Mua vàng miếng ở đâu?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ ngày 10/1/2013, những doanh nghiệp, tổ chức tín dụng không có giấy phép kinh doanh, mua bán vàng miếng do NHNN cấp sẽ không được phép thực hiện kinh doanh mua, bán vàng miếng. Cả nước chỉ còn 2.497 điểm được phép mua bán vàng miếng thay vì hàng chục nghìn điểm trước đây.

 Vì sao?
Thói quen tích trữ vàng của người dân, cộng với các yếu tố đầu cơ, lũng đoạn thị trường làm cho tình trạng vàng hóa càng thêm trầm trọng. Nếu Nhà nước không quản lý được thị trường vàng, tình trạng vàng hóa sẽ ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ và gây mất ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, gây mất ổn định tỷ giá. Chưa kể, thay vì dồn vốn vào sản xuất kinh doanh, người dân lại đổ xô tích trữ vàng sẽ gây lãng phí nguồn vốn trong xã hội.
 
Mua vàng miếng ở đâu? - Ảnh 1
Trước nay các điểm giao dịch, mua bán vàng miếng trải “mành mành” khắp nơi, không ai chịu trách nhiệm quản lý, giám sát, theo dõi về chất lượng vàng miếng. Nay các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm khi mua bán vàng miếng với người dân và doanh nghiệp khác. Mua bán vàng tại các đơn vị đã được cấp phép sẽ an toàn cho người mua với yên tâm mua được vàng miếng SJC chất lượng, không lo vàng giả, vàng nhái, vàng không đủ tuổi. Khi mua bán vàng người mua nên yêu cầu các công ty vàng, ngân hàng xuất hóa đơn, trong đó ghi rõ số xêri để có thể khiếu nại nếu phát sinh sự cố.
Còn nếu cố tình mua bán ở những tiệm vàng không được cấp phép sẽ rất rủi ro vì nếu cơ quan chức năng phát hiện sẽ xử phạt cả tiệm vàng lẫn người mua, bán với mức phạt rất cao vì từ ngày 10-1 mua bán vàng miếng được xem như mua bán ngoại tệ. Cụ thể, cửa hàng nào không có giấy phép kinh doanh vàng miếng mà vẫn mua bán vàng miếng sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng.
 
Khi mạng lưới các điểm kinh doanh vàng miếng được cấp phép đi vào hoạt động, Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia điều tiết cung - cầu, gián tiếp tác động đến giá nếu có biến động bất hợp lý để thị trường ổn định. Thiết lập và đưa hệ thống kinh doanh vàng vào khuôn khổ là điều hết sức cần thiết để Ngân hàng Nhà nước thu được thuế và khách hàng có thể mua bán ở những nơi được Nhà nước đảm bảo. Đã hết thời buôn vàng dễ như buôn rau.
  Vàng trang sức "lên ngôi"hay những "chiêu" lách luật
Trên thế giới, vai trò tiền tệ của vàng từ lâu đã được coi trọng. Trong bối cảnh đồng USD liên tục mất giá trong rổ tiền tệ thì giá vàng thế giới vẫn tăng phi mã. Nói cách khác, thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chỉ có vàng mới có đủ vai trò và trọng lượng làm thay đổi quy luật lệ thuộc vào đồng USD của các nền kinh tế mới nổi. Giá vàng thế giới tăng mạnh không những thể hiện giá trị của vàng mà còn cho thấy vàng đang phục hồi lại chức năng tiền tệ vốn có của nó. Vai trò tiền tệ của vàng còn thể hiệu qua việc các ngân hàng trung ương có xu hướng tăng mua vàng dự trữ.
 
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), từ đầu năm 2011 đến nay, Ngân hàng Trung ương các nước đã mua vào 208,9 tấn vàng, riêng quý III/2011 đã mua 150 tấn vàng. Gần đây, các ngân hàng Trung ương châu Á liên tục dự trữ ngoại tệ bằng vàng. Đặc biệt là cú “gây sốc” từ Chính phủ Trung Quốc đột ngột cho công bố về trữ lượng dự trữ vàng của nước này đã tăng đột biến, cải thiện vị trí dự trữ vàng của họ từ thứ sáu với tổng lượng dự trữ lên tới gần 745 tấn.
Thực tế cho thấy 6 tháng chuẩn bị của cơ quan chức năng đã giúp thị trường không có nhiều xáo trộn. thị trường đang có những chuyển động để thích ứng với quy định mới. Nhiều cửa hàng vàng không được cấp phép kinh doanh vàng miếng đã nghĩ ra cách thông qua các điểm giao dịch của ngân hàng để hợp pháp hóa việc mua bán vàng. Khi khách hàng có nhu cầu mua, họ sẽ mua vàng của ngân hàng rồi bán lại.
  
Một số cửa hàng vàng tư nhân không được cấp phép kinh doanh vàng miếng đã không còn niêm yết giá vàng miếng SJC trên bảng hiệu. không trưng bày vàng miếng nhưng khách có nhu cầu thì vào bên trong giao dịch vẫn mua, bán khi có khách yêu cầu. Nếu là khách quen gọi điện thoại đến mua 2 lượng vàng, tiệm vàng này đã chốt giá 46 triệu đồng/lượng vào khoảng 12 giờ và có nhân viên giao tận nhà như thường lệ.
 
Cũng đã xuất hiện việc nhiều của hàng vàng đã thay biển hiệu thành cầm đồ hoặc thêm chức năng này trên biển hiệu kinh doanh. Bằng cách đăng ký thêm chức năng cầm đồ, tới đây nếu bị cơ quan chức năng “soi” thì có thể lấy lý do là cầm đồ chứ không phải mua bán vàng.
 
Tuy nhiên, phần lớn các cửa hàng vàng đã khá linh loạt khi chuyển hướng kinh doanh sang mặt hàng nhẫn trơn, hàng trang sức… đem lại nguồn thu lớn hơn vàng miếng và lại được mua bán tự do. Tại nhiều cửa hàng, giao dịch chủ yếu là vàng trang sức, đặc biệt là vàng nhẫn 4 số 9. Tuy nhiên, mặt hàng này khó có thể trở thành xu hướng sau ngày 10-1. Theo đại diện một doanh nghiệp lớn nhận định, tính thanh khoản của nhẫn tròn trơn không cao. Khách hàng mua nhẫn trơn tại doanh nghiệp nào thì chỉ có thể bán lại tại nơi đó mới được giá. Khi khách mang sang doanh nghiệp khác để bán, dễ nhận được câu trả lời rằng chất lượng chưa được họ kiểm định nên không thể thu mua.
 
Cũng trong ngày đầu giới hạn việc kinh doanh vàng miếng, phần lớn các cửa hàng nhanh nhạy đẩy hướng kinh doanh, mua bán nhẫn trơn ép trong vỉ. Loại nhẫn này giống hệt như nhẫn vàng trang sức nhưng được đóng gói trong bao bì, dán tem của nhà sản xuất, loại vàng này được giao dịch ngang bằng giá vàng miếng. Khách hàng chọn loại vàng nhẫn được đóng vỉ bởi họ cho rằng loại vàng này bảo quản tốt mà không sợ bị mất giá trị. Có thể nói đây là chiêu “lách luật” của các cửa hàng vàng để vẫn đảm bảo việc kinh doanh thông suốt mà không vi phạm luật.
 
Như vậy, khi quyết định chấm dứt gần 70% điểm giao dịch kinh doanh vàng miếng không đủ điều kiện nhằm thiết lập lại trật tự kinh doanh vàng miếng tại Việt Nam đã thấy nguy cơ về biến tướng mới trong hoạt động kinh doanh này.
 
Người dân mua vàng miếng ở đâu?
 
Dạo qua các các tuyến phố kinh doanh vàng như Trần Nhân Tông, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bông, Hàng Bạc, Hà Trung của Hà Nội những ngày này có thể thấy không khí giao dịch khá buồn tẻ. Tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu (29 Trần Nhân Tông), khung cảnh giao dịch không còn nhộn nhịp như mấy ngày trước, đa phần chỉ có khách hàng đến mua - bán vàng trang sức. Mọi năm vào thời điểm giáp Tết cổ truyền này việc mua, bán vàng miếng, vàng trang sức rất sôi động nhưng năm nay việc kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng tình hình kinh tế.
 
Mua vàng miếng ở đâu? - Ảnh 2
 
Từ hàng chục ngàn điểm kinh doanh vàng, từ ngày 10-1 cả nước sẽ chỉ còn 2.497 điểm được phép mua bán vàng miếng. Trong danh sách cấp phép của NHNN, ngoài những đơn vị đã quen tên như Công ty SJC, Công ty PNJ, Bảo Tín Minh Châu, DOJI..., có nhiều đơn vị dù được biết đến nhiều trong giới kinh doanh vàng nhưng lại mới lạ với đa số người dân. Do vậy rất khó để người dân xưa nay vốn chỉ mua bán ở cửa hàng vàng quen biết được các đơn vị này để mua bán hợp pháp.
 
Đến nay hầu như không có dấu hiệu phân biệt giữa các cửa hàng vàng được phép mua bán vàng miếng và các cửa hàng vàng còn lại cho dù NHNN yêu cầu các điểm giao dịch được phép phải dán công khai giấy phép trước quầy giao dịch để người dân nhận biết. Bởi vậy, nên có dấu hiệu phân biệt để người dân được biết, tránh trường hợp giao dịch của người dân vô tình trở thành giao dịch bất hợp pháp. Các cửa hàng vàng được cấp phép phải có chạy bảng chữ điện tử phía trước cửa hàng thông báo việc được NHNN cấp phép mua bán vàng miếng như Công ty PNJ đã chạy các bảng điện tử thông báo thực hiện mua bán vàng miếng để khách hàng được biết.
 
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, điều cần thiết là Ngân hàng nhà nước cần có cách chỉ rõ những điểm giao dịch kinh doanh vàng được cấp phép để người dân được biết, tránh thiệt hại không đáng có: “Trước hết, cần khẳng định Nghị định 24 và Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước với mục tiêu quan trọng nhất là chống vàng hóa trong thời gian tới là phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước. Tuy nhiên để đảm bảo được mục tiêu này và tránh hệ lụy tái sinh thì cần minh bạch quy định liên quan đến nội dung quản lý. Những đơn vị được cấp phép phải tránh hiện tượng lạm dụng buôn bán giấy phép cho đơn vị khác làm quay trở lại tình trạng cũ.Về nguyên tắc, NHNN cũng cần có công bố, cáo bạch công khai thông tin cũng như dán thông tin tại các cửa hiệu ngân hàng được phép kinh doanh vàng thương hiệu. Đặc biệt phải thông tin rõ quyền lợi trách nhiệm của các bên liên quan trong buôn bán, kinh doanh cung ứng hoạt động này và các chế tài cần hoạch định từ bây giờ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.