Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến đường ở Tây Nguyên sạt lở

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều tuyến đường huyết mạch tại 3 tỉnh Tây Nguyên là Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk đã bị sạt lở do mưa lớn kéo dài trong những ngày qua.

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở Tây Nguyên bị sạt lở (Ảnh: Văn Tư).
Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở Tây Nguyên bị sạt lở (Ảnh: Văn Tư).

Mưa lớn kéo dài bắt đầu từ cuối tháng 7 đến nay khiến cho tình trạng sạt lở đường tại các tỉnh Tây Nguyên liên tiếp xảy ra. Đầu tiên là tại tỉnh Lâm Đồng khi chiều 30/7 mưa lớn kéo dài khiến mái taluy dương tại Km 103+100 quốc lộ 20 bị sạt lở.

Vụ sạt lở khiến một lượng đất đá lớn vùi lấp trụ sở chốt cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng làm 3 chiến sỹ hy sinh và một người dân thiệt mạng. Giao thông qua đèo Bảo Lộc bị chia cắt hoàn toàn. Phải sau nhiều ngày, tuyến đường này mới thông trở lại.

Tương tự, tại tỉnh Đắk Nông cũng xảy ra nhiều vụ sạt lở do mưa lớn. Điển hình là vụ sạt lở xảy ra tại Km 1900+350 - Km 1900+650, đường Hồ Chí Minh qua TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông vào sáng 2/8 khiến mái taluy âm có chiều dài khoảng 300m bị sạt lở.

Đến ngày 7/8, điểm sạt lở này tiếp tục lan rộng với vệt nứt, lún có chiều dài khoảng 40m, chiều sâu cao nhất là 4,5m xuất hiện tại làn đường gom. Đặc biệt, khu vực xuất hiện thêm một lỗ rỗng lộ thiên, có mạch nước ngầm chảy qua theo hướng từ núi đá sang vị trí sạt lở với đường kính khoảng 1,5m.

Trong khi đó, tại tỉnh Đắk Lắk, mưa lớn kéo dài nhiều ngày cũng khiến tuyến tránh trung tâm thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) cũng sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân nơi đây.

Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng do mưa lớn tại các tỉnh Tây Nguyên, Bộ Bộ GTVT vừa có công điện khẩn gửi Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và sở GTVT các địa phương liên quan yêu cầu tập trung ứng phó mưa lũ, sạt lở đất tại khu vực Bắc Bộ và Tây Nguyên.

Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ chủ trì, phối hợp với các sở GTVT, lực lượng chức năng địa phương tổ chức trực phân luồng giao thông; cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở.

Đối với Sở GTVT các tỉnh, Bộ GTVT đề nghị tập trung kiểm tra, rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún đất bảo đảm an toàn các công trình, an toàn dân cư trên các tuyến quốc lộ được ủy thác và các tuyến tỉnh lộ thuộc địa bàn quản lý.

 

Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, bố trí máy móc, nhân lực ở những vị trí trọng yếu thường xuyên bị sụt trượt để chủ động khắc phục đảm bảo giao thông nhanh nhất; cử lãnh đạo tham gia đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn kiểm tra công tác phòng ngừa, khắc phục thiên tai tại khu vực Tây Nguyên, nhất là công tác bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình, sạt lở, sụt lún đất tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông.