Phải nói là những người có trách nhiệm dạo ấy đã khéo chọn tên cho huyện mới của Lâm Đồng. Và dường như cũng chẳng có lựa chọn nào phù hợp hơn cho vùng đất nơi luôn được coi như một phần của Hà Nội trên cao nguyên ấy…
Từ một mô hình thành công
Có thể nói mà không sợ quá lời là lịch sử hình thành và phát triển của Lâm Hà là một bản hùng ca đầy cam go, bi tráng mà không kém phần lãng mạn. Trong những năm 60 của thế kỷ trước, Hà Nội từng đưa dân lên các vùng cao phía Bắc làm kinh tế mới, nhưng rất ít thành công. Sau năm 1975, lãnh đạo Hà Nội và Lâm Đồng đã có những cuộc gặp trao đổi và đi đến thống nhất đưa một bộ phận dân cư Thủ đô lên lập nghiệp ở cao nguyên Lâm Viên.
Năm 1976, những bước chân đầu tiên của 30 cán bộ Ban Kinh tế mới, hầu hết còn rất trẻ làm công tác tiền trạm đặt lên những cánh rừng già cao nguyên còn đầy bom đạn, nơi tàn quân Fulrô vẫn lén lút hoạt động…
Trong buổi đầu đầy cam go ấy, những chàng trai, cô gái, những kỹ sư, bác sĩ, giáo viên Hà Nội đã lao động cật lực, đổ biết bao mồ hôi, và cả máu để 5.060ha đất được khai hoang, 5.141 căn nhà, 1.285 giếng nước được xây dựng. Rồi hệ thống điện, đường, trạm xá, trường học từ mầm non tới THPT… hình thành. Hơn một năm sau, những hộ dân đầu tiên từ các vùng quê Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Từ Liêm và cả ở Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa… bước đầu an cư tại vùng đất mới.
Kịp đến khi 20.000 người dân Hà Nội vào xây dựng quê hương mới thì đã có những điều kiện tối thiểu cho sự an cư, để những Nam Ban, Tân Hà, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Đan Phượng… dần quần tụ trên quê hương thứ hai, và đến năm 1987, hợp vào với những Đinh Văn, Tân Văn, Đạ Đờn, Phi Tô, Phú Sơn… mà thành huyện mới mang cái tên đầy nghĩa tình Lâm Hà, năm 2022 này đang trong năm thứ 35 xây dựng và phát triển.
Cũng phải so sánh một chút để thấy được thành quả sự cố gắng của 29 dân tộc chung sống trên mảnh đất này. Nếu 35 năm trước, khi cái tên Lâm Hà xuất hiện trên bản đồ hành chính, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 50%, thậm chí còn tới 30% dân số trong tình trạng thiếu đói, thì đến năm 2020 huyện đặt mức phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo chung còn dưới 2%, trong đó hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn dưới 5%.
Để đạt mục tiêu đó, Lâm Hà đang phấn đấu đạt mức giảm nghèo bình quân hàng năm từ 0,5 - 1%, riêng hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm. Từ những khó khăn bộn bề thuở ban đầu, mới đây, ngày 12/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 812/QĐ-Ttg công nhận huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Nhắc lại một chút như vậy để thấy những gì có được bây giờ là đáng quý. Và cũng để thấy, xây dựng khu kinh tế mới của Hà Nội ở Lâm Đồng là một mô hình thành công, một mốc son đáng nhớ trong lịch sử xây dựng và phát triển Thủ đô.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Không phải ngẫu nhiên mà gần nửa thế kỷ trước, TP Hà Nội đã chọn vùng đất này làm nơi xây dựng khu kinh tế mới của Thủ đô trên đất cao nguyên. Đây là vùng đất có khí hậu ôn hòa và đất đai màu mỡ, hầu hết là đất đỏ bazan rất thích hợp phát triển nông nghiệp, đặc biệt là trồng cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện tại, Lâm Hà là một trong bốn địa phương của tỉnh Lâm Đồng có quy mô diện tích lớn cùng với: Di Linh, Bảo Lâm, Lạc Dương.
Với tổng diện tích khoảng 93.000ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 58.500ha, Lâm Hà cũng là địa phương thuộc nhóm huyện sản xuất nông nghiệp với quy mô hàng hóa có các sản phẩm phong phú, đa dạng nhất tỉnh Lâm Đồng.
Không chỉ có vậy, nhờ có khí hậu đặc trưng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có nhiều danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và cấp tỉnh, có nét văn hóa đa dạng… Lâm Hà còn có lợi thế phát triển du lịch. Một lợi thế nữa của Lâm Hà là khả năng liên kết vùng rất thuận lợi trước mắt và lâu dài với hệ thống giao thông thuận lợi để đầu tư phát triển kinh tế.
