Giá 1,7 triệu đồng/kg, không có để bán!
Anh Huỳnh Kim Minh Thiên (SN 1978, nhà ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết, hiện nay dù đã có 4-5 cơn mưa đầu mùa, nhưng chưa phải mùa chính của nấm mối.
“Mùa nấm mối rộ lên phải bắt đầu từ mùng 5/5 âm lịch, lúc đó những ai rảnh rỗi, bỏ công đi tìm những ụ mối để kiếm nấm bán lấy tiền phụ gia đình. Hiện nay, giá nấm mối ở quê tôi là 1,7 triệu đồng/kg, đây là giá bán cho người quen hoặc có đặt trước, còn bán cho người không quen là 2 triệu đồng/kg, nhưng cũng không có để bán. Những người mua nấm mối để ăn, hầu hết là người có tiền, nhiều người mua xong đem phơi khô rồi đưa qua Mỹ để làm quà cho gia đình, người thân. Do vậy, họ thường gọi điện đặt mua từ khi chưa đến mùa nấm mối. Từ đầu tháng đến giờ, đã có mấy cơn mưa, khi rảnh chúng tôi chia nhóm đi tìm, nếu trên 1 kg đem bán, còn ít quá để ăn”, anh Huỳnh Kim Minh Thiên cho biết.
Cũng theo anh Minh Thiên, chu kỳ nấm mối rất ngắn, từ lúc nở đến lúc tàn chỉ kéo dài trong 1 ngày rồi tự thối và lún đi (chết). Nấm khi tàn sẽ không còn giòn, không ngọt. Do đó, để săn được nấm khi vừa nhú lên mặt đất, nhiều người thường đi từ lúc 3-5 giờ sáng, cầm đèn pin soi tìm những ụ mối, ngồi chờ nấm mọc lên là hái, lúc đó nấm đã có quá trình thấm sương đêm trong lòng đất và hứng sương sớm nên cực kỳ ngon.
“Nấm mối rất quý, có giá trị lớn hơn nhiều đặc sản ở huyện Chợ Lách. Ở quê tôi cứ tới mùa nấm mối, trong xóm có vài nhóm từ 2-3 người tổ chức đi tìm, mỗi mùa có thể kiếm được từ 20-30kg nấm mối, bán được vài chục triệu đồng giúp trang trải cuộc sống của gia đình”, anh Huỳnh Kim Minh Thiên cho biết thêm.
Giá nấm mối tùy vùng có ít, có nhiều
Trong khi giá nấm mối ở Bến Tre từ 1,7-2 triệu đồng/kg, thì tại một số tỉnh miền Đông Nam Bộ giá “mềm” hơn. Chị Nguyễn Thúy Hằng (SN 1977, ngụ xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) chia sẻ, nấm mối thường mọc ở vùng đất đỏ hoặc đất đen, nhưng chỉ có ở vùng miền Trung đổ vào miền Nam, chứ miền Bắc không có, nếu có cũng rất ít. Nấm mối là nấm tự nhiên, chỉ mọc vào đầu mùa mưa, kéo dài khoảng 1 tháng rồi kết thúc, cho nên quý hay không tùy vào nhận thức của mỗi người.
“Giá nấm mối tùy từng vùng, nơi có nhiều hoặc có ít nấm. Ví như ở tỉnh Bình Phước là nơi nhiều nấm mối, nên giá thấp hơn những địa phương khác. Hiện tại, người săn nấm mối bán từ 300.000-500.000 đồng/kg, ra đến chợ giá dao động từ 650.000-800.000 đồng/kg, vì đã qua đợt nở rộ sau những cơn mưa đầu mùa. Còn tôi bán cho khách đặt từ trước với giá từ 500.000 - 600.000 đồng/kg, có người mua đem về TP Hồ Chí Minh bán lại có thể từ 1-1,5 triệu đồng/kg là bình thường, vì họ còn cộng phí bảo quản, công vận chuyển. Do đó, nấm mối không có giá chung, bởi không phải vùng nào cũng có”, chị Thúy Hằng nói.
Bổ đến mức loài rắn cũng tìm ăn
Anh Võ Việt Hải (SN 1990, ngụ xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), cho biết, mặc dù đã có 5-6 cơn mưa đầu mùa, nhưng nấm mối vẫn rất hiếm, dù đã đặt mua để ăn từ tuần nay nhưng cũng không có. Nấm mối là nấm có vị ngọt nhất trong các loài nấm, khi nhai có độ giòn và có mùi thơm, nấu cháo nấm mối cho trẻ con ăn rất tốt. Loại nấm này không hiểu vì sao khi vừa mới mọc lên khỏi mặt đất, thì các loài côn trùng tìm đến ăn, kể cả rắn khi phát hiện nấm mối cũng bò đến ăn nên có thể ngầm hiểu đây là loại nấm rất bổ dưỡng.
Cũng theo anh Hải, nấm mối ngon và giòn nhất là loại búp, vì vừa nhú lên mặt đất hứng sương đêm và ánh sáng ban mai. Còn cho rằng nấm mối loại đinh (chưa trồi lên mặt đất) là ngon nhất thì cần phải xem lại, vì đây là quan niệm y như ăn ve sầu bắt dưới lòng đất mới bổ, trong khi đã có nhiều vụ ngộ độc vì ăn loại ve sầu chưa thoát lên khỏi mặt đất (lẫn nhiều vi trùng).
