Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mũ bảo hiểm phụ nữ dân tộc: Thế giới chưa có thiết kế lạ này

Chia sẻ Zalo

Ngắm nghĩa một hồi những chiếc mũ bảo hiểm với hình thức lạ mắt khi trên đỉnh mũ có thêm một phần chóp nhọn nhô cao, cô Lò Thị Cương, thành phố Sơn La thích thú bởi búi tóc trên đỉnh đầu (còn gọi là tằng cẩu-PV) vốn là trở ngại mỗi khi đội mũ bảo hiểm nay đã được bao trọn trong chiếc mũ đặc biệt này.

“Những chiếc mũ bảo hiểm hiện nay đội không vừa vì Tằng cẩu cao, chỉ bảo vệ được… búi tóc, mỗi khi ra đường thì chênh vênh và chòng chành, khó chịu lắm. Nay có mũ bảo hiểm mới, nhìn đẹp mà lại vừa vặn đầu chắc chị em sẽ hoan hỉ với sản phẩm này đây,” cô Cương vui mừng nói.

Mũ bảo hiểm​: Phiền toái?

Tại các tỉnh miền núi Tây Bắc, phụ nữ Thái với cột búi tóc cao lên luôn là điểm nhấn để phân biệt với các dân tộc khác. Tuy nhiên, cách búi tóc của phụ nữ dân tộc khiến việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trở nên không có tác dụng, lại gây phiền toái.

Trên dọc tuyến đường Quốc lộ 6 qua tỉnh Sơn La, dễ dàng bắt gặp rất nhiều phụ nữ Thái luôn đội mũ bảo hiểm mặc cho những chiếc mũ "xộc xệch" trên búi tóc nhưng họ vẫn chấp hành nghiêm chỉnh.

Một trong những điển hình tuyên truyền viên xuất sắc cho đồng bào dân tộc đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhưng vẫn gìn giữ bản sắc văn hóa, cô Lò Thị Cương, giáo viên Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Sơn La là người đi đầu trong việc cùng tham gia lên ý tưởng và thiết kế mũ bảo hiểm dành cho dân tộc.
Mũ bảo hiểm mới có chóp nhọn dành cho phụ nữ dân tộc Tây Bắc. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Mũ bảo hiểm mới có chóp nhọn dành cho phụ nữ dân tộc Tây Bắc. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Để thuận tiện trong việc đội các mũ bảo hiểm hiện có mặt trên thị trường, cô Cương cùng các phụ nữ dân tộc Thái đã phải khoét bớt lớp xốp bên trong sâu của mũ bảo hiểm được 5cm để khi đội bớt chòng chành, giúp một phần nào đó an toàn hơn.

“Với người có búi tóc cao 10cm thì việc đội trên đầu là quá khó khăn và bất tiện. Ngay cả việc cài quai cũng là một thách thức, nhiều người đã phải nối thêm dây cài để đội mỗi khi ra đường nhằm chấp hành đúng Luật giao thông. Mũ bảo hiểm thường ngày chỉ đội để đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông nhằm tránh xử phạt bởi chị em dân tộc Thái không có mũ nào để lựa chọn,” cô Cương thừa nhận.

Không chấp nhận thực tế này, từ những năm 2007, khi còn là giáo viên trường Cao đẳng Sư phạm Sơn La, cô Cương đã phối hợp với các nhà thiết kế, sản xuất mũ bảo hiểm để có thể làm ra một sản phẩm mũ bảo hiểm có một phần nhô lên giữa đỉnh đầu. Mục đích của thiết kế này nhằm ôm phần tóc búi trên đỉnh đầu, khi đội đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đẹp.

Thế nhưng, khi gửi mẫu vẽ đến các nhà sản xuất, nữ giáo viên người Thái này chỉ nhận được câu trả lời của nhà sản xuất rằng, để thiết kế được thì rất tốn kém và không biết nhu cầu sử dụng của phụ nữ đồng bào dân tộc Thái là bao nhiêu?

Khi nghe Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã cho thí điểm sản xuất mũ bảo hiểm đi xe máy cho phụ nữ dân tộc thiểu số phía Bắc, cô Cương rất mong muốn có kiểu mũ phù hợp để vừa giữ được phong tục truyền thống của dân tộc vừa đảm bảo an toàn khi sử dụng chiếc mũ đó.

“Nếu có chiếc mũ phù hợp với tằng cẩu của phụ nữ Thái chúng tôi mà đáp ứng được cả về sự an toàn, tính thẩm mỹ và độ thoải mái thì chắc chắn tôi sẽ sử dụng ngay nhưng giá cả cũng phải chăng. Nếu chiếc mũ đắt quá thì chúng tôi cũng khó mua vì điều kiện kinh tế của nhiều người không được khá giả lắm,” cô Cương thành thực.

Thế giới cũng không có mũ bảo hiểm này!

