Với mong muốn có thêm thông tin, chúng tôi đã làm một cuộc viếng thăm “đột kích”, tuy ngắn nhưng cũng gặp được ông Phạm Quang Nghị, để thăm hỏi ông về chuyến đi này.
Chúng tôi coi đây là may mắn vì những tưởng ông không mấy hào hứng sau một chặng bay dài và tự dưng đụng phải loại khách không mời mà đến? Rồi những công việc vốn bộn bề luôn đón đợi ông Bí thư Thành ủy khi thấy la liệt là công văn, giấy tờ trên bàn làm việc của ông. Nhưng chia sẻ với sự mong muốn của chúng tôi, là người lâu nay luôn ưu ái, đồng cảm với nghề báo và sự cởi mở cố hữu, ông cũng đã dành cho chúng tôi một ít thời giờ…
Không thể không lướt nhanh đến hình ảnh 11 thành viên của Đoàn trong chuyến bay thương mại transit qua Seoul rồi trực chỉ hướng Washington DC.
Không có báo chí tháp tùng. Hoạt động của Đoàn đều qua phản ánh của Thông tấn xã Việt Nam và Truyền hình VN thường trú ở Washington DC và New York chuyển về nước. Và cũng đọc thoáng nhanh một chương trình làm việc khá là dày đặc ở Washington DC và New York.
Thưa ông, xuất xứ duyên cớ của chuyến thăm Hoa Kỳ là thế nào mà dư luận cứ bình là “bất ngờ”?
Phía Hoa Kỳ đã có lời mời từ trước chứ không bất ngờ gì. Tất nhiên, chỉ đến khi báo chí thông tin thì mọi người mới biết.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng, nếu sự có mặt của ngài Bộ trưởng John Kerry thì chất lượng của chuyến thăm sẽ khác?
Thời điểm Đoàn tới Washington DC, thì Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, ngài John Kerry, như mọi người biết, có chuyến công cán đột xuất để giải quyết tình hình khẩn cấp tại dải Gaza, Trung Đông. Tại Trụ sở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Thứ trưởng Wendy Sherman đã được ủy quyền thay mặt tiếp chúng tôi. Nhưng không vì thế mà mọi công việc giữa ta với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại bị ảnh hưởng.
Món quà độc đáo
Thưa ông, được biết qua cuộc gặp TNS J. McCain, ông đã có một món quà độc đáo?
Là thế này. Về ông John McCain, như mọi người biết đấy. Một con người đầy cá tính, mạnh mẽ và quyết đoán. Trên các trang mạng họ cũng có đăng tấm hình chụp cảnh dân quân Hà Nội đang vây bắt ông, hay có thể nói là đang ra sức cứu ông ở hồ Trúc Bạch, trong đó có một người đang cố quàng vào cổ ông chiếc phao cứu sinh để ông không bị đuối nước.
Gặp Thượng nghị sĩ John McCain, những ấn tượng ấy đối với tôi càng rõ hơn. Ông ấy và tôi nói chuyện cởi mở, có nhắc lại những kỷ niệm chiến tranh. Tôi cảm nhận được một điều ở con người có tính cách mạnh mẽ, bộc trực ấy, ngoài sự lạc quan, là ông mong muốn đóng góp được nhiều hơn nữa cho việc tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam.
Trong chuyến đi này, ông có dịp gặp với một trong những người có ảnh hưởng lớn đến quan hệ Việt- Mỹ, đặt nền tảng cho bình thường hóa Việt - Mỹ...?
Đúng thế. Nhắc đến quan hệ Việt - Mỹ chúng ta đều nhớ đến 3 nhân vật có ảnh hưởng lớn. Mà cả 3 ông đều có tên John. Ông ấy là một. Thứ hai là John Kerry, đương kim Ngoại trưởng. Thứ 3 là ông tướng về hưu John Vecxi.
Thế còn về món quà mà ông đã tặng ông Thượng Nghị sỹ?
Trước lúc sang Hoa Kỳ, tôi nhờ phóng viên Báo Hà Nội Mới chụp cho mấy tấm ảnh địa điểm mà ông John McCain bị bắt năm 1967 ở hồ Trúc Bạch. Khi trao cho ông McCain, quả thật tôi chưa đoán được ông ấy có muốn nhận hay không. Thành ra tôi phải có đôi lời nói trước: “Tôi có một món quà, thật tình tôi không biết ngài muốn có nó hay không. Nếu ngài không thích thì ngài có thể không công bố cho bất kỳ ai. Còn ngài thích thì tùy ngài…”
Ngài TNS đón lấy tấm ảnh, và thật sự là ông ấy vui vẻ. Sau khi ngắm tấm ảnh, con người vốn nổi tiếng là thẳng thắn và bộc trực, kể cả trên chính trường cũng như trong đời thường, chỉ tay vào góc tấm ảnh: “Tôi rất cảm ơn ngài đã tặng tôi bức ảnh. Nhưng có một chi tiết trong này làm cho tôi cảm thấy không thể hài lòng (khi ấy người phiên dịch đã dùng một từ khá mạnh là “bị xúc phạm”). Ngài có biết không, tôi là thiếu tá hải quân chứ không phải là thiếu tá không quân. Tôi thuộc lực lượng không quân của hải quân. Các ngài đã ghi vào tấm bia này không đúng”.
