Mùa trái vụ nhưng "ông lớn" dệt may đã kín đơn hàng

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo lãnh đạo May 10, sau Tết Nguyên đán là thời điểm trái vụ của ngành may. Tuy nhiên, năm nay lại là năm nhiều việc, tình hình thị trường tốt hơn năm 2020, 2021. Toàn bộ mặt hàng truyền thống của May 10 đều đã kín đơn hàng đến hết quý II/2022.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt trả lời phỏng vấn báo Kinh tế & Đô thị. Ảnh: Thành Hải
Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt trả lời phỏng vấn báo Kinh tế & Đô thị. Ảnh: Thành Hải

Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của tập thể, linh hoạt trong chiến lược, hiện toàn bộ mặt hàng truyền thống của doanh nghiệp đều đã kín đơn hàng đến hết tháng 6/2022.

Tăng tốc sản xuất 

Theo ông Thân Đức Việt, doanh nghiệp đang tăng tốc mở rộng năng lực sản xuất, không chỉ đáp ứng cho những đơn hàng xuất khẩu hồi phục mà cả những đơn hàng tăng lên về thị phần ở các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Thông thường sau Tết Nguyên đán là thời điểm trái vụ của ngành may. Trước dịch Covid-19, đây thường là thời điểm ít việc, song năm nay lại là năm nhiều việc. Hiện nay, tình hình thị trường tốt hơn năm 2020, 2021. Toàn bộ mặt hàng truyền thống của May 10 đều đã kín đơn hàng đến hết quý II/2022.

Để đáp ứng các đơn hàng, May 10 dốc toàn lực vào sản xuất. Ảnh: Thành Hải
Để đáp ứng các đơn hàng, May 10 dốc toàn lực vào sản xuất. Ảnh: Thành Hải

Thậm chí, một số mặt hàng như veston sau khoảng 15 tháng liên tiếp nối từ năm 2020 sang năm 2021 ít đơn, chỉ 30% năng lực được sản xuất năm nay đã có đơn kín đến hết tháng 9/2022. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp được khôi phục hoàn toàn, thậm chí đơn hàng còn tăng vượt năng lực sản xuất.

Từ trước tới nay, thị trường xuất khẩu chính của May 10 vẫn tập trung vào Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. May 10 luôn luôn cân bằng 3 thị trường nêu trên. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm khoảng 40 - 45%; châu Âu khoảng 30 - 35%; Nhật Bản khoảng 10 - 15%; còn lại là các thị trường khác.

Song, năm 2020 và 2021, thị trường Mỹ có những thời điểm lên tới 65%. Năm 2022, sau khi dịch được kiểm soát và thị trường châu Âu cũng hồi phục, cơ cấu các thị trường xuất khẩu của May 10 sẽ cân bằng trở lại. Dự kiến, thị trường châu Âu sẽ lấy lại tỷ lệ cũ là khoảng 30 - 35% tổng doanh thu xuất khẩu của May 10.

Đánh giá về việc đẩy mạnh xuất khẩu thông qua tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA, ông Thân Đức Việt cho biết: May 10 đang tập trung tận dụng 2 FTA chính là CPTPP và EVFTA. Trong 2 FTA này, tận dụng EVFTA dễ hơn bởi tỷ trọng hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu hiện đang rất thấp so với tiềm năng. Có EVFTA nên chắc chắn năm nay và các năm tiếp theo tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường châu Âu của May 10 sẽ rất cao.

Với RCEP, hiện tại đây chưa phải là thị trường May 10 tập trung xuất khẩu nhiều. Tuy  nhiên, RCEP sẽ là thị trường của tương lai trong khoảng 5 - 10 năm tới. Khi đó, Trung Quốc có thể sẽ là thị trường xuất khẩu lớn nhất chứ không phải là thị trường Mỹ hay châu Âu.

“Thời gian qua, May 10 đã mở rộng năng lực sản xuất ở Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình. Trong năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu tuyển dụng từ 3.000 - 5.000 lao động cho 3 dự án lớn tại 3 địa phương trên nhằm mở rộng năng lực sản xuất, không chỉ cho những đơn hàng xuất khẩu hồi phục mà cả cho những đơn hàng tăng lên về thị phần ở các FTA như EVFTA hay CPTPP” - doanh nhân này thông tin.

