Một số lời khuyên cho sĩ tử ôn thi môn Toán vào lớp 10

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – “Học sinh muốn trúng tuyển vào trường THPT top đầu, ngoài làm được những bài cơ bản thì các em phải làm đúng cả câu hỏi phụ của bài số 1, những câu hỏi liên quan đến hệ thức Vi-ét, bài hình để có được điểm thi cao” – cô Lương Thị Liên – Giáo viên Toán, trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) đưa ra lời khuyên.

Xây dựng thời khóa biểu ôn thi
Theo kế hoạch của TP Hà Nội, chưa đầy 3 tuần nữa sẽ diễn ra Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2021 – 2022. Thời gian này thực sự rất quan trọng và gấp rút đối với các em học sinh lớp 9 ôn thi vào lớp 10, gồm có 4 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Lịch sử.
Đối với bài thi môn Toán, cô giáo Lương Thị Liên – Giáo viên Toán, trường THCS Thái Thịnh đã có tư vấn để học sinh ôn tập trong giai đoạn nước rút này. Theo cô giáo Lương Thị Liên, trong thời gian học sinh nghỉ phòng chống dịch Covid-19, các trường THCS đều tổ chức ôn tập trực tuyến. Các thầy cô đã dạy xong nội dung kiến thức cũng như các chuyên đề nên thời gian này học sinh chủ yếu rà soát lại những kiến thức trọng tâm của các chuyên đề và ôn luyện tổng hợp.
 Cô Lương Thị Liên - Giáo viên Toán lưu ý các em học sinh lớp 9 5 chuyên đề khi ôn tập môn thi Toán.
Ngoài thời gian học trực tuyến, thời gian học sinh học ở nhà rất nhiều. Vì thế, để việc ôn tập đạt được hiệu quả, đầu tiên học sinh phải tự giác và lên được thời khóa biểu cho chính bản thân. Ví dụ, buổi sáng, học sinh học trực tuyến đối với môn Ngữ văn và Toán, buổi chiều các em có thể ôn môn Tiếng Anh và Ngữ văn; buổi tối ôn tập môn Lịch sử và Toán. Thời gian ôn môn Toán và Văn từ 1,5 đến 2 tiếng/môn; thời gian ôn môn Anh và Lịch sử 1 tiếng/môn.
5 chuyên đề học sinh cần lưu ý
Cấu trúc đề thi môn Toán vào lớp 10 gồm 5 bài, chia thành 5 chuyên đề chính. Chuyên đề thứ nhất là rút gọn và các câu hỏi phụ. Để chuyên đề này đạt được điểm ca, ngoài việc làm tốt câu hỏi a, b, thời gian này học sinh cần rà soát, ôn tập lại các câu hỏi phụ. Đặc biệt, học sinh cần chú ý những câu hỏi chứa căn thức, các câu hỏi có giá trị tuyệt đối, những câu hỏi cần phải xét nhiều trường hợp,...Học sinh cũng cần chú ý kết hợp các điều kiện của bài toán trước khi đưa ra kết luận.

Chuyên đề thứ hai là giải bài Toán bằng cách lập phương trình. Đối với chuyên đề này, học sinh rất chú ý phần kỹ năng trình bày phải mạch lạc, rõ ràng; chú ý gọi ẩn cho chính xác, phần đơn vị, đặt điều kiện cho ẩn. Khi học sinh giải ra rồi, các em cần phải chú ý đối chiếu và đưa ra phần kết luận. Riêng đối với những học sinh còn lơ mo ở chuyên đề này, các em cần ôn lại các dạng, mỗi dạng có thể ôn 3 bài hoặc nhiều hơn.
Phần bài giải hệ phương trình không khó nhưng nếu muốn đạt điểm tuyệt đối thì học sinh phải chú ý phần điều kiện xác định một cách chính xác. (Vì hầu hết các bạn không đạt được điểm tuyệt đối chỉ sai ở phần điều kiện xác định). Khi giải xong phần hệ phương trình, học sinh cần chú ý tới các điều kiện rồi mới đưa ra kết luận.
Học sinh không chủ quan, chú ý rèn kỹ năng trình bày và tính toán khi ôn thi môn Toán vào lớp 10.

Về chuyên đề phương trình bậc 2, hệ thức Vi-ét và đồ thị, có bài toán gồm 2 câu; gồm 1 câu cơ bản, 1 câu phân loại học sinh. Để đạt được điểm cao của bài này, học sinh nên rà soát lại các dạng liên quan đến diện tích, các dạng toán về mối quan hệ giữa hai nghiệm có sử dụng hệ thức Vi-et một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Đặc biệt chú ý các điều kiện khi biến đổi và đối chiếu các điều kiện để kết luận.
Bài toán thực tế là bài toán cơ bản và dễ lấy điểm. Vì thế  học sinh rà soát lại những bài toán có sử dụng hệ thức lượng trong tam giác vuông, tỉ số lượng giác trong tam giác vuông và góc bài toán về hình học không gian. Đây là bài toán cơ bản và dễ lấy điểm. Khi làm bài toán dạng này, các em cần phải đọc kỹ đề, thực hiện mô hình hóa đơn giản bằng hình hình vẽ, học thuộc và học chính xác các công thức để vận dụng thì mới đạt được điểm tuyệt đối.
Về bài toán hình học tổng hợp, cô giáo Lương Thị Liên lưu ý học sinh đọc kỹ đề và vẽ hình đúng – đây là yếu tố kiên quyết và bắt buộc. Bài hình thường có 3 câu, hai câu đầu thì đại đa số học sinh sẽ làm được và nhiều em làm tốt. Tuy nhiên, đến câu hỏi thứ 3 mang tính phân loại. Với câu hỏi này thì học sinh phải có tư duy tốt, biết liên kết các kiến thức có từ các câu hỏi trước.
Bài toán cực trị, bất đẳng thức và giải phương trình là câu hỏi khó. Do vậy, học sinh cần nắm được các phương pháp giải của những phương trình đặc biệt, phương trình vô tỷ, các kỹ thuật sử dụng bất đẳng thức Cô-si và nắm được một số bất đẳng thức phụ hay dùng. 
Sau khi rà soát kỹ lại các chuyên đề rồi thì học sinh ôn tập tổng hợp, có thể luyện giải các đề thi thử của các trường ở các quận, huyện khác nhau.
Những lỗi học sinh hay mắc khi làm bài thi vào 10
Theo cô giáo Lương Thị Liên, ở thời điểm này, học sinh muốn đạt điểm cao thì chắc chắn kiến thức và phân loại, nắm được phương pháp giải của các dạng Toán. Đặc biệt, học sinh không chủ quan, chú ý rèn kỹ năng trình bày và tính toán. Và phải chú ý tránh những lỗi sai: Thứ nhất, đối với các bài tập có điều kiện, nhiều học sinh hay quên điều kiện đưa ra. Thứ hai, khi học sinh giải bài xong lại quên đối chiếu với điều kiện để loại nghiệm hoặc nhận nghiệm rồi mới đưa ra kết luận cho bài toán. Đối với một số bài hình học không gian, học sinh không đọc kỹ, hoặc không học thuộc chính xác công thức nên hay nhầm lẫn công thức của hình này với hình kia.
 Trường THCS Thái Thịnh tổ chức ôn thi trực tuyến cho học sinh lớp 9.
Trong thời gian này, chế độ dinh dưỡng cho học sinh là khâu rất quan trọng mà cha mẹ phải chú ý đến. Ngoài thức ăn hằng ngày, cha mẹ bổ sung cho con một cốc sữa. Học sinh nên ăn nhiều loại hoa quả giàu vitamin. Vì thời gian ở nhà nhiều, mỗi ngày học sinh nên vận động ít nhất 30 phút vào buổi chiều sau khi đã ôn tập xong để được thư giãn. Học sinh có thể nghỉ ngơi 15 – 20 phút bằng việc nghe nhạc; tuyệt đối không chơi game. Các em nên ngủ trước 12 giờ đêm để cơ thể có độ bền và sự tập trung ôn tập cho ngày hôm sau.