Để đến Lâm Hà, nhà đầu tư hoặc du khách có thể dễ dàng di chuyển bằng nhiều loại phương tiện. Nếu đi từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, máy bay là phương tiện thuận lợi nhất. TP Hồ Chí Minh chỉ cách Lâm Hà khoảng 330km nên du khách các tỉnh miền Tây và miền Đông có thể tới đây bằng ô tô. Du khách cũng có thể đi máy bay từ Tân Sơn Nhất tới Liên Khương rồi thuê xe máy hoặc ô tô di chuyển đến Lâm Hà một cách thuận lợi.
Những dấu ấn Hà Nội
Thường khi đến vùng đất mới, muốn biết mức sống của cư dân ở đó, chỉ cần nhìn vào những tấm biển hiệu. Cứ nhìn vào những biển hiệu dọc trục đường chính của các thị trấn Nam Ban, Đinh Văn, Tân Hà… cũng thấy sự sung túc, no đủ cũng như tiềm năng của vùng đất này.
Có lẽ cũng bởi vậy mà từ nhiều năm nay, người Lâm Hà hay nói với khách phương xa: Hà Nội có gì, Lâm Hà có đó! Xem ra ngoài sự tự hào, còn có tấm lòng hướng về nơi quê hương, không chỉ với những người gốc Hà Nội. Dân số Lâm Hà hiện có khoảng 145.552 người, trong đó dân gốc Hà Nội là 87.670 người, chiếm gần 61%.
Những nét văn hóa truyền thống của dân cư gốc Hà Nội ngàn năm văn hiến hòa trộn với văn hóa cư dân bản địa cùng nhiều vùng miền khác nhau đến từ mọi miền Tổ quốc đã tạo nên nét rất riêng của huyện Lâm Hà so với các huyện khác, không chỉ ở Lâm Đồng mà còn phạm vi cả nước.
Có một điều không thể không nhắc đến, đó là những dấu ấn của Hà Nội trên vùng đất này. Lãnh đạo và người dân Lâm Hà luôn khẳng định: “Sự phát triển của Lâm Hà có sự tiếp sức không nhỏ từ Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hà Nội”.
Từ nhiều năm qua, trung bình mỗi năm Hà Nội hỗ trợ Lâm Hà khoảng 70 - 80 tỷ đồng. Sự hỗ trợ đầy hiệu quả của quê hương Hà Nội đã góp phần làm cơ sở hạ tầng của Lâm Hà ngày càng được hoàn thiện, nâng cao. Khó có thể kể hết những công trình văn hóa, giáo dục, giao thông, y tế… mà Hà Nội hỗ trợ xây dựng trên đất Lâm Hà.
Chỉ riêng trong lĩnh vực giao thông, theo lãnh đạo huyện Lâm Hà, ước tính Hà Nội đã hỗ trợ đến hơn 50% kinh phí để tới nay, toàn huyện Lâm Hà có tổng chiều dài các tuyến đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa và cứng hóa đạt chuẩn là 1.151,6km.
Ngoài sự đầu tư của Nhà nước, nỗ lực của địa phương, những sự giúp đỡ hết lòng của TP Hà Nội là bước đệm giúp Lâm Hà có những bước tiến không ngừng. Nhiều thế hệ lãnh đạo của UBND TP Hà Nội khi vào thăm Lâm Hà đều đã khẳng định “Lâm Hà là một phần của TP Hà Nội” và suốt nhiều năm qua, tinh thần đó, khẳng định đó vẫn được tiếp nối.
Với truyền thống ham làm, óc sáng tạo và ý chí quyết tâm, với sự quan tâm từ Thủ đô, người Hà Nội đã góp phần cùng bà con Tây Nguyên đưa vùng đất hoang vu khi xưa ngày một phát triển. Hầu hết người Hà Nội vào Lâm Hà lập nghiệp đều có cuộc sống ổn định, khấm khá. Và Lâm Hà đã có sức hút với những thế hệ người Hà Nội hôm nay.
Một vị lãnh đạo UBND huyện Lâm Hà đã chia sẻ một thông tin thú vị: “Trong số nhà đầu tư mua đất tại Lâm Hà thời gian gần đây, người có hộ khẩu Hà Nội chiếm hơn 40%. Người Hà Nội đầu tư vào Lâm Hà không chỉ vì họ có người thân lập nghiệp tại đây, mà còn vì họ nhìn thấy tương lai đầy hứa hẹn của vùng đất này”.
Với những gì diễn ra suốt quá trình xây dựng và phát triển của vùng kinh tế mới Hà Nội trước đây và huyện Lâm Hà hôm nay, một lần nữa có thể khẳng định: Xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội trên cao nguyên Lâm Viên đã tạo dựng một mô hình thành công, cần ghi nhận như một mốc son đáng nhớ trong lịch sử vẻ vang của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.