Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một số quyền trong hôn nhân và gia đình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Bộ luật Dân sự đã nhấn mạnh đến quyền kết hôn, quyền ly hôn và đặc biệt đã mở...

Kinhtedothi - Dự thảo Bộ luật Dân sự đã nhấn mạnh đến quyền kết hôn, quyền ly hôn và đặc biệt đã mở rộng hành lang pháp lý cho những trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng được đảm bảo quyền con người, quyền tự do cá nhân. Có thể khẳng định đây là một sự thay đổi, một bước đột phá mới trong quan điểm lập pháp về việc nhìn nhận và bảo đảm quyền con người.

Có thừa nhận quyền được chuyển giới?

Đối với quyền kết hôn, Điều 36 Hiến pháp 2013 quy định “Nam, nữ có quyền kết hôn… Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng…”. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 một lần nữa đã khẳng định “kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau…”. Như vậy, pháp luật đã bảo đảm quyền tự do kết hôn nhưng vẫn hạn chế quyền kết hôn giữa những người cùng giới tính mà cụ thể là những người thuộc nhóm LGBT (Người đồng tính, người song tính và người chuyển giới) không được thực hiện quyền kết hôn với người cùng giới tính với họ. Do quyền kết hôn là tiền đề rất quan trọng để các cá nhân thực hiện các quyền khác trong hôn nhân và gia đình, nên việc không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính đã phần nào làm ảnh hưởng đến các quyền nhân thân khác trong hôn nhân và gia đình.

 
Các bạn đồng tính chia sẻ mong muốn được bình đẳng giới.
Các bạn đồng tính chia sẻ mong muốn được bình đẳng giới.
Đứng trước thực trạng như vậy, để đảm bảo tối đa quyền nhân thân của cá nhân nói riêng, cũng như quyền nhân thân của những người thuộc nhóm LGBT, Dự thảo Bộ luật Dân sự đã quy định: “Trường hợp hai cá nhân không vi phạm điều cấm trong Luật Hôn nhân và Gia đình có thỏa thuận về việc chung sống với nhau như vợ chồng thì quyền, nghĩa vụ của họ được xác định theo thỏa thuận”. Dự thảo Bộ luật Dân sự dùng cụm từ “hai cá nhân” đã mở ra một hành lang pháp lý mới, tôn trọng quyền tự do, định đoạt của cá nhân. Có thể nói điều này không chỉ sẽ làm thay đổi sự nhận thức xã hội về mối quan hệ này mà còn tạo ra một tiền đề quan trọng cho sự thay đổi về mặt pháp lý trong tương lai khi điều chỉnh về mối quan hệ này. Tuy nhiên, điều đó cũng có thể dẫn đến một hiệu ứng mới trong xã hội là tình trạng chung sống như vợ chồng giữa nam và nữ gia tăng. Do đó, xã hội sẽ phải đối diện với những vấn đề phát sinh từ mối quan hệ này.

Bên cạnh đó, trong mối liên hệ với quyền xác định lại giới tính (Điều 40), Dự thảo Bộ luật Dân sự đã quy định phương án thứ hai là “trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật”. Đây cũng là phương án thể hiện sự thay đổi trong quan điểm lập pháp. Theo quan điểm của chúng tôi, Dự thảo Bộ luật Dân sự cần mạnh dạn hơn là thừa nhận quyền được chuyển giới của cá nhân, bởi điều đó sẽ tạo ra tiền đề rất quan trọng cho việc thực hiện các quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình, đảm bảo quyền con người, quyền công dân tối đa nhất.

Cần thay đổi phù hợp về giám hộ và đại diện

Đối với quyền ly hôn, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 ghi nhận quyền tự do ly hôn của vợ chồng. Bên cạnh đó, đã mở rộng quyền yêu cầu ly hôn đến cha mẹ, người thân thích khác của chồng hoặc vợ bị tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chính hành vi của vợ hoặc chồng của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ (Điều 51). Điều này xuất phát từ thực tế khi vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự thì họ không có khả năng thể hiện ý chí tự nguyện trong việc ly hôn, người chồng hoặc người vợ còn lại không yêu cầu ly hôn nhưng lại có hành vi ngược đãi, hành hạ họ, phá tán tài sản chung thì quyền và lợi ích hợp pháp của họ rất khó được bảo đảm.

 Trong trường hợp này, người vợ hoặc người chồng còn lại là người giám hộ đầu tiên cho chồng hoặc vợ mình, đồng thời là người đại diện theo pháp luật. Mọi giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ chồng sẽ do người đại diện này thực hiện. Việc giám sát việc giám hộ cũng như giám sát mọi hành vi của người đại diện trong các mối quan hệ liên quan đến tài sản và nhân thân người vợ hoặc người chồng bị mất năng lực hành vi dân sự là rất khó thực hiện. Trong rất nhiều trường hợp, cha mẹ đẻ của người vợ hoặc người chồng mất năng lực hành vi dân sự rất muốn con mình được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân đó. Việc mở rộng quyền ly hôn trong trường hợp này được coi là một giải pháp tình thế cho những trường hợp đặc biệt.

Tuy nhiên, xét về mặt lý luận, là không phù hợp bởi quyền ly hôn là quyền nhân thân gắn liền với vợ chồng và không thể chuyển giao cho người khác. Mặt khác, khi vợ, chồng đang là đại diện cho chồng hoặc vợ mình mà yêu cầu ly hôn thì họ không còn là đại diện cho chồng hoặc vợ của mình nữa (Điều 24 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014). Do đó, Dự thảo Bộ luật Dân sự cần có những sự thay đổi phù hợp về giám hộ và đại diện.