không thể phủ nhận, một số yếu nhân của hội, đặc biệt trên Nam Phong tạp chí, có thể hiện điều đó. Nhưng mặt khác, cần ghi nhận, HKTTĐ và các hội viên của hội đã có công khơi gợi tinh thần tự tôn dân tộc, đóng góp không nhỏ về giáo dục, văn hóa và học thuật, đã thúc đẩy quá trình duy tân, đổi mới văn hóa dân tộc trong suốt quá trình tồn tại của nó (1919 - 1945), đặc biệt là thập kỷ đầu tồn tại.