Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một số kinh nghiệm khi thực hiện bài điều tra

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có một thực tế, để thực hiện được những loạt bài điều tra có sức nặng, một phương pháp hiệu quả mà nhiều phóng viên đang sử dụng là cách nhập vai, đóng vai người trong cuộc để thu thập thông tin.

Tuy nhiên, sự việc phóng viên Hoàng Khương (báo Tuổi trẻ) bị phiên sơ thẩm TAND TP Hồ Chí Minh xét xử 4 năm tù về tội “đưa hối lộ” liên quan đến quá trình tác nghiệp thực hiện bài điều tra về xử lý vi phạm giao thông đã cho thấy, hiện nay vẫn thiếu các quy định về phương pháp điều tra nhập vai. Và câu hỏi nhà báo được phép nhập vai đến đâu, được làm những gì trong thực hiện bài điều tra đang đòi hỏi một câu trả lời (?)

Nhà báo Đức Hiển - Tổng Thư ký Tòa soạn báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh cho biết, tại báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, có một số phóng sự điều tra mà phóng viên dùng phương pháp nhập vai để thu thập thông tin. Nhiều phóng sự trong số này đã để lại dấu ấn, tạo độ rung xã hội bởi tính thuyết phục cao, cách mô tả sinh động, hấp dẫn. Đánh giá về phương pháp nhập vai, phóng viên Đặng Anh Tuấn (bút danh Anh Thoa, báo Tuổi trẻ) cho rằng, để có sức sống cho bài viết, nhà báo phải hóa thân trong vai người đi đào vàng, đóng vai hành khách để vạch trần nạn cơm tù, đóng vai người đi buôn lậu… Đó là điều đương nhiên của điều tra, bởi nếu không nhập vai khó lòng mà có những cảm xúc thật, bằng chứng thật. Tuy nhiên, phóng viên này cũng thừa nhận rằng, không phải tất cả các tình huống đóng vai đều được chấp nhận, xét ở góc độ đạo đức nghề nghiệp.

Vậy trong khi vẫn chưa có quy định cụ thể, phóng viên phải làm gì để thực hiện đúng nghĩa vụ của mình mà vẫn đảm bảo không phạm pháp? Nhà báo Đức Hiển cho rằng, trong khi chưa có các quy định thì các phóng viên, tòa soạn cũng phải có những bộ nguyên tắc riêng để thực hiện đúng chức năng và tự bảo vệ mình trong quá trình tác nghiệp. Nhà báo Đức Hiển đã chia sẻ 10 nguyên tắc khi nhập vai để điều tra. Trong đó, điều đầu tiên là chỉ nhập vai khi đó là cách tốt nhất để thu thập thông tin. Ngoài ra, còn có những nguyên tắc như kế hoạch phải được sự đồng ý của cấp cao nhất; phóng viên không được tác động vào sự vật, hiện tượng, khiến nó thay đổi bản chất, không thúc đẩy sự kiện diễn ra hoặc khiến nó diễn ra sớm hơn bình thường; không gài bẫy, gợi ý hối lộ; nếu phóng viên nhập vai mà buộc phải thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, Tòa soạn phải liên hệ với cơ quan công an và trình bày rõ ngọn nguồn trước khi hành vi ấy diễn ra. Trên thực tế, đã từng có trường hợp nữ phóng viên Đông Trang (báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh) đóng giả gái quê bị dụ bán vào nhà chứa bị ép phải đi khách, Tòa soạn đã liên hệ với 30 cảnh sát để giải cứu và bắt quả tang tụ điểm này và phải dừng ngay việc nhập vai để thực hiện nghĩa vụ công dân.

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình - Trưởng ban Chính trị - Xã hội, báo Tuổi trẻ cũng đồng tình rằng, để việc tổ chức thực hiện tốt các đề tài điều tra được chặt chẽ, Ban Biên tập và Tòa soạn đã có những quy định cụ thể thực hiện quy trình từ các khâu đề xuất, thẩm định đề tài, thống nhất triển khai thực hiện, viết và thẩm định, kiểm tra chứng cứ cũng như biên tập, duyệt tác phẩm trước khi lên trang, xuất bản. Đồng thời, người thực hiện đề tài ngoài việc báo cáo nội dung phải báo cáo cụ thể chi tiết phương tiện tác nghiệp, các biện pháp nghiệp vụ và phải được sự đồng ý của người phụ trách. Khi hoàn tất khâu làm tư liệu, người thực hiện phải báo cáo với người phụ trách nội dung đã thực hiện, chứng cứ liên quan đề tài... Sau khi trưởng, phó ban thẩm định bước đầu, nếu thấy đầy đủ căn cứ sẽ triển khai việc viết bài. Nếu chứng cứ chưa chặt chẽ, người viết phải tiếp tục bổ sung đầy đủ mới tiến hành viết bài.

Chia sẻ về kinh nghiệm của mình, Stephen Whittle - nguyên Giám đốc biên tập BBC, Học giả nghiên cứu báo chí, Đại học Oxford cho rằng: “Việc đóng giả chỉ có thể diễn ra nếu bạn không có cách nào khác để lấy thông tin. Lời khuyên tốt là hãy chỉ làm điều này nếu bạn đã thử mọi cách khác nhưng không hiệu quả. Báo chí là nói ra sự thật - sẽ thật nực cười nếu điều bạn đang làm là nói dối thường xuyên”.

Nhiều nhà báo cũng đồng ý kiến rằng, để hạn chế sự cố hoặc tai nạn đáng tiếc xảy ra trong quá trình tác nghiệp và sau khi đăng bài, Tòa soạn và phóng viên cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc chuẩn bị kỹ, có đề cương, kế hoạch, Ban biên tập phải có sự đồng ý trước khi thực hiện điều tra và quá trình tác nghiệp phải được giám sát, hướng dẫn.