Một tuần xử lý ma men, giảm 3 người chết

Công Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, sau 1 tuần triển khai đợt cao điểm về xử lý người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, toàn TP Hà Nội đã giảm được 3 người chết so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, thực hiện kế hoạch chỉ đạo của Bộ Công an, Cục CSGT, Phòng PC67 đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch chỉ đạo các đơn vị địa bàn tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc, TNGT, đặc biệt là các hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông, góp phần đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn TP.
Minh họa. Nguồn Internet
Minh họa. Nguồn Internet
Các đơn vị đã triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch chỉ đạo của Phòng, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể của đơn vị. Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trong việc tuyên truyền các quy định của pháp luật về TTATGT, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông.

Nhờ đó, sau 1 tuần ra quân, TNGT trên địa bàn TP đã được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí so với thời gian cùng kỳ (So sánh cùng kỳ giảm 2 vụ, giảm 3 người chết, giảm 6 người bị thương). Đặc biệt, TNGT liên quan đến rượu bia giảm so với cả cùng kỳ và liền kề (So sánh cùng kỳ giảm 2 vụ, giảm 2 người chết, giảm 1 người bị thương; So sánh với liền kề giảm 1 vụ, giảm 1 người chết, bằng số người bị thương).

Cũng theo đánh giá của Phòng CSGT, trong 1 tuần cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn TP tiếp tục được duy trì ổn định, ý thức chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông được nâng cao.

Bên cạnh đó, Phòng CSGT cũng chỉ ra một số tồn tại, vướng mắc gây khó khăn cho công tác thực hiện. Cụ thể, nhiều người vi phạm chưa được tiếp xúc với máy đo nồng độ cồn, lực lượng CSGT phải hướng dẫn, giải thích cho người vi phạm cách thổi hơi vào ống của máy đo để kiểm tra, gây mất nhiều thời gian, ảnh hướng đến hiệu quả công tác. Nhiều trường hợp vi phạm thường ngụy biện các lý do khác nhau để không hợp tác với yêu cầu kiểm tra của lực lượng CSGT, nhằm trì hoãn việc kiểm tra về nồng độ cồn hoặc bỏ đi, để lại phương tiện, làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả công tác của lực lượng chức năng.

Đặc biệt, nhiều quán ăn, nhà hàng… sau khi thấy lực lượng CSGT bố trí lực lượng kiểm tra, kiểm soát hoặc phát hiện cán bộ hóa trang thông báo bộ đàm thì thông báo cho khách hàng để có biện pháp trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng, ví dụ: Chờ trong quán khi lực lượng CSGT rút quân mới ra về; đi các tuyến đường khác, đi ngược chiều, đi vào ngõ ngách… để không bị dừng xe, kiểm tra… Ngoài ra, một số trường hợp do sử dụng quá nhiều bia rượu dẫn đến mất tự chủ, dễ bị kích động, không hợp tác với lực lượng chức năng, chống đối khi có yêu cầu kiểm tra, kiểm soát.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần