Nhưng những em nhỏ ấy đón Trung thu trong chuỗi ngày dài nằm viện, đã nếm đủ những đớn đau, bất hạnh. Những ân tình trao nhau ở “Trung thu hồng”, ở “Chắp cánh yêu thương” đã làm vơi đi nỗi đau con trẻ, làm dịu hơn tấm lòng của những ông bố, bà mẹ đã chịu quá nhiều cay đắng cuộc đời.
|
Vui tết Trung thu tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Ảnh: Bảo Ngọc |
Thế nhưng, tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, hơn 1.400 bệnh nhi đang nằm viện, trong đó có những bệnh nhi mồ côi, bị bệnh hiểm nghèo, có những đứa trẻ năm tháng lớn lên gắn liền với kim tiêm, dịch truyền. Có đứa trẻ ngày mai phải đối mặt với ca mổ mà chưa tiên lượng được ngày dài phía trước. Nhiều bé da xanh rờn, tay chân khẳng khiu, duy chỉ có ánh mắt trong veo, sáng ngời, bừng lên một sức sống diệu kỳ. Có em mới 4 - 5 tuổi mà đã trải qua 3 - 4 cuộc phẫu thuật, có em mới vài ngày tuổi mà trớ trêu thay, những cuộc đại phẫu đang chờ đón phía trước. Và ung thư - căn bệnh quái ác đã hành hạ không ít số phận trẻ thơ, để các em phải chịu đớn đau, bất hạnh, làm bầm gan tím ruột cả người thân.
Nhiều em cả tháng, cả năm ròng nằm viện, ước mơ giản dị nhân Tết Trung thu ắt cũng khó thành hiện thực nếu không có những nhà hảo tâm ấy gieo tình thương, gặt niềm vui con trẻ. Một “Trung thu hồng” được tổ chức tại BV Nhi T.Ư đã cho các em được ngắm vầng trăng tròn, tưởng tượng hình ảnh của chị Hằng Nga, chú Cuội, được chạy tung tăng trong sân rước đèn ông sao, vui múa lân, múa sư tử.
Ngày Chủ nhật (1/10) là một ngày đáng nhớ của các em, những phòng bệnh ngập niềm vui và không khí của Tết Trung thu. Đó là liều thuốc tinh thần để các em bớt đi sự đớn đau, mệt mỏi, tiếp thêm nghị lực, hy vọng cho cả người thân có con phải nằm viện... Chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện” lần này đặc biệt hơn bởi một không khí Trung thu tràn ngập BV, “Trung thu hồng” lần thứ 5 được tổ chức sáng cùng ngày dường như cũng thiêng liêng, ấm áp hơn. Ở đó, các em được phá cỗ, trông trăng, được nhận những phần quà, suất cơm miễn phí.
Đang điều trị tại phòng số 1205, Khoa Thần kinh, tầng 12, BV Nhi T.Ư, bé Đặng Thị Thùy Vân (4 tuổi, Hà Tĩnh) háo hức muốn ra ngoài sân chung vui cùng các bạn, nhưng ngày mai, bé phải mổ bóc u nang. Nhiều ngày chiến đấu cùng bệnh tật, bé đã quá mệt mỏi, không muốn ra ngoài nên đành ngắm màn múa lân qua ô cửa sổ. Chị Đặng Thị Lam – mẹ cháu Vân nhìn ánh mắt con sáng lên khi chứng kiến các bạn nhỏ vui Trung thu ngoài sân mà mắt rớm lệ: “Con đau lắm, mệt lắm, nhưng ngoan vô cùng, không khóc mè nheo, không đòi quà. Dường như con hiểu được thân phận mình…”.
Còn bé Lê Văn Minh Tuấn, bị hẹp cuống thận, đã nằm viện 12 ngày nay tại Khoa Thận Tiết niệu, ngày mai bé phải lên bàn mổ. Vì con háo hức quá, nên mẹ đành cho ra ngoài phá cỗ Trung thu. “Chưa biết ca mổ thế nào, chị ạ. Hy vọng mọi điều tốt lành, cho con tai qua nạn khỏi”, mẹ của em nét mặt chùng xuống. Ở sân BV hôm qua, nhiều phụ huynh vừa bế con xuống sân, vừa mang theo chai dịch truyền, có cả những đứa bé băng bó đầy tay, chân, cầm đèn ông sao chạy tung tăng sân viện.
