Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mùa hoa nở

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối thu. Mùi hoa bạch đàn phả khắp thung lũng. Ngồi trên đồi cao nhìn xuống, một thảm hoa trắng ngà xôm xốp khổng lồ trải dài bao bọc lấy ngôi làng.

Nhị hoa vương trong gió, nhũ hoa hình nón rơi trắng mặt đất. Nhà cửa chìm trong bóng cây. Tán xanh đùn lên theo sự cao thấp của đồi núi. Đường sá rợp màu cờ đỏ. Nhung đi vòng quanh đồi kiểm tra từng thùng ong mật xem có đàn nào bị bốc bay mất ong chúa hay không. Chỉ vài ngày nữa là được quay mật.  Lưng áo đẫm mồ hôi. Nhung có vẻ ngóng đợi ai đó, mắt dõi xuống chân đồi. Cô đứng dậy dang hai tay thật thoải mái xoay mấy vòng trong đám lá. Tiếng hú dài của cô vang lên đập vào  ngọn đồi bên kia.
Minh họa: Quỳnh Hoa
Minh họa: Quỳnh Hoa
Mỗi mùa hoa bạch đàn, Nhung lại có niềm vui khác lạ của người được thu về hàng trăm lít mật ong, đủ đền bù công sức bao năm vất vả, lăn lộn. Giờ thì người ta không gọi cô là Nhung điên nữa. Họ thầm cảm phục cái tài làm giàu của Nhung và tìm cô học hỏi. Chẳng bù cho ngày đó, chừng 5 năm trước, tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp ra, sau mấy tháng không xin được việc, Nhung  đã quyết định ở nhà tự tìm việc mà làm. Bố mẹ Nhung vẫn cho rằng, phải xin vào cơ quan nhà nước chứ không thể ở nhà như vậy, nên ông bà rất buồn về cô con gái ngang bướng. Ông bà không hề biết rằng chuyện xin việc đâu  dễ dàng với con nhà nông dân.  Nhung quyết tâm lập nghiệp từ chính đồng đất quê hương mình. Kiến thức học được sẽ phục vụ công việc hàng ngày. Vậy là người ta thấy Nhung luôn dậy từ mờ sáng đi ngắm nghía khắp các cánh đồng, phơi nắng đen nhẻm trên đồi bạch đàn quanh làng. Nhung vay tiền mẹ thuê lại mấy ngọn đồi bạch đàn, mua ong giống về nuôi. Một hai vụ đầu ong chết bệnh, mất chúa, mật thu về không đủ tiền vốn. Từ vụ thứ ba, Nhung có đến hàng trăm thùng ong đặt khắp đồi cây. Cả bố mẹ, em trai và vợ chồng chị gái đều súm vào giúp Nhung. Bây giờ thì mọi người tin Nhung nói đúng, nếu có kiến thức, có quyết tâm sẽ làm giàu ngay ở quê, đâu cứ phải đi làm nhà nước. Nhà Nhung dưới chân đồi kia được bao bọc bởi một trang trại chè đang mùa trổ búp. Nhung dự định sẽ đầu tư dây chuyền sản xuất chè sạch vào mùa đông năm nay. Không biết mọi chuyện có yên ổn không, nếu Kiên đi xa, sợ không thành. Nhung nghĩ vậy và thoáng thấy lòng mình có chút bối rối.

Nhìn vệt mật ong dính trên tay mình Nhung thấy nhớ Kiên. Đã có lần Nhung đùa, quết mật lên má Kiên. Vệt mật lấp lánh dưới nắng. Kiên dí dỏm: “Mật ở má Kiên ngọt hơn, Nhung nếm thử xem”. Nhung chỉ cười rồi sau đó đã lấy khăn rửa mặt cho Kiên.  Chính Kiên đã động viên  cô vượt qua nhiều trở ngại, những đồng tiền Kiên giúp đã khiến vốn liếng cô sinh sôi.  Và kia, đôi mắt màu tro thật sáng và  nhiều chịu đựng của Kiên nổi lên giữa những chiếc lá. Đôi mắt ấy mỉm cười và có vẻ giễu nhại Nhung một cách hóm hỉnh. Đúng rồi, chỉ có Kiên mới có đôi mắt ấy. Trong sáng và thông minh pha chút gì đó rất hàm ý, không thể nào diễn tả. Vậy là rõ, Nhung nhớ người ta quá rồi. Vậy mà sao lại im lặng khi được hỏi ý kiến rằng Kiên nên ở lại hay ra đi?

Nhung còn nhớ, hồi ấy, ở nhà chán quá, Nhung theo mấy cô gái mới lớn trong làng đi xin làm thợ may trong công ty Hàn Quốc. Nhung phải khai một lý lịch khác, không kê bằng cấp gì hết, chỉ ghi học hết lớp 9, như vậy mới may ra được tuyển. Lúc sơ tuyển, quản đốc người Hàn bắt các cô gái xòe bàn tay ra để kiểm tra. Ai mà tay ngón búp măng thon đều thì thôi nhé, loại ngay tức khắc, họ cần người chăm chỉ lao động, bàn tay phải chắc khỏe, có chai sần càng tốt. Nhung xòe bàn tay có mấy nốt phồng nước do một tuần tập dượt chẻ chủi, cuốc đất ra, người Hàn lật qua lật lại rồi nhòm sát mặt cô, hồi lâu mới hất hàm. Trúng tuyển. Đi làm. Ngồi máy từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, có 45 phút trong ngày để đi vệ sinh và các nhu cầu khác, kể cả ăn cơm. Chậm một phút cũng trừ lương, thêm sản phẩm được cộng mấy ngàn. Cứ vậy, chỉ vài tháng, mấy cô gái quê bỗng có một kỹ năng đặc biệt là đi vệ sinh cực nhanh, cực chuẩn, chỉ 5 phút là xong. Tiết kiệm thời gian để còn ăn uống và có thể hỏi nhau vài chuyện. Tan tầm, người đau như dần, về nhà ăn xong bát cơm là buồn ngủ. Chỉ thời gian ngắn, Nhung thấy mình sắp thành một cỗ máy thực thụ. Đầu óc dường như không còn nghĩ đến gì khác. Chỉ mải miết tăng ca để cuối tháng lĩnh mấy triệu. Từ buổi gặp Kiên, Nhung bỗng sực tỉnh, không thể kiếm sống như vậy được, không thể sống mà chôn vùi mình trong sự phẳng lặng đến thế…  

Nhung gặp Kiên lần đầu ở nhà dì Ngọ. Lúc Nhung đến, cậu thanh niên có khuôn mặt vuông sáng sủa đang ngồi bên bàn với  dì. Đôi mắt màu tro là điểm đặc biệt nhất trên khuôn mặt.  Trên bàn là một giỏ hoa quả chín, chắc quà của Kiên. Nhung cúi đầu chào lễ phép. Dì Ngọ bảo “Ngồi đi con, đây là Kiên mà dì đã kể cho con đấy”. Dì quay sang Kiên: “Nhung đấy Kiên ạ”. Trong hình dung của Nhung, Kiên sẽ là một người khuyết tật có bộ dạng yếu ớt chứ không thế này.  Nhung nhìn xuống, đúng là Kiên ngồi trên xe lăn, phần chân phủ một tấm vải màu nâu xám. Theo lời dì Ngọ, Kiên bị tai nạn giao thông từ năm học lớp 10, bị dập thận và phải cưa mất đôi chân. Kiên được một người bạn nam cùng xóm cõng đi học suốt mấy năm. Giờ người bạn đó là lái xe của Kiên, ngồi chờ Kiên ngoài kia. Khi đã thành đôi bạn thân thiết với nhau, nhiều lần ngồi bên Kiên, nghe Kiên tâm sự về tuổi thơ, về gia đình, về mẹ Nhung suy ngẫm thật nhiều. Những đêm nằm ngủ, Kiên nằm đắp chăn thò đầu ra nói với mẹ. “Giá mà có phép màu thật trên đời này mẹ nhỉ, sớm mai ngủ dậy chân con mọc ra…”. Mẹ Kiên gấp cuốn sách trên bàn lại, quay sang nói với Kiên: “Con phải tin là có điều đó trên đời, con ngủ đi, học cho tốt, rồi có một ngày con sẽ thấy lại đôi chân… ”.  Kiên biết, khi cậu ngủ say thì người mẹ giáo viên dạy Văn vẫn ngồi đó ngắm cậu thật lâu.

