Trừ một vài dự án chung cư bình dân giá rẻ nhúc nhắc có giao dịch, phần lớn các phân khúc đều đóng băng dù giá đã giảm 30-40%. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là hệ quả không tránh khỏi khi NĐT mất niềm tin vào thị trường, đặc biệt với các chủ đầu tư làm ăn theo lối chụp giật. Chết vì tin hứa hão Đây là thực trạng khá phổ biến ở nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài nhiều năm trên địa bàn Hà Nội. Nổi cộm gần đây nhất là vụ sáng 30/7, nhiều khách hàng mua nhà dự án chung cư Nam Xa La đã tập trung tại trụ sở văn phòng chủ đầu tư để yêu cầu làm rõ thông báo nộp tiền đợt 3 không đúng với hợp đồng góp vốn và những cam kết đã hứa trước đó. Không ít khách hàng đã bày tỏ nguyện vọng được lấy lại tiền góp vốn. Dự án chung cư Nam Xa La do liên danh gồm CTCP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Hạ tầng KCN Phúc Hà và CTCP Đầu tư và Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCOINS) làm chủ đầu tư. Các căn hộ tại đây đã bán cho khách hàng theo hình thức hợp đồng góp vốn từ năm 2009 và theo điều khoản trong hợp đồng góp vốn, thời hạn bàn giao công trình là đầu quý II/2012. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 7.2012, NĐT vẫn chưa được ký kết hợp đồng mua bán với chủ đầu tư và dự án mới đang thi công sàn mái của tầng 3! Tương tự, dự án chung cư 34 Cầu Diễn của chủ đầu tư là Cty Quân Thư cũng làm khách hàng đau đầu vì dự án đã dừng triển khai quá lâu, trong khi theo cam kết của chủ đầu tư là cuối năm 2012 bàn giao nhà. Khách hàng kéo đến trụ sở Cty này đòi tiền thì dự án vẫn trong tình trạng án binh bất động. Cuối tháng 4 vừa qua, một loạt khách hàng cũng đã kéo đến CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí (PVCR) để đòi tiền vốn góp, cũng bởi lý do là dự án chậm tiến độ hàng năm trời. Thu 30% giá trị hợp đồng của khách hàng từ gần 2 năm nay (khoảng tháng 9.2010), đến nay theo tiến độ cam kết dự án phải xây xong phần thô đến tầng 15, song hiện vẫn chưa xong móng. Dự án của Binh đoàn 12 Ngọc Hồi cũng được đưa vào "danh sách đen". Có vị trí tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội do CTCP Đầu tư BĐS Thuận Thành và TCty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12) hợp tác đầu tư, nhưng đến nay sau 2 năm trôi qua, dự án vẫn chưa được xây dựng phần thân và án binh bất động. Hàng trăm khách hàng đã kéo tới CTCP Đầu tư bất động sản Thuận Thành với mong muốn đòi lại tiền góp vốn, chấp nhận mất tiền chênh từ 1-3 triệu đồng/m2 và tiền lãi suất hàng trăm triệu đồng trót "ngâm" vào dự án này... Thị trường mất niềm tin Theo ông Nguyễn Quang Nam - TGĐ Cty TNHH Phát triển Công nghệ (CFTD), chủ đầu tư dự án Star Tower - một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường BĐS nguội lạnh như ngày hôm nay, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như ngân hàng siết tín dụng với BĐS; việc ồn ạt làm dự án đẩy cung vượt cầu..., có nguyên nhân quan trọng là do khách hàng, NĐT đã mất niềm tin vào thị trường. “Để khắc phục được tình trạng này rất cần hành động của chủ đầu tư. Thị trường BĐS trầm lắng quá lâu, các chủ đầu tư nếu muốn bán được hàng sẽ buộc phải điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh như điều chỉnh lại chi phí, tiết kiệm chi phí, điều chỉnh lại giá bán... Bên cạnh đó, các dự án cần phải tăng cường việc marketing, hoặc phải có những hoạt động lấy lại niềm tin đối với khách hàng. Chỉ có thế, kết hợp với các biện pháp nới lỏng tín dụng, kích cầu kinh tế của Chính phủ gần đây thì thị trường BĐS mới có thể sôi động lên được” - ông Nam nói. Cũng theo ông Nam, khách hàng nên rút ra được kinh nghiệp cho mình, đặc biệt với những dự án thời gian qua được quảng cáo, giới thiệu rùm beng nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa được triển khai, dẫn đến các tranh chấp, kiện tụng kéo dài giữa khách hàng với chủ đầu tư. “Khách hàng nên tìm hiểu kỹ trước khi mua BĐS, tìm đến những chủ đầu tư uy tín, các dự án phải được xây dựng đúng tiến độ và đảm bảo được sự cam kết giữa chủ đầu tư và khách hàng. Nếu là người mua để ở, cần tìm đến những dự án có thể nhìn thấy được, chạm tay sờ được. Như thế khách hàng có thể đưa ra được quyết định nhanh chóng và chính xác hơn” - ông Nam tư vấn. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ CTCP Đầu tư và phân phối DTJ cũng cho rằng, thị trường BĐS chậm hồi phục có một nguyên nhân rất cơ bản là do NĐT mất niềm tin vào tiến độ thực hiện dự án của một số chủ đầu tư. Thậm chí có không ít dự án đã xây đến tầng 10 hay 15, thậm chí đã xong phần thô, nhưng khách hàng vẫn lo ngại chủ đầu tư không thể hoàn thiện để bàn giao cho khách hàng đúng hạn. “Nguyên nhân thứ hai là về chính sách, đó là sự cam kết về tính ổn định của hệ thống chính sách. Nếu ai đã từng đi vay NH cách đây 2 năm thì biết rằng, chỉ sau vài tháng, lãi vay đã thay đổi chóng mặt khiến người vay choáng váng. Nếu bây giờ không có một chính sách ổn định, thì dù NH có mời vay với nhiều ưu đãi, khách hàng cũng vẫn rất dè dặt. Chính vì vậy, sự ổn định của chính sách cũng là yếu tố quan trọng giúp cho thị trường BĐS sớm phục hồi trong thời gian tới” - ông Khánh cho biết thêm.