Sáng lên niềm hy vọngCũng với ý nghĩa mang lại ngày Trung thu vui vẻ cho các bệnh nhi, chương trình “Trung thu cho em” của BV K (Tân Triều) đã thu hút hàng trăm bệnh nhi và gia đình có mặt từ rất sớm. Ánh mắt sáng lấp lánh, nụ cười trong veo, không ai nghĩ em Đào Hoàng Nam (Phú Thọ) đang mang trong mình căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Chị Phan Thị Thêm, mẹ Nam vừa lau nước mắt vừa kể: “Từ khi phát hiện con bị ung thư năm học lớp 7, vợ chồng tôi bắt đầu cùng con trong cuộc hành trình chiến đấu giành lại sự sống. Mọi đồ đạc quý giá trong nhà đều đã bán hết để có tiền chữa bệnh cho con”. Vất vả, vợ chồng chị chịu được, dù có phải tiếp tục vay mượn thì gia đình cũng cố lo, nhưng chị chỉ sợ, rồi mai đây bệnh tình của con chưa biết thế nào, sự sống có kèo dài thêm hay không. Nghĩ đến ngày Trung thu, chị Thêm lại ứa nước mắt: “Mỗi lần ra ngoài mua đồ đùng cho cháu, thấy phố xá bày bán bánh Trung thu, lồng đèn, tôi lại xót xa nghĩ đến hoàn cảnh của cháu. Năm nào cũng vậy, tôi vẫn mua lồng đèn và đồ chơi cho cháu nhưng cháu chỉ có thể chơi trong khuôn viên BV, không thể ra ngoài vì còn phải truyền hóa chất”. Thương bố mẹ, thương em nên dường như Nam mạnh mẽ hơn. Mỗi đợt điều trị hóa chất kéo dài 14 - 20 ngày nhưng cậu bé không một lời kêu than. “Em muốn được sống để thực hiện ước mơ làm chiến sĩ công an. Em sẽ cố gắng vì bản thân và bố mẹ. Em muốn được đón một Trung thu ở nhà, được vui chơi cùng các bạn trong xóm, lâu rồi em chưa được về nhà”, giọng Nam buồn bã.
|
Các cháu chơi trò tô tượng. Ảnh: Bảo Ngọc |
Khuôn mặt xinh xắn, bé Phan Thị Minh Hằng, 7 tuổi (hiện đang điều trị tại Khoa Nhi, BV K) mang căn bệnh ung thư xương. Đôi mắt em sáng lấp lánh khi nói về ước mơ được cùng thầy cô và những người bạn học cùng lớp 1 được đón Trung thu. Nhưng năm nay, đôi chân của em không còn nguyên vẹn, em đã bị cắt một chân rồi, không thể chạy nhảy, múa lân, rước đèn Trung thu như các bạn nhỏ. “Mẹ bảo nếu cắt một chân con sẽ khỏi bệnh, khỏi bệnh rồi con sẽ được đi học. Nhất định năm sau, con sẽ lại được đón Trung thu tại nhà mình, được vui cùng các bạn”, những lời chia sẻ của em khiến chúng tôi không thể cầm lòng.
Rời BV K, chúng tôi đến BV Huyết học Truyền máu T.Ư, và chứng kiến nhiều nỗi đau, sự bất hạnh của em nhỏ nằm viện, chứng kiến cả một Trung thu ấm áp dành cho những số phận không may mắn ấy. Là một trong những bệnh nhi được nhận quà Trung thu tại BV, cháu Nguyễn Thị Thu Linh (Nghệ An) cho biết: “Mọi năm Trung thu cháu vẫn được ở nhà chơi với các bạn, năm nay phải đón Trung thu trong BV. Nhưng, cháu cũng thấy vui khi vẫn nhận được quà Trung thu từ các cô chú”. Cha mẹ của Linh cũng không giấu nổi sự xúc động khi nhận được món quà của các nhà hảo tâm dành cho con mình trong dịp đặc biệt này. Cũng như cháu Linh, hơn 400 em nhỏ khác cùng chung hoàn cảnh, dù không mong muốn phá cỗ trông trăng ở một nơi đặc biệt thế này, nhưng những gì BV cùng tấm lòng thiện nguyện mang lại cũng đã làm vơi đi phần nào nỗi đau bệnh tật của các em. Những chùm bóng bay, chiếc đèn ông sao treo lửng lơ bên giường bệnh, cạnh chiếc bình truyền hóa chất, những lọ thuốc và giọt nước mắt ngậm ngùi của cha mẹ, là điều chúng tôi chứng kiến tại Viện Huyết học Truyền máu T.Ư.
Nhờ chương trình Trung thu ấm áp, ký ức của các bé không còn là buồng bệnh, đơn thuốc dài dằng dặc, mũi kim tiêm nhói da nhói thịt…, mà có cả những kỷ niệm đẹp của ngày Trung thu vui vẻ, ấm áp, đầy màu sắc.
Chia tay các em, hình ảnh những cái đầu không còn tóc, "chú lính chì" chống nạng lên nhận quà, những em bé chỉ còn một mắt, một tay… vẫn còn ám ảnh mãi trong tôi. Hy vọng, dù đã mất đi một phần cơ thể, dù phải đối mặt với tháng năm dài nằm viện, ước mơ giản dị của các em “con sẽ được về nhà, sẽ được đi học” sẽ trở thành hiện thực.