Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một số mỹ tục Tết xưa và nay cần duy trì

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong đời sống văn hóa hiện nay vẫn có nhiều nét mỹ tục Tết xưa còn giữ nguyên những giá trị nhân bản của nó, đặc biệt là với đời sống cộng đồng. Những giá trị đó rất cần được bảo tồn và phát huy.

Làm đẹp không gian sống cộng đồng trước Tết: Trong hương ước nhiều làng ở Bắc bộ, có những cây sào đo lối ngõ. Những cây sào này thường gác ở đình hoặc quán của làng. Mỗi năm, đến gần Tết, làng cử một nhóm cầm ngang sào đi đo lối ngõ. Cây cối hoặc công trình phụ nhà nào lấn vào đường đi chung thì nhà ấy phải cắt chặt gọn gàng để không ảnh hưởng đến xóm làng. Đó cũng là ngày mà gia đình nào cũng phải có người chung tay dọn dẹp vệ sinh làng xóm để đón Tết. Điều này đã trở thành một nếp sống chung của cộng đồng, mọi người sẽ ý thức hơn về trách nhiệm giữ gìn không gian sống sạch đẹp.
Hiện nay, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều vùng quê đã quy hoạch khang trang sạch đẹp. Riêng ở Hà Tĩnh, đã có trên 200 làng vận động trồng hàng rào cây xanh, tỉa xén gọn gàng, tạo nên những miền quê đáng sống cho mọi người, bớt dần những bức tường gạch nóng bức và vô cảm.

Ý thức về một không gian sống chung lan tỏa cho mọi người dân và việc vệ sinh môi trường trở thành một nếp sống mới. Nhiều làng quê vẫn giữ được tài sản chung như ao làng, ruộng chùa, đất đồi, bến nước, hội quán, đình đền miếu mạo. Dịp Tết cũng là dịp có những hoạt động lao động tập thể chung và chia hoa lợi chung cho tất cả mọi người. Đó là những hoạt động không chỉ nhìn nhận về phía trách nhiệm và nghĩa vụ, mà nó là dịp tập thể được cộng cảm trong một niềm vui chung, sự đóng góp cho cộng đồng cũng là một niềm hạnh phúc chung của từng gia đình, từng cá nhân trong cộng đồng đó.

Cây nêu chung ngày Tết: Hiện nay, đi khắp các vùng quê, từ dịp lễ noel đến Tết âm lịch, chúng ta thấy ở trước mỗi cửa nhà đều trồng những cây nêu mắc đèn nháy rất đẹp. Cây nêu có thể bằng tre hoặc nhiều hơn là bằng sắt hàn rất đẹp và bền vững. Cảnh quan chung được thắp sáng bởi ánh điện lung linh làm cho xóm làng rực rỡ hẳn so với trước đây.

Ý nghĩa sâu xa của cây nêu, suy cho đến tận cùng là khẳng định chủ quyền của con người trước đất đai, trước thiên nhiên. Cho dù được Phật thoại hóa thành câu chuyện con người đấu tranh với ác quỷ và nhờ Đức phật giúp đỡ nên đã chiến thắng thì cốt lõi của nó cũng là cây nêu xác định phần không gian mà con người đã chiếm lĩnh, cải tạo và canh tác.

Hết thời phong kiến, cây nêu thường được dựng chung cho thôn, xóm hoặc làng. Vào ngày 23 tháng Chạp, ngày cúng tiễn Táo quân lên thiên đình là ngày dựng nêu. Ngày mùng bảy tháng Giêng là ngày hạ cây nêu, gọi là Khai hạ. Cái khoảng thời gian Táo quân đi vắng, cây nêu được dựng nên để khẳng định hạ giới vẫn có chủ trông nom, ma quỷ không được xâm phạm.

Rất tiếc, ngày nay, nêu riêng của gia đình thì nhiều nhưng cây nêu chung của xóm thôn càng ít dần. E cũng là sự vận động chung của xã hội khi kinh tế cá nhân càng phát triển. Tuy nhiên, nếu dựa vào truyền thống xưa, chúng ta có thể biến việc dựng và hạ cây nêu trong dịp Tết thành một sinh hoạt chung vừa mang tính tín ngưỡng vừa mang tính nghệ thuật. Ở cấp độ thôn hoặc làng, có thể có những “kịch bản” được bàn bạc trước, phân công từ việc tìm tre, việc trang trí, lựa chọn không gian, cách hành lễ, liên hoan văn nghệ, chúc mừng già trẻ… Những hoạt động chung này sẽ kết hợp với lễ cúng của riêng từng nhà, tạo ra một không khí văn hóa cộng đồng rất có giá trị. Điều này với điều kiện kinh tế đa số vùng miền hiện nay là hoàn toàn có thể làm được. Đây không phải là chuyện “vẽ” lễ, mà là chuyện vận động từ truyền thống đến hiện tại để làm phong phú thêm bản sắc dân tộc của văn hóa hiện nay.

Quà Tết ngày Xuân: Giá trị tinh thần của quà Tết mang tính tích cực không thể chối cãi. Hệ lụy các biến thái của nó trong kinh tế thị trường cũng là một thực tế đáng được chấn chỉnh. Gốc tích xa xưa của việc tặng quà ngày Tết chắc chắn là sự chia sẻ của cá nhân cho toàn thể cộng đồng. Các nhà dân tộc học cho rằng, việc san sẻ thành quả lao động cho mọi thành viên cộng đồng, để cộng đồng đó tồn tại và phát triển thì đã có từ thời nguyên thủy, khi con người sống thành nhóm, thành thị tộc và bộ lạc. “No đói có nhau” tạo nên một lề lối ứng xử, một phẩm cách đạo đức của con người sống trong cộng đồng, dựa vào cộng đồng. Tinh thần vị tha mình vì mọi người đó kết hợp với tâm lý cầu mong ngày Tết, có được một món quà nào đó để tạo nên sự may mắn cho cả năm tới… đã tích hợp thành phong tục tặng quà ngày Tết.

Quà Tết rất phong phú. Từ những sản phẩm nông nghiệp mà người nông dân sản xuất được như hoa quả, thực phẩm đến những sản phẩm thủ công nghiệp, những sản phẩm tinh thần như chữ nghĩa, câu đối, tranh ảnh. Cuối cùng là hình thức ngang giá: tiền mặt.

Tặng tiền, người ta gọi đó là tiền mừng tuổi (mừng thọ thêm một tuổi với người già, mừng được thêm một tuổi với người trẻ), tiền mở hàng (để buôn may bán đắt), tiền lì xì (tức lợi thị, tiền lãi khi buôn bán) với triết lý là “lộc bất hưởng tận”.

Nét đẹp của quà Tết chung quy lại cũng chính là đức từ thiện, lòng vị tha đã trở thành truyền thống của Nhân dân ta. Hiện nay, trong kinh tế thị trường, không khỏi có những biến thái về việc tặng quà Tết. Những tiêu cực đó đã từng bước được điều chỉnh bằng các chỉ thị của Đảng và Chính phủ và ngày càng được kiểm soát chặt chẽ bằng các quy định pháp luật. Nhưng nét đẹp của nó cũng cần được phát huy có chọn lọc.