Để có thể thiết kế được loại mũ bảo hiểm dành riêng cho đồng bào dân tộc Thái, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần kỹ thuật HI đã cùng nhân viên đi vào các bản của huyện Mường Khương và Bát Xát (Lào Cai), Lai Châu xin phép đo tóc nhằm nghiên cứu tằng cẩu của chị em phụ nữ Thái.

Nằm vùng gần một tuần, ông Dũng nhận thấy rằng, phụ nữ Thái có búi tóc tằng cẩu to, nhỏ khác nhau và câu hỏi của người dân tại sao mọi người đội mũ trên đầu lạ thế mà Công ty không thiết kế một mẫu mũ mới dành cho bà con.

Mất hơn một tháng mới làm xong mẫu, ông Dũng lại chạy tiếp lên Mộc Châu (Sơn La), gọi bà con ở xóm lại để thử thì thấy búi tóc nhỏ hơn, mũ lại có độ cao quá tằng cẩu. Sau nhiều lần thử nghiệm, Công ty Cổ phần kỹ thuật HI đã sản xuất ra mẫu mũ mới dành cho đồng bào dân tộc.

Kể về thiết kế sản phẩm, theo ông Dũng, mũ bảo hiểm mới cho đồng bào dân tộc cũng có 3 bộ phận gồm vỏ, hấp thụ xung động, quai đeo. Mũ này che 3/4 đầu, có kính chắn gió, chắn côn trùng bay trên đường, hấp thụ xung động theo đúng quy chuẩn Việt Nam. Phần chóp nhọn được thiết kế chiều cao 8-9cm để búi tóc riêng cho chị em. Vỏ mũ được làm bằng nhựa nguyên chất nhập khẩu của Hàn Quốc, chịu được va đập rất cao…
Phụ nữ dân tộc vùng cao vẫn giữ truyền thống búi tóc cao và khi đội mũ bảo hiểm sẽ rất khó khăn. (Ảnh: CTV Xuân Phúc)
Phụ nữ dân tộc vùng cao vẫn giữ truyền thống búi tóc cao và khi đội mũ bảo hiểm sẽ rất khó khăn. (Ảnh: CTV Xuân Phúc)
Đề cập về tính năng an toàn, ông Dũng cho biết, Công ty cũng đã tiến hành các thử nghiệm như cho một quả dọi nặng 3kg rơi tự do ở độ cao 2,83m xuống nhưng cũng không xiên qua được, giả dụ trong trường hợp nếu có xiên qua thì cũng không chạm được tới đỉnh đầu mà chỉ là búi tóc.

“Vỏ mũ khi đưa ra tiêu chuẩn là 3,2mm thì máy thử nghiệm không đâm xuyên qua vỏ, HI cho tới 4ly trên đỉnh đầu, 3 ly xung quanh các điểm chịu lực, vị trí các chỉ tiêu đâm xuyên đạt 100% an toàn,” ông Dũng khẳng định.

Tuy nhiên, vị Tổng giám đốc này cũng đang chờ đợi sự cấp phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về mẫu mũ bảo hiểm mới này bởi khi gửi sang Trung tâm thí nghiệm 1 (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ) vẫn đang xem xét vì không có thiết bị nào có thể kiểm tra, thử nghiệm được độ an toàn, quy chuẩn của loại mũ có thiết kế mới về hình dạng khi ngay cả trên thế giới cũng chưa có loại mũ bảo hiểm nào có thiết kế như này.

Theo ông Dũng, giá thành các loại mũ bảo hiểm mới này tối đa khoảng 350.000 đồng dù Công ty đã đầu tư rất nhiều về khuôn mẫu và chi phí thiết kế, sản xuất.

“Khi hoàn thành một sản phẩm mới được người dân tin dùng là Công ty đã góp một phần phần trách nhiệm xã hội trong việc đảm bảo an toàn giao thông. Có thời điểm, đơn vị sẽ trao tặng mũ bảo hiểm cho đồng bào dân tôc nghèo,” ông Dũng chia sẻ.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, loại mũ này được nhiều chị em nhận xét có hình thức đẹp, thích hợp với nhiều loại búi tóc, không nặng hơn so với mũ bảo hiểm thông thường vì phần che búi tóc được làm bằng nhựa mỏng.

"Vì mũ được sản xuất với số lượng ít nên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ hỗ trợ doanh nghiệp để giảm giá thành sản phầm, vì mục tiêu mũ bảo hiểm đến được số đông phụ nữ dân tộc," ông Khuất Việt Hùng cho hay.

Bên cạnh đó, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng giao cho các Ban An toàn giao thông 6 tỉnh Tây Bắc gồm Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai lấy ý kiến đống góp của phụ nữ dân tộc đội thử nghiệm mũ bảo hiểm mới này để có những đánh giá nhằm chỉnh sửa cho phù hợp.