Xanh hóa dệt may

Trước yêu cầu khách hàng tại nhiều thị trường nhập khẩu đang ngày càng coi trọng và đặt ra yêu cầu “xanh hóa” trong ngành dệt may, doanh nhân Thân Đức Việt khẳng định: May 10 là đơn vị đầu ngành, có uy tín trên các thị trường.

May 10 đón đầu xu thế "xanh hóa" của thế giới. Ảnh: Khắc Kiên
May 10 đón đầu xu thế "xanh hóa" của thế giới. Ảnh: Khắc Kiên
 

Liên quan đến việc "xanh hóa" ngành dệt may, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, toàn ngành đặt ra kế hoạch đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; đến năm 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế. Trước những thách thức của ngành, ngành dệt may mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” để ngành có thể tự túc nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do...

Với chương trình “xanh hóa”, thứ nhất doanh nghiệp luôn luôn phải tiến đến những xu thế của thế giới. Thứ hai là doanh nghiệp cũng bị áp lực bởi chính những khách hàng nhập khẩu khi họ yêu cầu những tiêu chuẩn về nhà máy xanh, môi trường làm việc cho người lao động, giảm khí thải ô nhiễm, giảm chất thải độc hại…

Hiện toàn bộ hệ thống của nhà máy May 10 về xuất khẩu đều đảm bảo được yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, với một số chứng chỉ mới về “xanh hóa” May 10 cũng đang phấn đấu.

“Ngoài câu chuyện nhà máy xanh, một yếu tố nữa phải nói đến là nguyên liệu xanh. Hiện nay, rất nhiều khách hàng yêu cầu May 10 phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế để không khai thác nhiều nguồn tài nguyên và sau khi sử dụng xong chỉ 5 - 10 năm tự phân hủy. Đó là điều May 10 đang tập trung rất nhiều” - ông Thân Đức Việt nói.

Không bỏ qua thị phần nội địa

Bên cạnh xuất khẩu, chiến lược của May 10 trong phát triển thị trường nội địa cũng rất được chú trọng. Hiện nay, trong tổng doanh thu của May 10 xuất khẩu chiếm 80%, 20% doanh thu từ nội địa. Do ảnh hưởng dịch bệnh, giãn cách xã hội, ông Thân Đức Việt cho biết, lúc đầu dự kiến doanh thu nội địa trong năm 2021 sẽ giảm khoảng 50%. Thực tế, nhờ uy tín thương hiệu tốt, sản lượng đồng phục, thời trang công sở được các cơ quan hành chính nhà nước cũng như các doanh nghiệp đặt khá nhiều, cuối cùng doanh thu chỉ giảm 5% so với năm 2020.

Không gian cửa hàng giới thiệu sản phẩm để phục vụ thị trường trong nước. Ảnh: Khắc Kiên
Không gian cửa hàng giới thiệu sản phẩm để phục vụ thị trường trong nước. Ảnh: Khắc Kiên

Trong năm 2022, tại thị trường nội địa, May 10 tiếp tục tập trung chính vào dòng thời trang công sở. Đồng thời ra mắt thêm dòng sản phẩm thời trang nữ, sản phẩm may đo veston cao cấp, mở rộng thị phần, đặc biệt là chuỗi cửa hàng bán lẻ cả online và offline.

Với những khởi đầu tương đối thuận lợi, doanh nhân này thông tin, năm 2021, tổng doanh thu từ xuất khẩu và nội địa của May 10 là 3.515 tỷ đồng, tăng 4,3% so với kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 8 triệu đồng/người/tháng, tăng 7,6% so với năm 2020. Trong năm 2022, May 10 đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng ít nhất trên 10% so với năm 2021.

 

Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, như đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, thu hẹp thị trường tiêu thụ, song với sự chủ động, linh hoạt trong phương thức sản xuất, kinh doanh, May 10 đã từng bước vượt qua khó khăn. xuất khẩu hàng dệt may vẫn duy trì đà tăng trưởng.

Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đã làm cho giá xăng dầu nguyên liệu tăng mạnh, nhưng May 10 đã nắm bắt tình hình để có nguồn nguyên vật liệu kịp thời phục vụ sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Tôi tin May 10 sẽ tiếp tục kết nối giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước hình thành chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường xuất khẩu; tham gia tích cực tại các tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may để duy trì chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường. Giữ được giá thành từ nguồn tiết kiệm trong sản xuất, như tăng năng suất lao động và cải tiến quản trị bằng chuyển đổi mô hình số.

Trưởng ban Cố vấn Hanoisme Trịnh Thị Ngân

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần