Mục đích chiến lược của ông Trump khi quyết mua hòn đảo Đan Mạch

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với vị trí chiến lược, hòn đảo tự trị Greenland đang thu hút quan tâm không chỉ của Mỹ mà còn cả Trung Quốc.

Tổng thống Donald Trump vừa tái khẳng định mối quan tâm tới hòn đảo Greenland của Đan Mạch, với lý do "về cơ bản, đó là một thỏa thuận bất động sản lớn".

Trao đổi với báo giới ở Morristown, New Jersey, Tổng thống Mỹ khẳng định việc sở hữu Greenland là thỏa thuận “tốt đẹp” đối với Mỹ từ góc độ chiến lược.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận quan tâm tới hòn đảo của Đan Mạch.

Thông tin ông Trump quan tâm tới việc mua hòn đảo Greenland, thuộc một phần lãnh thổ Đan Mạch đã được Nhật Báo Phố Wall đưa tin lần đầu hồi tuần trước. Sau đó, tờ Washington Post dẫn 2 nguồn thạo tin cho biết, ông chủ Nhà Trắng đã đề cập đến ý tưởng này trong nhiều tuần và các trợ lý đang xem xét quyết định nghiêm túc.

Ông Trump dự kiến ​​sẽ có chuyến thăm Đan Mạch trong vòng hai tuần tới, tuy nhiên khẳng định sự kiện này không liên quan đến mối quan tâm với Greenland.

Ý tưởng của Tổng thống Mỹ đã bị các chính trị gia ở Đan Mạch chế giễu. Bộ Ngoại giao Greenland cuối tuần trước khẳng định, hòn đảo này không để bán.

"Greenland giàu tài nguyên quý giá như khoáng sản, nước, băng tinh khiết, là nguồn  hải sản, năng lượng tái tạo và cứ điểm mới cho du lịch mạo hiểm. Chúng tôi cởi mở với hoạt động kinh doanh, nhưng không phải để bán", theo Bộ Ngoại giao Greenland.  

Ngày 18/8, Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow đã xác nhận sự quan tâm của ông Trump đối với Greenland, lưu ý hòn đảo tự trị này có vị trí chiến lược.

Mặc dù nhiều giới chức Mỹ chế giễu ý tưởng này,một nhà lập pháp Dân chủ hôm 18/8 đã đã lên tiếng cởi mở xem xét. Thượng nghị sĩ Joe Manchin III, W.Va trao đổi với CBS rằng đang có nhiều thay đổi ở Greenland do biến đổi khí hậu, và “những cư dân ở đó hiểu và đang cố gắng điều chỉnh”. Thượng nghị sỹ này cũng khẳng định Mỹ có một căn cứ quân sự rất chiến lược tại Greenland và gọi ý tưởng của ông Trump là "một đề xuất rất thú vị".

Ông Donald Trump không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên đề xuất mua Greenland. Cố vấn Kudlow hôm 18/8 cũng cho biết, sau Thế chiến II, chính quyền của Tổng thống Harry S. Truman đã đề nghị mua lại hòn đảo tự trị này từ Đan Mạch với giá 100 triệu USD. Quân đội Mỹ từng hiện diện ở Greenland trong chiến tranh như hàng rào bảo hộ trong trường hợp quân đội Đức tấn công.

Tình trạng băng tan do biến đổi khí hậu khiến khu vực này trở nên dễ tiếp cận hơn, trong khi Bắc Cực đang ngày càng thể hiện vai trò chiến lược. Trung Quốc từng tự tuyên bố là "quốc gia cận Bắc Cực" năm ngoái và có ý tưởng về một "con đường tơ lụa vùng cực", giúp hàng hóa Trung Quốc tìm tuyến vận chuyển mới bằng đường biển từ châu Á đến châu Âu.

Gần đây Trung Quốc cũng đã tìm cách tài trợ cho việc xây dựng ba sân bay ở Greenland. Động thái của Bắc Kinh gây lo ngại khiến Lầu Năm Góc từng phải lên tiếng đề nghị Đan Mạch tự chi cho các cơ sở hạ tầng này thay vì dựa vào Bắc Kinh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần