Mua nợ nhiều, bán chẳng bao nhiêu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành lập năm 2013, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) là một trong những giải pháp quan trọng được kỳ vọng giúp giải quyết “cục máu đông” nợ xấu, lưu thông dòng chảy tín dụng trong nền kinh tế Việt Nam.

Giao dịch tại Chi nhánh Seabank Hà Nội. 	Ảnh: Trần Việt
Giao dịch tại Chi nhánh Seabank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Tuy nhiên, 2 năm qua, việc bán nợ của VAMC vẫn rất khiêm tốn. Vì sao một mô hình công ty được đánh giá là khá mới mẻ, được nhiều DN quan tâm nhưng để đặt vấn đề mua nợ lâu dài thì vẫn phải cân nhắc. Có phải vì những rào cản xung quanh hoạt động của VAMC?

Mua gần 144.000 tỷ đồng nợ xấu

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết ngày 15/6, VAMC đã duyệt mua 28.194 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng. Như vậy, kể từ khi hoạt động, đến nay tổ chức này đã mua được 143.800 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, góp phần giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm dư nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Cùng với việc mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC đã tích cực triển khai công tác xử lý nợ xấu theo các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật như miễn giảm lãi cho vay, xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ hoặc bán nợ... VAMC trực tiếp đôn đốc, thu hồi nợ hoặc ủy quyền cho TCTD thu hồi nợ, kể cả phát mại tài sản đảm bảo và bán nợ.

Theo kế hoạch đã đặt ra từ đầu năm, trong năm nay VAMC sẽ phải mua khoảng 80.000 tỷ đồng nợ xấu trên sổ sách trong năm 2015. Khối lượng trái phiếu đặc biệt phát hành là hơn 10.000 tỷ đồng.

Bán nợ khiêm tốn

Nỗ lực mua nợ nhưng hoạt động của VAMC vẫn mới chỉ dừng ở mức “nhốt” và gom nợ trong khi việc bán nợ xấu vẫn hết sức khiêm tốn. Đến nay, VAMC đã thực hiện bán 68 khoản nợ của 10 khách hàng với tổng giá trị nợ gốc là 2.306 tỷ đồng, giá bán nợ là 1.773 tỷ đồng, thực hiện bán tài sản đảm bảo của 13 khoản nợ với giá 490 tỷ đồng. “Qua hơn 2 năm, VAMC mới bán được 2 - 3% nợ xấu. Cứ đà này thì bao giờ xử lý hết nợ xấu? Đến bao giờ cả ngân hàng lẫn DN được giải phóng khỏi nợ xấu, để nhanh chóng phá tan được “cục máu đông” hàng trăm ngàn tỷ đồng cho nền kinh tế” - đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa đặt câu hỏi.

Thừa nhận thực tế cũng như những tồn tại hiện nay, ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho rằng, nguyên nhân của việc bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo chậm là do nhiều vướng mắc. Cụ thể, nhiều DN phát sinh nợ xấu tại các TCTD, số nợ này đã được bán cho VAMC nhưng TCTD không đồng ý cho DN được vay vốn. Nhiều khách hàng không đồng ý bàn giao tài sản đến VAMC và TCTD không thể xử lý để thu hồi nợ.

Đặc biệt, VAMC không có quyền chủ động xử lý những khoản nợ xấu mua bằng tài sản đảm bảo. Trên danh nghĩa, TCTD vẫn có quyền quyết định đối với tài sản thế chấp của khoản nợ. VAMC không có nhiều vai trò định đoạt tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu đã mua. Nếu TCTD phối hợp chặt chẽ cới VAMC thì công ty thể hiện được vai trò của mình và ngược lại, TCTD không hợp tác thì VAMC không thể hiện được vai trò của mình trong xử lý nợ.

Hiện Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ xấu. Tổ chức muốn mua nợ cần phải có đăng ký kinh doanh với ngành nghề mua bán nợ. Hiện tại, chỉ có VAMC, các công ty mua bán nợ của Bộ Tài chính và các ngân hàng mới có thể thực hiện các giao dịch mua  bán nợ. Từ thực tế đó, VAMC mua nợ xấu cũng không thể bán mà chỉ có thể xử lý qua hình thức bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Để đạt được các mục tiêu đặt ra trong năm 2015, theo ông Hùng, VAMC cần được trang bị đầy đủ về nguồn lực tài chính, nguồn lực con người và đặc biệt cần phải có hành lang pháp lý đủ mạnh, thậm chí có riêng một sắc luật về xử lý nợ xấu để có thể xử lý nhanh chóng, triệt để các khoản nợ xấu đã mua.
Tìm hiểu nhiều, đặt vấn đề mua nợ ít
Thời gian qua, rất nhiều tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc để tìm hiểu thực tế hoạt động của VAMC, khuôn khổ pháp lý trong việc triển khai xử lý nợ, bán các khoản nợ xấu đã mua bằng tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hệ thống pháp luật Việt Nam đối với các vấn đề liên quan đến mua bán và xử lý nợ về sở hữu đất đai, tái cấu trúc DN, đặc biệt là vai trò còn hạn chế của VAMC trong việc quyết định các vấn đề bán nợ, bán tài sản đảm bảo, các nhà đầu tư chỉ mới tiếp cận để tìm hiểu chứ chưa chính thức đặt vấn đề cụ thể.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần