Trong đợt mưa lũ lịch sử tại châu Âu, Đức bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 58 người thiệt mạng, trong khi có 8 người chết ở Bỉ. Pháp và Hà Lan cũng bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ bất thường lần này.
|
Lũ quét khiến nhiều ngôi nhà bị phá hủy tại vùng Insul, Đức. |
Những cơn bão gần đây trên khắp các khu vực của Tây Âu đã làm cho các con sông và hồ chứa bị vỡ và gây ra lũ quét.
Các nhà chức trách Đức cho biết, ít nhất 30 người thiệt mạng ở bang North Rhine-Westphalia trong đợt mưa lũ lịch sử. Tại Rhineland-Palatinate, it nhất 28 người đã chết và "con số đó dự kiến sẽ tăng lên".
Hiện vẫn còn hàng chục người mất tích trong khi thời tiết tiếp tục diễn biến xấu, có nguy cơ gây thiệt hại nặng hơn nữa cả về người và của.
Mưa lũ đã khiến hàng trăm nghìn hộ gia đình mất điện. Nhiều vụ sập, sạt lở cầu đường khiến hàng loạt tuyến đường bị phong tỏa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông vận tải.
Thống đốc bang Rhineland-Palatinate, Malu Dreyer, cho biết: “Có nhiều người chết, có người vẫn còn mất tích và còn rất nhiều người vẫn đang gặp nguy hiểm. Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến một thảm họa như vậy, nó thực sự tàn khốc".
Thủ tướng Đức Angela Merkel - đang có chuyến thăm Mỹ, gọi lũ lụt tấn công một số vùng của đất nước Đức là một "thảm họa". Bà Merkel cho biết, trọng tâm hiện tại là cứu hộ và ứng phó ngay để giúp những người bị ảnh hưởng trong đợt lũ lụt.
Hiện Cơ quan khí tượng Đức dự báo mưa lớn tiếp tục có nguy cơ gây ngập tràn bờ hai con sông Rhein và Mosel ở phía Tây nước này, đồng thời cảnh báo nguy cơ ngập lụt diện rộng trong một những ngày tới.
Các nhà chức trách ở quận Rhine-Sieg phía nam Cologne đã ra lệnh sơ tán vài ngôi làng bên dưới hồ Steinbach trong bối cảnh lo ngại một con đập có thể bị vỡ.
Laschet - người đang tranh cử để kế nhiệm Thủ tướng Merkel trong cuộc bầu cử vào mùa thu năm nay, cho biết những cơn bão lớn bất thường và một đợt nắng nóng trước đó có thể liên quan đến biến đổi khí hậu.
Stefan Rahmstorf - Giáo sư vật lý đại dương tại Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam, nói rằng hiện vẫn chưa rõ liệu thảm họa mưa lũ lịch sử có phải là hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu hay không.
Tại nước láng giềng Bỉ, ít nhất 8 người chết do lũ lụt ở khu vực phía nam của Wallonia, giáp với Bắc Rhine-Westphalia của Đức. Lũ lụt cũng đã làm gián đoạn mạng lưới đường sắt quốc gia Infrabel của Bỉ, ngừng các dịch vụ ở miền nam đất nước.
Trước diễn biến xấu của thời tiết và mực nước dâng cao kỷ lục tại các vùng phía Nam, Bộ Quốc phòng Bỉ đã triển khai nhiều nguồn lực kể từ tối 14/7 nhằm thực hiện công tác cứu hộ người dân đang mắc kẹt tại vùng nước lũ.
|
Mưa lũ lịch sử tại Liege, Bỉ do nước sông Meuse dâng cao hôm 15/7.Ảnh: AP |
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italia đã bắt đầu cử các đội tìm kiếm và phương tiện đến Wallonia để hỗ trợ. Cơ quan Bảo vệ Dân sự của Pháp cũng đến tỉnh Liege của Bỉ để hỗ trợ các nỗ lực ứng phó lũ lụt.
Ở Hà Lan, chính phủ nước này hôm thứ Tư đã cử khoảng 70 binh sĩ đến tỉnh Limburg, miền nam đất nước để giúp người dân sơ tán. Giới chức thành phố Maastricht đã yêu cầu hàng ngàn người dân ở 2 khu vực dân cư sơ tán trước nguy cơ ngập lụt. Dân cư 2 quận Heugem và Randwyck được yêu cầu rời khỏi nhà "càng sớm càng tốt" do nước sông Meuse dâng cao.
Ở đông bắc nước Pháp, mưa lớn đã làm ngập các cánh đồng rau, nhiều ngôi nhà và một bảo tàng Thế chiến I ở Romagne-sous-Montfaucon.
Theo báo L’Est Republicain, nước sông Aire đã lên mức cao nhất trong vòng 30 năm qua ở một số khu vực.
Theo cơ quan thời tiết quốc gia Pháp, lượng mưa đã giảm trong 2 ngày gần đây, song cơ quan chức năng đã ban cảnh báo lũ lụt tại 10 khu vực.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen cam kết sẽ giúp đỡ các khu vực đang chịu thảm họa mưa lũ lịch sử.