Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mưa lạnh kéo dài, nhà vườn hối hả xuống lá mai

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Cây mai năm nay được các nhà vườn, nông hộ ở Quảng Ngãi “thay áo” sớm bởi dự báo mưa lạnh kéo dài và nhiều hơn so với năm trước.

Những ngày qua, anh Chế Văn Mẫn (thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi) thuê nhân công về để nhặt lá cho hơn 300 chậu mai trong vườn.

Qua nhiều năm gắn bó, anh Mẫn đã sở hữu nhiều loại mai cổ được tạo dáng cân đối, thân với nhiều hình thế đẹp mắt. Ngoài mai tình là giống chủ lực được ưu tiên chăm sóc bởi nhiều ưu điểm như cành dẻo, hoa nở thành chùm, sắc hoa tươi sáng, anh Mẫn còn có các một số dòng mai khác như mai nghĩa và mai vàng. 

Anh Mẫn chia sẻ, thời điểm xuống lá cho cây mai là một trong những yếu tố quyết định để cây mai ra đều và đẹp đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Bởi vậy, các nhà vườn đều hết sức chú trọng công đoạn này.

Cây mai sau khi tuốt lá sẽ được tập trung chăm sóc để ra nụ, trổ hoa đúng dịp Tết Nguyên đán.
Cây mai sau khi tuốt lá sẽ được tập trung chăm sóc để ra nụ, trổ hoa đúng dịp Tết Nguyên đán.

"Năm nay tôi thuê 6 nhân công, trước tiên là nhặt lá cho dòng mai có phần ngọn đỏ, còn mai tình và mai nghĩa nhặt chậm hơn nhưng cũng phải xong trước 5/1 dương lịch. Thời gian còn lại tập trung chăm sóc để cây nuôi nụ, cho hoa to, đều, đẹp"- anh Mẫn cho hay.

Theo chia sẻ của một số chủ vườn, năm nay mưa lạnh kéo dài nên họ tranh thủ nhặt lá sớm hơn những năm trước từ 7-10 ngày.

"Mưa kéo dài khiến những cây mai già thường bị rêu, mốc, cây dễ bị sinh bệnh. Khi nhặt lá sẽ kết hợp tạo dáng, cọ rửa thân, cành, góp phần loại bỏ rêu mốc ký sinh trên cây. Có như vậy cây mới hồi sức, nhiều nụ và nở đúng vào Tết Nguyên đán"- anh Võ Văn Khôi (thôn Hòa Tân, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa) cho biết.

Tại xã Hành Đức (huyện Nghĩa Hành)- nơi được xem là thủ phủ mai vàng của Quảng Ngãi, các nhà vườn cũng hối hả xuống lá cho mai, đưa mai vào chậu hoặc nhập thêm mai các nơi khác về để kịp chăm sóc, cung ứng thị trường Tết.

Chị Nguyễn Thị Hương tranh thủ nhặt lá mai sớm vì sợ mưa lạnh kéo dài, cây chậm ra hoa.
Chị Nguyễn Thị Hương tranh thủ nhặt lá mai sớm vì sợ mưa lạnh kéo dài, cây chậm ra hoa.

“Vườn nhà tôi hiện có khoảng gần 400 chậu mai các loại để phục vụ thị trường Tết, tôi cũng nhập về nhiều loại mai ở các tỉnh để đủ cung cấp cho các bạn hàng. Năm nay, thời tiết mưa lạnh nên khi mai về là tranh thủ xuống lá sớm để tập trung chăm sóc phục hồi cây chờ ra hoa đúng Tết”- chị Nguyễn Thị Hương (xã Hành Đức) cho biết.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hành Đức Nguyễn Thị Bích Ra, do tình hình thời tiết ngày càng khắc nghiệt, biến đổi khí hậu nên số lượng chậu hoa mai trên địa bàn xã giảm hơn so với mọi năm. Hoa mai địa phương đang ngày càng khó cạnh tranh với hoa mai nhập về. Hiện xã chỉ còn hơn 30 hộ chuyên trồng loại hoa này.

Năm nay, số lượng hoa mai tại xã Hành Đức giảm so với mọi năm.
Năm nay, số lượng hoa mai tại xã Hành Đức giảm so với mọi năm.

“UBND tỉnh Quảng Ngãi phân bổ 200 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ vốn phát triển làng nghề truyền thống cho địa phương để tập trung phát triển làng nghề cây cảnh Xuân Vinh, Hành Đức”- bà Ra thông tin..

Tại huyện Nghĩa Hành có nhiều vùng phát triển nghề trồng mai, sinh vật cảnh mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ dân trên địa bàn. Riêng làng nghề cây cảnh Xuân Vinh (xã Hành Đức) đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể Làng nghề cây cảnh.

Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, huyện Nghĩa Hành đều tổ chức “Ngày Bon sai - Mai vàng”.
Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, huyện Nghĩa Hành đều tổ chức “Ngày Bon sai - Mai vàng”.

Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán huyện Nghĩa Hành đều tổ chức “Ngày Bon sai - Mai vàng” để người dân giao lưu, quảng bá, phát triển nghề trồng mai và cây cảnh, tăng thu nhập cho nông dân.