Lãi suất cao, âm thầm thu phí
Anh Phạm Trung Hiếu (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, sau khi đọc thông tin về vụ khách hàng vay nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng phải trả gần 9 tỷ đồng mới tá hỏa kiểm tra lại 3 thẻ đang nằm trong ví, trong đó có 1 thẻ tín dụng và 2 thẻ ghi nợ.
Kết quả được các ngân hàng thông tin với số tiền tổng cộng anh đang nợ lên đến 3 triệu đồng. Trong đó, có 2 thẻ ghi nợ anh không sử dụng, nhưng vẫn bị thu phí quản lý tài khoản và phí thường niên lên hơn 1 triệu đồng. Tương tự 1 thẻ tín dụng cũng phải chịu phí thường niên xấp xỉ 1 triệu đồng/năm. Theo anh Hiếu, khi được nhân viên ngân hàng tư vấn mở thẻ hơn 3 năm trước đây không hề được nhắc đến khoản phí này, chỉ cho biết, mở thẻ được miễn phí thường niên trong 2 năm đầu.
Chị Phùng Thị Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) không sử dụng thẻ 10 năm nhưng mới đây tá hỏa phát hiện ngân hàng vẫn ghi nợ 1,5 triệu đồng tiền duy trì tài khoản. Điều đáng nói chị không nhận được bất kỳ cuộc gọi hay tin nhắn nào về việc thu phí thường niên.
"Nhân viên ngân hàng nói nếu muốn đóng tài khoản, tôi phải thanh toán khoản nợ phí này”- chị Hoa nói và lo ngại nếu không đóng đến lúc nào đó bị tính lãi lên khoản tiền lớn thì “rắc rối”.
Trên thực tế, việc một người sở hữu nhiều tài khoản không sử dụng là rất phổ biến. Tài khoản ngân hàng được mở để "ủng hộ" người quen chạy chỉ tiêu, hoặc mở để nhận lương ở cơ quan cũ nhưng không sử dụng, là tình huống nhiều người dùng tài khoản ngân hàng đều gặp.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thẻ khác nhau. Một số loại tiêu biểu có thể kể đến gồm thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước, thẻ đồng thương hiệu…
Với thẻ tín dụng, có nhiều loại phí phổ biến như phí thường niên, phí rút tiền mặt, phí chậm thanh toán, phí vượt hạn mức tín dụng, phí chuyển đổi ngoại tệ…
Với thẻ ATM, có thể bị tính phí quản lý, phí nhận tin nhắn thông báo thay đổi số dư (vài chục nghìn đến vài trăm ngàn đồng/tháng, tùy số lượng tin nhắn), phí rút tiền tại máy ATM từ 1.000 - 3.000 đồng/lần giao dịch, phí thường niên…
Hiện, khoản phí phổ biến nhất là phí quản lý tài khoản, có thể được ngân hàng thu hàng tháng, hoặc miễn phí nếu chủ tài khoản đáp ứng được các điều kiện về số dư tối thiểu hoặc có gói dịch vụ khác kèm theo. Bên cạnh đó, một số ngân hàng thu thêm phí duy trì tài khoản, áp dụng với những tài khoản lâu ngày không hoạt động (thường từ 6 tháng trở lên). Ngoài ra, các loại phí thường niên thẻ cũng được ngân hàng thu hằng năm, dao động từ vài chục nghìn đến triệu đồng, tùy loại thẻ.
Vì không để ý chính sách này, không ít khách hàng tá hỏa khi tài khoản "bốc hơi" tiền triệu sau thời gian dài không giao dịch.
Ngoài phí, khách hàng còn có thể bị tính lãi suất thẻ tín dụng. Lãi suất sẽ được áp dụng nếu như khách hàng không thanh toán toàn bộ dư nợ cuối kỳ khi đến hạn thanh toán và dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt.