Cũng theo chị Thúy Hằng, nấm có tên gọi là nấm mối vì mọc từ những meo trong ổ mối, và chỉ có vào đầu mùa mưa, lúc này độ nóng của lòng đất cộng với lượng nước mưa đủ thấm xuống, đủ nhiệt độ để các ổ mối tạo nấm. Đến khi mưa nhiều, nhiệt độ dưới lòng đất bão hòa, nên nấm mối không mọc nữa.
Để phân loại nấm mối, sau khi mua về, đổ ra sàn nhà tách đất rồi phân loại: đinh, búp, dù, và nấm nở. Trong 4 loại này, loại đinh có giá cao nhất vì người ta hái khi nó còn nằm trong lòng đất. Để hái nấm đinh, khi thấy mặt đất ngay ổ mối bị nứt, thì đào lấy nấm lên, lúc này cây nấm rất nhẹ, loại nấm đinh ăn giòn sừng sực. Loại thứ hai là nấm búp, vừa nhú lên mặt đất, có giá thấp hơn nấm đinh một chút; thứ ba là nấm dù, sau khi mọc lên khỏi mặt đất, cánh nấm vừa bung ra một xíu, giá "mềm" hơn 2 loại trên; cuối cùng là nấm nở vì cánh bung ra hết, giá của loại này thấp nhất vì độ giòn không như các loại kể trên, nhưng mùa này tại Bình Phước cũng khoảng 400.000 đồng/kg.
Săn nấm mối chỉ cần nhớ ụ mối, ngày đã hái năm trước
Ông Đinh Văn Thành (SN 1967, ngụ xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) có kinh nghiệm “săn" nấm mối, chia sẻ: “Hầu hết thợ săn nấm mối nắm rõ chu kỳ nấm nở. Sau vài cơn mưa đầu mùa, nấm mối nở rộ chỉ trong khoảng 3 ngày rồi ngưng, sau đó mọc lai rai rồi không mọc nữa, dù bước vào mùa mưa. Do nắm rõ chu kỳ nấm mối mọc và nhớ từng ụ mối, nên những thợ săn nấm hầu như không bao giờ đi tìm. Họ chỉ cần nhớ vị trí ụ mối nằm ở đâu trong vườn cao su hay trong rừng, nhớ năm ngoái nấm mọc ngày nào (âm lịch), thì đúng ngày đó của năm nay cứ tới ụ mối đó để nhổ nấm, không phải lần mò cho tốn công. Ở Bình Phước đã qua đợt nấm mối mọc lần thứ nhất, hiện nay những người săn nấm chờ đến đợt thứ hai trong tháng 5 âm lịch, khi mưa đã thấm đất lúc đó nấm bung đất trồi lên, thì đi hái thêm đợt nữa”.
Còn chị Thúy Hằng cho biết, mỗi mùa nấm mối chị thu mua bán lại kiếm lời từ 20-30 triệu đồng, xem như tự “xóa đói, giảm nghèo” cho gia đình. “Mỗi khi đi mua nấm mối, tôi đem theo con dao để cạo lớp đất bám trên thân nấm. Muốn giữ nấm được lâu, chỉ cạo sơ sơ lớp đất, còn khi khách hàng mua để chế biến ăn ngay, mình sẽ gọt sạch lớp đất cho họ. Việc bán cũng tùy theo nhu cầu của khách, có những người không biết sơ chế, họ nhờ mình làm thì mình tính thêm tiền công”, chị Hằng nói.
Khi được hỏi từ trước đến nay làm nghề thu mua nấm mối, chị có thấy ai giàu lên từ việc đi săn nấm không? Chị Nguyễn Thúy Hằng khẳng định chưa thấy ai giàu nhờ săn nấm mối, vì đây là loại nấm mọc tự nhiên, giống như lộc... trời cho. Có người đi tìm 1-2 ngày, may mắn hái được nhiều, có người đi nhiều ngày không nhặt được một cây nấm, vì tùy theo thời tiết, có năm nấm mọc nhiều, có năm mọc ít nên chưa thấy ai giàu từ săn nấm mối.
Còn về thương lái, chỉ có những lái lớn, họ biết cách bảo quản để trữ bán lâu dài, vào mỗi mùa nấm mối họ đi thu mua khắp vùng Đông Nam Bộ. Khi hết mùa nấm mối, lúc đó họ tung hàng trữ ra thị trường với giá rất cao.
Chế biến nhiều món ăn chữa bệnh
Lương y Đinh Văn Thắng (SN 1972, ngụ quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho biết, nấm mối tự nhiên có tên tiếng Anh là Collybia albuminosa; tên khoa học là Termitomyces albuminosus. Nấm mối sinh ra từ nước bọt của mối thợ để lại trên đường đi nên gọi là nấm mối. Khi những cơn mưa đầu mùa thấm xuống đất, lúc ấy nước bọt của mối kết hợp tạo nên men giống và nấm mọc. Nấm mối rất bổ, có thể chế biến nhiều món ăn có vị thuốc với nhiều tác dụng, như: thanh nhiệt, nhuận tràng, giải độc, giúp ngừa sỏi thận, sỏi mật và giảm cholesterol; giúp tăng tiết sữa cho phụ nữ sau khi sinh; hỗ trợ điều trị tăng huyết áp; giúp cải thiện giấc ngủ và hệ tiêu hóa, thậm chí có thể ngăn ngừa ung thư.