Kiên trở thành sinh viên đặc biệt nhất của Trường Đại học Bách khoa, đi xe lăn đi học. Ra trường, Kiên được mời về làm cho một công ty chuyên về phần mềm máy tính. Mỗi tháng, Kiên đều qua thăm dì Ngọ. Dì kể, dì là bạn học của cha Kiên. Mẹ Nhung cũng bảo vậy. Dì vốn là công nhân trồng rừng nhưng đỗi tuổi, xin về một cục và  ở vậy không lấy chồng. Hàng ngày, dì nhận sửa chữa quần áo tại nhà. Ngôi nhà ở cuối làng, dựa lưng vào ngọn đồi trồng toàn cây dẻ. Từ hồi Kiên bị tai nạn, dì Ngọ gắn bó hơn với gia đình Kiên thì phải. Nhung rất thắc mắc về mối quan hệ của dì với cha Kiên. Chẳng hiểu được. Có lần Kiên cũng bảo, lâu lâu Kiên không đến thăm dì là bố nhắc, giữa bố và dì Ngọ có điều gì đó mà anh không thể biết. Có lần hỏi mẹ, Kiên được mẹ bảo rằng: “Con có thấy cảm giác rất gần gũi với cô Ngọ không? Con chỉ cần biết, cô ấy là ruột thịt với con ”. Nhung đem chuyện hỏi mẹ mình thì mẹ bảo: “Hai gia đình thân nhau, họ thương dì không có chồng con, hồi Kiên ốm, dì Ngọ có đến chăm Kiên một thời gian”. Ra vậy, chắc cũng vì những điều như thế mà Nhung và Kiên có cơ hội làm bạn nhau, rồi trở nên thân thiết lúc nào không biết.

Nhung vẫn đẩy xe lăn cho Kiên đi khắp vườn nhà dì, nghe Kiên nói về hoài bão thành lập Công ty phần mềm máy tính. Chưa khi nào Nhung thấy Kiên buồn, dù Kiên không thể đứng trên đôi chân của mình hái cho Nhung một bông hoa. Nhiều người đã chế hai người yêu nhau, Nhung chỉ cười… Chị gái Nhung đã có lần nói: “Em xinh thế mà lấy một người khuyết tật à, đừng dại, khổ lắm đấy”. Nhung không nghĩ xa xôi thế chỉ biết Kiên vô cùng thông minh, việc gì khó khăn bàn với Kiên là giải quyết được ngay. Nói chuyện với Kiên không bao giờ chán. Kiên có một tâm hồn sâu sắc và trong sáng. Cảm giác được bình yên khi ở bên Kiên đã khiến cho hai người ngày một gần nhau hơn. Chỉ cần nhìn vào mắt Nhung, Kiên có thể biết cô định nói gì. Có lúc Nhung muốn khóc vì ong chết nhiều quá, tiền thì âm quỹ, Kiên đã pha trò, giờ càng phải cười lên, em khóc ong nghe thấy càng chết, có người cũng chết…  Còn nhớ, hôm Kiên khai trương cửa hàng máy tính và ra mắt một phần mềm ứng dụng do Kiên sáng tạo ra, khi phát biểu trước đông đủ mọi người Kiên đã cảm ơn bố mẹ, thầy cô, bạn bè, Kiên đã làm mọi người thật xúc động. Kiên kéo tay người bạn cõng mình đi học suốt những năm cấp ba lại gần và nói: “Tôi đã có một đôi chân từ người bạn này, giờ anh là trợ lý của tôi”. Nhung thêm yêu quý Kiên. Từ hôm Kiên nhận được lời mời đi học ở nước ngoài do một hãng máy tính tài trợ, Nhung bỗng thấy hình như có gì đó xáo trộn trong lòng. Khi Kiên hỏi, có nên đi không, Nhung đã im lặng, ý chừng tùy Kiên. Nhung cũng bày tỏ, được đi học là tốt, có điều kiện để sau về phục vụ đất nước. Nếu Kiên đi, chắc chắn lát sẽ qua đồi cây tìm Nhung.