Thế khi ấy ông đã phải giải thích thế nào?
(Cười) Tôi xin được giải thích với ngài thế này. Với người Việt Nam chúng tôi, bất cứ ai là phi công lái máy bay, chúng tôi đều coi họ thuộc lực lượng không quân.
Như ngài biết đấy, ở Việt Nam, vào lúc bấy giờ có ai mà biết được ngài bay từ hàng không mẫu hạm, là lực lượng không quân của hải quân. (Cũng xin mở ngoặc thêm, TNS John McCain người đã được sinh ra trong một gia đình như mọi người gọi là “con dòng cháu giống”. Ông nội là đô đốc hải quân. Rồi cha lại cũng là đô đốc hải quân. Đến lượt J. McCain, tuy chưa được phong là đô đốc, nhưng cũng là phi công hải quân. Rồi con trai ông cũng đang ở trong lực lượng hải quân. Chính vì thế nên ông ấy rất tự hào về lực lượng hải quân và thành phần xuất thân của mình - NV).
Ngoài ra, trước khi sang Mỹ, tôi được biết, ngài John McCain từng gặp nhiều quan chức Việt và nhắn nhủ nhờ thành phố Hà Nội giữ gìn vệ sinh cho khu vực xung quanh tấm bia ở hồ Trúc Bạch. Và đó cũng là lý do tôi muốn tặng ông ấy tấm ảnh.
Ngoài những vấn đề bên lề cuộc gặp, hai người chắc là có nói đến chuyện biển Đông?
Chuyện biển Đông, chuyện giàn khoan HD981 của Trung Quốc, báo chí, dư luận cả trong nước, thế giới và chính giới Mỹ nói sôi sùng sục, sao lại không nói?
Nhưng mà, ngài Thượng Nghị sỹ Mỹ đã đề cập ra sao?
(Cười) Thông tấn xã Việt Nam đã nói rồi, “đó là những vấn đề hai bên cùng quan tâm”. Các anh đừng có tò mò!
Vậy thì xin chuyển sang chuyện khác. Nghe nói ông đã tặng quà là bình gốm Chu Đậu?
À, đúng là có tặng những bình gốm Chu Đậu, làm theo mẫu mã của bình gốm đang được trưng bày tại Viện bảo tàng ở Thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Bây giờ làng gốm Chu Đậu và Mỹ Xá đã khôi phục lại được phương pháp chế tác gốm men rạn những tưởng đã bị thất truyền. Món quà này bạn rất thích. Tôi nói vui rằng, đây là đặc phẩm cổ truyền của Việt Nam, nhưng giá của nó rất mềm. Các vị không phải khai báo với Bộ Tài chính đâu. Tuy nhiên nếu cất giữ đồ này một trăm năm nữa sẽ là cổ vật, khi đó sẽ đắt giá lắm đấy.
Sóng Biển Đông loang tới New York
Thưa ông, thế còn cuộc trao đổi với Hội châu Á diễn ra như thế nào?
Rất thú vị và bổ ích. Những vấn đề gì họ cần hỏi thì họ đều hỏi. Về phần mình, những gì muốn nói đều có thể nói. Và quan trọng hơn là có sự cộng hưởng, đồng cảm, ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam. Mở đầu cuộc trao đổi, tôi nói một cách cởi mở rằng, hôm nay tôi tới đây, nhưng không có bài chuẩn bị sẵn, vì tôi chưa rõ các bạn cần nghe gì. Vả lại, về phần mình, tôi cũng muốn lắng nghe các bạn.
Với không khí ấy, cuộc trao đổi thật là thú vị và mang tính thực chất. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh chuyện biển Đông, đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc, chuyện cách thức Việt Nam giải quyết việc này trước mắt và lâu dài sẽ ra sao, v.v...
Một cuộc hội thảo kéo dài 2 giờ, có phiên dịch ca-bin. Sau khi tôi trả lời tất cả các câu hỏi đó một cách không tránh né, họ thực sự thỏa mãn, thích thú chứ không phải cốt lấy lòng, ngoại giao. Hơn nữa, vừa mới trước đó, về đề tài này ở Mỹ cũng vừa diễn ra một cuộc hội thảo lớn.
Quan hệ trên kênh Đảng
Đã có nhiều Nghị sỹ của hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Có lẽ chuyến đi này của ông là lần đầu một quan chức Đảng Cộng sản VN có cuộc làm việc với đại diện hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ?
Đây là lần đầu phía Mỹ mời một đoàn cấp Ủy viên Bộ Chính trị đi theo kênh Đảng. Chứ còn theo đường ngoại giao, Nhà nước thì Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo cấp cao khác của ta đã qua Mỹ từ lâu.
Thưa ông, có thể hiểu dù hai bên không cùng thể chế chính trị và mục tiêu hoạt động của chính đảng hai nước không hoàn toàn giống nhau nhưng điều mà hai bên cần ở nhau là những mối quan hệ hữu nghị đề làm bàn đạp cho những chính sách kinh tế, xã hội mà hai bên đều mong muốn thúc đẩy?
Những điều đó, nếu đọc lại Tuyên bố chung cấp cao hai nước được ký vào tháng 7 năm trước thì đã được nói rõ ràng và đầy đủ: Hai bên cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ chính trị của nhau. Và cả nội dung khuyến khích các cuộc tiếp xúc, trao đổi theo kênh Đảng..., cho nên việc Bộ Ngoại giao Mỹ mời mình đi lần này là hai bên cùng thực hiện những gì đã cùng nhau cam kết.
Trong các cuộc làm việc ở Mỹ, dư luận rất chú ý, liệu hai bên có đề cập vấn đề dân chủ, nhân quyền?
Có đề cập, nhưng với cách tiếp cận mang tính xây dựng. Một điều thú vị là, khi ở Mỹ tôi xem chương trình truyền hình của người Việt. Họ cũng trao đổi, bình luận nhiều chiều. Vì sao Mỹ lại thông qua Hiệp định 123 vào lúc này (Hiệp định hạt nhân dân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam) và tiến tới là còn ủng hộ VN tham gia TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương).
Họ còn bình luận vấn đề nhân quyền ở VN đang được giải quyết tốt hơn nhiều so với một số nước khác, nhưng đôi khi một số nghị sỹ Mỹ đã lạm dụng vấn đề này để gây sức ép Việt Nam. Kể cả một số nhà hoạt động “dân chủ” ở trong nước cũng chỉ nói mặt tối của vấn đề dân chủ, nhân quyền ở VN, v.v... Tôi thấy trên các kênh truyền thông, họ cũng nói khá khách quan về vấn đề này.
Gặp gỡ Việt kiều
Thưa ông trong cuộc gặp bà con Việt kiều, mọi người hỏi han, chia sẻ những vấn đề gì?
Nói chung, bà con mình cũng quan tâm nhiều thứ: từ vấn đề môi trường, buôn bán phụ nữ, vấn đề ưu đãi trí thức. Rồi vì sao, sản phẩm nông nghiệp của ta xuất khẩu thì nhiều nhưng chất lượng kém... Choán nhiều thời gian nhất vẫn là vấn đề thời sự biển Đông; vấn đề quan hệ với TQ, với Hoa Kỳ...
Tôi đã dành nhiều thời gian để thông báo với bà con về tình hình trong nước, về chủ trương, chính sách của ta về những vấn đề trên. Mọi câu hỏi đều được trả lời thấu đáo giúp bà con hiểu rõ thêm tình hình đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này.
Làm việc với Viện Dân chủ Quốc gia (NDI) và Viện Cộng hòa Quốc tế (IRI) |
Ông John McCain nhận món quà từ Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị |
Phó Tổng thư ký thứ nhất Liên Hợp Quốc Jan Eliasson (phải) đón tiếp ông Phạm Quang Nghị ngày 28/7 |
Ông Phạm Quang Nghị nói chuyện với cán bộ nhân viên ĐSQ Việt Nam tại Hoa Kỳ tháng 7/2014 |
Trước khi tới New York, đoàn đã có những cuộc tiếp xúc, làm việc tại Washington DC, gặp-làm việc với Cố vấn cao cấp của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Thomas Shannon, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia phụ trách đối ngoại Tony Blinken, Chủ tịch thường trực Thượng viện Patrick Leahy, Thượng Nghị sĩ John McCain, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman. Trao đổi làm việc với Chủ tịch Viện Dân chủ Quốc gia (NDI) Kenneth Wollack và Chủ tịch Viện Cộng hòa Quốc tế (IRI) Mark Green trao đổi về những vấn đề hai bên cùng quan tâm. Ông Phạm Quang Nghị đã tới thăm, thông báo tình hình đất nước với lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ và Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc. Tại đây, ông Phạm Quang Nghị đã có cuộc gặp Phó Tổng Thư ký thứ nhất Liên Hợp Quốc Jan Eliasson; dự cuộc Tọa đàm do Hội châu Á tổ chức; trao đổi với Ban Lãnh đạo Quỹ Hòa giải và Phát triển; gặp gỡ đại diện các bạn bè cánh tả; bà con Việt kiều, và thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội tại New York. |