Một năm thực hiện EVFTA, nhiều ngành hàng hưởng lợi

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 1 năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng Việt vào thị trường này tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, để tận dụng mọi cơ hội từ EVFTA đòi hỏi các DN phải tuân thủ các quy định của EU, thay vì chỉ tính toán lợi thế cạnh tranh về giá khi EU cắt giảm thuế nhập khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu vào EU tăng 18,3%
Theo Bộ Công Thương, Hiệp định EVFTA sau 1 năm thực hiện (1/8/2020), đã mang lại những tác động tích cực cho hoạt động XK nhất là khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam- EU đạt 27,67 tỷ USD, tăng 18,4% so cùng kỳ năm 2020 (thời điểm EVFTA chưa có hiệu lực); trong đó, kim ngạch XK hàng Việt vào EU đạt 19,4 tỷ USD, tăng 18,3%.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Ðức Giang chia sẻ, trước khi EVFTA được ký kết kim ngạch XK hàng dệt may sang EU chỉ đạt khoảng 700 - 800 triệu USD/năm, thế nhưng riêng 6 tháng đầu năm 2021 đã đạt 2,263 tỷ USD, tăng 4,85% so cùng kỳ. Không chỉ tác động ngay tới kim ngạch XK, EVFTA còn thu hút DN đầu tư vào phân khúc nguyên liệu dệt may, đáp ứng quy tắc xuất xứ 2 công đoạn, gia tăng giá trị cho sản phẩm dệt may Việt Nam XK sang EU và các thị trường khác. Đồng thời, thúc đẩy phát triển công nghệ về tự động hoá, quản trị số, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường may mặc toàn cầu.
 Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang EU

Thực tế cho thấy, không chỉ ngành dệt may mà nhiều ngành hàng khác cũng được hưởng lợi từ EVFTA. Cụ thể, với ngành hàng nông sản, việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA là "bệ phóng" cho vải thiều Việt Nam chinh phục 27 quốc gia EU khắt khe về tiêu chí an toàn thực phẩm. Tháng 6/2021, lần đầu tiên quả vải thiều Việt Nam được đưa vào thị trường EU theo đường chính ngạch, bắt đầu là Czech và sau đó là Pháp, Bỉ, Hà Lan.
Tại một số thị trường châu Âu, vải thiều Việt Nam được bán với giá từ 15 - 20 Euro/kg, thậm chí tại một số siêu thị trong hệ thống Carrefour (Bỉ) lên đến 25 Euro/kg. Tương tự, dưới tác động của EVFTA, XK gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU trong 6 tháng qua đạt khoảng 300 triệu USD, tăng  37% so cùng kỳ. Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) Ðỗ Xuân Lập nhận định, từ nay đến hết năm, các nước thành viên EU sẽ dần khôi phục hoạt động kinh tế, du lịch và thương mại, đây là cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam để tìm kiếm đơn hàng XK.
Vẫn chưa hết thách thức 
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên, trong quá trình thực thi EVFTA nhiều DN gặp không ít khó khăn, thách thức. Chủ tịch Viforest Ðỗ Xuân Lập cho biết, mặc dù được hưởng ưu đãi từ  EVFTA, 1 năm qua do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến XK đồ gỗ gặp nhiều khó khăn. Dự kiến XK gỗ và các sản phẩm liên quan trong năm 2021 có thể tăng trưởng 20 - 30% so với năm 2020, nhưng giá sẽ cao hơn do chi phí lớn, dẫn đến lãi giảm và tính bền vững của thị trường không bảo đảm. “Những tháng cuối năm, giá trị XK đồ gỗ sang EU có thể giảm từ 10 - 12% so với 6 tháng đầu năm 2021” - ông Đỗ Xuân Lập dự báo.
 Vải thiều Việt Nam bày bán tại siêu thị Hà Lan 2021

Thực tế cho thấy, dịch Covid-19 khiến giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, XK hàng hóa sang thị trường EU. Tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng gấp 6 - 10 lần so năm 2020 đã làm giảm lợi thế giá hàng hóa Việt Nam đối với thương mại với các quốc gia EU. Không chỉ có vậy, mặc dù EVFTA đã được triển khai 1 năm nhưng DN Việt Nam chưa tận dụng hết cơ hội từ hiệp định này.
Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh chia sẻ, đa phần DN Việt Nam quy mô nhỏ và vừa nên năng lực cạnh tranh yếu, giá sản phẩm còn cao, chất lượng thấp so tiêu chuẩn quốc tế. Ðồng thời, DN cũng chưa thật sự chú trọng nâng cao trình độ quản trị, chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng, phát triển thương hiệu dài hạn. “Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có tới 45% DN xuất nhập khẩu chưa biết đến các cam kết thuế quan liên quan đến ngành hàng của mình trong EVFTA”- ông Mạc Quốc Anh dẫn chứng.
Đồng tình với ý kiến này, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú phản ánh, công tác dự báo, đánh giá đúng mức phạm vi tác động của FVTA với DN của một số cơ quan, địa phương, chưa mang tính hệ thống và kịp thời. Nhiều địa phương chưa thực sự chủ động vào cuộc trong việc xây dựng định hướng, chiến lược tận dụng EFTA cho các DN địa phương.
 Vải thiều Việt Nam lần đầu tiên bày bán tại siêu thị Hà Lan 2021

Để khắc phục những khó khăn này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp trong việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, thực thi EVFTA, tránh trùng lặp, lãng phí nguồn lực. Đồng thời phối hợp chặt chẽ các hiệp hội ngành hàng, giúp DN tận dụng cơ hội từ EVFTA mở rộng thị trường xuất khẩu.
Về phía DN, theo Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản ký kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Anh Dương, DN cần chủ động tìm hiểu các cam kết của EVFTA, cập nhật và đáp ứng các thay đổi trong chính sách thương mại của EU; Nâng cao khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của EU qua đó tận dụng tốt hơn các cơ hội mà EVFTA mang lại
Ý kiến của chuyên gia, cơ quan quản lý cho thấy để tận dụng những cơ hội mà EVFTA mang lại đòi hỏi  các địa phương, bộ, ngành tăng cường biện pháp hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, giúp DN đáp ứng quy tắc xuất xứ của EVFTA.
Cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 đã giáng “đòn chí mạng” vào nền kinh tế toàn cầu. Trong thời điểm đối phó với suy thoái kinh tế, tác động tích cực của EVFTA đối với Việt Nam còn rõ ràng hơn trước thời điểm khủng hoảng. Không chỉ mang đến hiệu ứng tích cực trong lĩnh vực thương mại, hiệp định lịch sử này còn thúc đẩy hiệu quả hoạt động đầu tư giữa Việt Nam và EU. (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam Alain Cany)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần