Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, mưa lớn từ tối 14 đến sáng 15/11 khiến nhiều khu vực tại tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập sâu.
Mực nước trên sông Hương tại trạm Kim Long là 4,21m, cao hơn mức báo động 3 là 0,71m; Sông Bồ tại trạm Phú Ốc 4,38cm, nhỏ hơn báo động 3 là 0,12m; sông Ô Lâu tại trạm Phong Bình 1,87m; sông Truồi tại trạm Truồi 3,07m.
Theo dự báo, lũ trên các sông tiếp tục lên và sẽ đạt đỉnh trong hôm nay. Cụ thể, sông Hương tại trạm Kim Long đạt đỉnh ở mức 4,4m trên báo động 3 là 0,9m, sông Bồ tại trạm Phú Ốc đạt mức 4,5m, bằng báo động 3, sau xuống chậm, riêng sông Truồi tiếp tục xuống chậm.
Ghi nhận tại TP Huế, các tuyến đường khu vực Bắc sông Hương (Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan...) ngập bình quân 0,4-0,6m; các tuyến đường khu vực Nam sông Hương (Hùng Vương, Trường Chinh, Trần Quang Khải, Bến Nghé, Đống Đa, Tố Hữu, Lê Minh, Huỳnh Tấn Phát, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Hữu Thọ, Đặng Văn Ngữ, Phan Anh...) ngập trung bình từ 0,3-0,5m.
Tại huyện Phong Điền, Quốc Lộ 49B (Phong Hòa đi Điền Hải) bị ngập nhiều điểm điểm, mức ngập sâu nhất là 0,4 m (đoạn qua xã Phong Hòa), tổng chiều dài bị ngập hơn 520m. Tuyến Tỉnh lộ 6 bị ngập một số điểm, mức ngập sâu nhất là 0,3 m. Các tuyến giao thông khác còn lại trên địa bàn huyện bị ngập 10 điểm, mức ngập sâu nhất 0,5m.
Tại huyện Quảng Điền và thị xã Hương Trà, các tuyến đường chính bị ngập, có đoạn ngập sâu 0,8-1,0 m. Các đường trục thôn, trục xã đã bị ngập hoàn toàn, giao thông bị chia cắt ở các xã vùng thấp trũng.
Các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông và thị xã Hương Thủy, nhiều khu vực ngập trung bình từ 0,3-0,5m, có nơi ngập sâu 0,8m.
Chính quyền các địa phương trong tỉnh đã chủ động di dời, sơ tán 362 hộ với 551 khẩu.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, toàn tỉnh có 2.062 phương tiện/11.350 lao động. Toàn bộ tàu thuyền đã vào bờ neo đậu an toàn.
Sáng ngày 15/11, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đã ban hành Công điện khẩn về việc triển khai ứng phó với mưa lũ trên địa bàn.
Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP Huế triển khai sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng, ngập lụt sâu, chia cắt, khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất; kiên quyết sơ tán nhân dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn gần nhất.
Các địa phương chủ động đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, phục vụ nhân dân tại vùng nguy cơ cô lập, chia cắt dài ngày do ngập sâu, sạt lở đất. Đồng thời, bố trí lực lượng kiểm soát, rào chắn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người.