Giao dịch thanh toán bằng thẻ tín dụng sẽ được tính lãi sau 30-45 ngày rút tiền nếu chưa trả. Mức phí và lãi suất trả chậm đối với khoản tiền rút ra là rất cao, 18%- đến 40% (tùy ngân hàng) và sẽ cộng dồn vào kỳ thanh toán kế tiếp. Nếu không thanh toán đúng hạn, chủ thẻ sẽ phải trả các khoản lãi suất, bao gồm lãi suất quá hạn cũng rất cao. Nếu không thanh toán kịp thời số tiền đã rút lại cho ngân hàng, dư nợ đó sẽ tăng nhanh và có thể vượt quá khả năng thanh toán của người dùng.
Nâng cao trách nhiệm từ hai phía
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính cho rằng, thực tế hiện nay, nhiều người dân chưa được trang bị kiến thức khi sử dụng thẻ tín dụng.
Nhằm tránh bị trừ phí dịch vụ với các tài khoản và thẻ không sử dụng, khách hàng nên chủ động gọi tổng đài để rà soát, hỏi rõ các loại phí được thu. Đồng thời, nếu tài khoản, thẻ không có nhu cầu sử dụng, khách hàng nên chủ động đóng để tránh tình trạng tính phí qua nhiều năm.
Nếu có nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng, nên đăng ký trích trả nợ thẻ tín dụng tự động và đặt lịch nhắc nhở thanh toán nợ đúng hạn.
Về phía các ngân hàng, hiện mỗi ngân hàng có chính sách khác nhau với tài khoản. Có trường hợp ngân hàng chủ động rà soát khách hàng không giao dịch trong một thời gian nhất định để hủy thẻ, khóa tài khoản. Tuy nhiên không phải ngân hàng nào và bất kỳ trường hợp khách hàng nào cũng vậy.
“Các ngân hàng cần phải gửi thông báo bằng thư hoặc gọi điện xác minh những tài khoản không có giao dịch, thay vì im lặng để tính phí”- Luật sư Trương Thanh Đức bày tỏ.
Theo ông Đức, hiện không ít nhân viên ngân hàng chạy theo chỉ tiêu, "ép" mở thẻ khi vay vốn nhưng chỉ tư vấn qua loa, do vậy khách hàng không hiểu hết về lãi suất cũng như các loại phí, dẫn đến bị phạt nặng khi trả trễ hạn. Hoặc có trường hợp người dùng bị kẻ gian lấy thông tin cá nhân để làm giả giấy tờ để vay vốn ngân hàng hay mở thẻ tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn 2235/NHNN-TT về việc triển khai biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thẻ ngân hàng. Theo đó, yêu cầu các ngân hàng phải minh bạch các loại phí, lãi suất, phương pháp tính lãi, đặc biệt là với thẻ tín dụng, và những thay đổi (nếu có) trong quá trình khách hàng sử dụng thẻ.
Không những thế, các ngân hàng cũng phải cung cấp đầy đủ thông tin và có biện pháp đảm bảo khách hàng đã nắm được các thông tin về quyền và nghĩa vụ của mình.
Trường hợp phát sinh khiếu nại, phản ánh của khách hàng trong quá trình sử dụng thẻ, tổ chức phát hành thẻ phải xử lý theo đúng quy trình và quy định của pháp luật liên quan, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời và dứt điểm, không để vụ việc kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng cũng như hình ảnh và uy tín của ngân hàng" - NHNN lưu ý.
Khách hàng phải chịu lãi suất, lãi phạt và các loại phí đều được thỏa thuận trong hợp đồng cho vay hay sử dụng thẻ. Tuy nhiên, nhiều khi khách hàng cũng không đọc, hoặc đọc thì cũng không hiểu vì ma trận phí. Do đó, NHNN cũng nên đưa ra quy định chung về phí, cách tính lãi đối với các loại thẻ ngân hàng. (Luật sư Trương Thanh Đức)