- Nhung ơi, xuống đi! Tiếng gọi cắt ngang  dòng hồi tưởng của Nhung. Nhung chợt hoảng sợ, Kiên đi xa biết khi nào về đây. Kiên đến từ khi nào, ngồi trên chiếc xe lăn quen thuộc bên cạnh ô tô dưới chân đồi vẫy vẫy tay.  Nhung ào xuống quên cả bỏ đôi găng tay. Suýt nữa thì ôm chầm lấy Kiên. Giờ thì Nhung biết, tâm hồn mình thuộc về ai. Có lẽ nào dì Ngọ nói đúng, dòng máu chảy trong người Kiên và Nhung có liên quan đặc biệt.

- Anh trả vé rồi, không đi nữa – Kiên nói to. Ở đây gió thế, hoa bạch đàn thơm thật. Có người đặt mua hết số mật mùa này đấy, mai họ đến.  Anh cũng tìm được chỗ đặt hàng máy sấy chè cho em rồi.

- Vậy là sao? Nhung ấp úng. Thế anh không…?

- Ừ, anh ở lại. Em không muốn sao? Anh cũng phải làm một việc mà đã giấu em.

- Việc gì cơ? Nhung đỏ mặt e thẹn khi thấy Kiên nhìn mình say đắm. Đôi tay Nhung nằm gọn trong bàn tay Kiên. Trợ lý giục hai người lên xe. Kiên bảo sẽ về thẳng nhà dì Ngọ, dì đang ốm. Bố mẹ Kiên và bố mẹ Nhung đều ở đấy. Ngồi trên xe, nhìn ra ngoài kia, Nhung nhận thấy hình như có điều gì đó rất mới mẻ, tươi mới sắp đến vùng đất này. Đến đỉnh dốc, nơi những hàng cây cao vút tỏa bóng, Kiên bảo xe dừng lại. Người trợ lý xuống xe từ lúc nào.

- Nhung biết vì sao anh ở lại không? Lúc ra sân bay đặt chuyến, đứng giữa những người lạ, anh mới biết, anh không thể đi được vì đôi chân thật sự của anh đã để  ở nhà  - Kiên từ tốn.

- Em chả hiểu anh nói gì – Nhung đáp lại.

- Đúng là ngốc – Kiên nói và đưa hai tay áp vào má Nhung. Em đã cho anh một đôi chân khác đấy. Dì Ngọ là gì với anh em biết không? Bây giờ bố mẹ mới chịu nói với anh. Em đưa tay đây. Kiên cầm bàn tay Nhung đặt lên vùng thắt lưng mình. Đấy, quả thận này là của dì em. Có một phần em trong người anh. 

- Gì cơ?... Nhung ngạc nhiên không nói thành lời, hai mắt bỗng cay xè. Thì ra, mọi chuyện là như thế. Nhung im lặng tan chảy trong niềm thương yêu kính trọng dì. Tóc Nhung xõa trên vai Kiên, thổn thức.

- Anh còn giấu em gì nữa không? - Nhung hỏi. Lúc này Kiên mới nói, anh sắp khởi công xây viện dưỡng lão, nhận chăm sóc những người già cô đơn trong vùng. Kiên sẽ không rời xa nơi đây. Anh làm điều đó cũng vì dì Ngọ. Nhung cũng thấy mình đã đúng, Kiên đã thấy lại đôi chân. Đôi chân kỳ diệu từ nghị lực, tài năng ít người có được.

Anh trợ lý vừa mở cửa xe vừa cười thật tươi: “Hai cậu tính cưới nhau đi, đang mùa hoa nở đấy”. Nhung nghe vậy và thấy có một mùa hoa nở trong lòng mình. Rực rỡ.