Một tác động cho việc dạy Lịch sử?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các trường THPT tại Hà Nội đã gửi báo cáo lên Sở GD&ĐT Hà Nội về tình hình lựa chọn môn thi của học sinh (HS).

Qua ghi nhận tại một số trường, rất ít HS chọn thi môn Lịch sử, có trường chỉ có 3 - 6% HS đăng ký, thậm chí có trường không có HS nào chọn môn thi này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đây là một thực tế không thể phủ nhận, vị trí môn học này ngày càng mờ nhạt trong tâm thức HS. Đa số HS không còn hứng thú với tiết học Lịch sử, không đầu tư thời gian và tâm sức cho việc học Lịch sử, và hiện nay ít HS chọn Lịch sử là con đường nghề nghiệp tương lai. Thậm chí, HS chỉ coi Lịch sử là môn học phụ trong chương trình, chỉ xác định học đủ để thi tốt nghiệp. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Sự bất cập của chương trình, sách giáo khoa, quan niệm của HS và phụ huynh, của xã hội… Và cũng có một phần không nhỏ do phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá của giáo viên vẫn nặng về truyền thụ kiến thức lý thuyết một chiều. Trong khi đó, việc rèn kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết các tình huống thực tiễn cho HS thông qua khả năng vận dụng tri thức tổng hợp chưa thực sự được quan tâm.

Trao đổi với một số HS về môn học này, các em cho biết, môn Lịch sử rất khó nhớ. Nguyễn Mạnh Thắng - trường THPT Đại Mỗ (huyện Từ Liêm) cho rằng, sách giáo khoa môn Lịch sử quá nhiều kiến thức. Chỉ trong một tiết học 45 phút, HS phải nắm rất nhiều sự kiện, giai đoạn lịch sử. Mỗi lần tổng kết môn học, HS được giao hàng chục câu hỏi về nhà học, soạn xong đáp án vài chục trang giấy đã mệt, học lại khó vào. Nguyễn Tuấn Anh - trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa) cũng cho biết, trong các môn học, em “ngán” nhất môn Lịch sử. “Mỗi lần cô giáo kiểm tra miệng đầu giờ hay kiểm tra 15 phút, 1 tiết, thi học kỳ, bọn em đều rất ngại. Vì lượng kiến thức của môn học quá nhiều, lại bao gồm hàng loạt sự kiện, diễn biến địa điểm, thời gian, không gian rất khó nhớ chính xác” - Tuấn Anh chia sẻ.

Có lẽ, đúng như nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định, sau kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, việc dạy và học môn Lịch sử cần phải thay đổi căn bản theo hướng tiếp cận, trải nghiệm nhiều hơn. Ngoài ra, để giới trẻ và đặc biệt là HS yêu thích môn Lịch sử, cả xã hội cũng cần có cái nhìn khách quan, nhận thức đầy đủ về môn học này; không nên coi Lịch sử chỉ là môn học phụ, phần học bổ sung cho các kiến thức xã hội khác, môn thi không bắt buộc.