Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một quy định lấp lửng

Mai Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GTVT đang lấy ý kiến Dự thảo quy chuẩn mới về đăng kiểm xe ô tô, trong đó có quy định về bình chữa cháy.

Đáng chú ý, quy định được nêu kèm ghi chú: xe không đáp ứng yêu cầu này vẫn được kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận kiểm định theo quy định. Dư luận băn khoăn việc đưa ra một quy định lấp lửng có thể làm khó cho cả cơ quan quản lý lẫn chủ phương tiện, vì không biết thực hiện thế nào mới phải.

Việc đưa bình chữa cháy vào danh mục đăng kiểm là một bước tiến đáng chú ý nhằm nâng cao tiêu chuẩn an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với xe ô tô. Hiện dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc tham gia giao thông đường bộ với nhiều điểm mới được bổ sung đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Dự kiến khi hoàn thiện, quy chuẩn này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Với góc độ của cơ quan soạn thảo, đề xuất này là điều kiện linh hoạt dành cho chủ xe cơ giới trong quá trình đăng kiểm. Nhưng thực tiễn đặt ra câu hỏi, nếu xe không đáp ứng điều kiện mà vẫn cho kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm thì quy định này liệu có còn cần thiết?

Hơn thế, trước đây, quy định phải có bình chữa cháy đối với xe cơ giới từng được đưa ra, nhưng việc thực hiện chưa nghiêm. Nếu hiện nay, quy định tạo ra kẽ hở bằng một điều kiện linh hoạt là xe không đáp ứng yêu cầu vẫn được kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận kiểm định theo quy định, liệu các chủ xe có tự giác thực hiện việc trang bị bình chữa cháy trên xe nữa hay không?

Trường hợp không may, khi trên đường có các tình huống cấp bách về cháy nổ, thay vì có thể chủ động xử lý có phải các chủ phương tiện chỉ đành đứng nhìn hoặc đứng chờ sự hỗ trợ từ những người xung quanh và lực lượng chức năng?

Trên thực tế, an toàn khi tham gia giao thông luôn là mối quan tâm hàng đầu của người sử dụng phương tiện. Trong đó, bình chữa cháy là vật dụng quan trọng để kịp thời xử lý những sự cố trong bối cảnh các vụ cháy xe đang trở thành một trong những mối lo ngại hàng đầu của người và phương tiện khi lưu thông trên đường. Tuy nhiên, nếu đưa ra một quy định lấp lửng có thể sẽ làm khó cho cả cơ quan quản lý lẫn chủ phương tiện, vì không biết thực hiện thế nào mới phải.

Đối với chủ phương tiện, điều kiện linh hoạt về việc có hay không có bình chữa cháy trên xe cũng được đăng kiểm khiến chủ xe không biết có nên trang bị hay không? Nếu trang bị thì chi tiết tiêu chuẩn của bình chữa cháy trên xe ô tô như thế nào để bảo đảm các bình chữa cháy an toàn trong mọi điều kiện thời tiết và quá trình xe di chuyển, cũng như phát huy hiệu quả trong những trường hợp cần thiết.

Và nếu đã nằm trong quy định, việc trang bị và tuân thủ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là trách nhiệm bảo vệ tính mạng và tài sản của mỗi cá nhân khi điều khiển xe lưu thông trên đường. Vậy, ngoài quy định chặt chẽ trong lĩnh vực đăng kiểm, cũng cần phải có quy định kiểm tra, xử phạt tương ứng đối với những trường hợp không trang bị bình chữa cháy trên xe. Có như vậy mới tạo được hiệu quả trong việc trang bị và sử dụng bình chữa cháy trên thực tế.