Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hà Nội:

Mức thưởng học sinh giỏi cao nhất 300 triệu: Niềm mong mỏi thành hiện thực

Kinhtedothi – HĐND TP Hà Nội vừa thông qua nghị quyết về mức trần khen thưởng học sinh giỏi. Theo đó, mức thưởng cao nhất đối với học sinh giỏi tại các kỳ thi trong nước, quốc tế lên tới 300 triệu đồng. Đây là tin vui với ngành giáo dục Thủ đô.

Mức thưởng tăng 2-15 lần

Nghị quyết Quy định mức tiền thưởng đối với học sinh của TP Hà Nội đạt thành tích cao trong các cuộc thi, kỳ thi trong nước, quốc tế và giáo viên có thành tích đào tạo, bồi dưỡng học sinh đoạt giải cấp quốc gia, khu vực, quốc tế và giải Nhất cấp TP vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 20, HĐND TP Hà Nội. Theo đó, các mức thưởng cho học sinh tăng 2-15 lần, được chia theo lĩnh vực (môn văn hóa và khoa học kỹ thuật), cấp độ kỳ thi và loại giải.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương tặng hoa chúc mừng thành tích của 5 học sinh tại kỳ thi Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn (IOAA) 2024.

Cụ thể, học sinh đạt giải Nhất trong các kỳ thi Olympic quốc tế môn văn hóa được thưởng 300 triệu đồng. Các giải Bạc, Đồng, Khuyến khích lần lượt nhận 200, 150 và 100 triệu.

Mức thưởng dành cho học sinh đạt giải cấp khu vực và khoa học kỹ thuật quốc tế bằng nhau, từ 50 đến 200 triệu đồng. Ở cấp quốc gia và TP, tiền thưởng từ 10 đến 50 triệu đồng, riêng cấp TP chỉ thưởng giải Nhất.

Nếu học sinh đạt giải là người khuyết tật, dân tộc thiểu số, mức thưởng tăng 1,5-2 lần. Giáo viên trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng được thưởng 70% mức của học sinh. Nghị quyết có hiệu lực ngay sau khi được thông qua, kinh phí từ ngân sách thành phố.

Trước đó, trong đề xuất hồi tháng 7, UBND Hà Nội đề xuất mức thưởng cao nhất với huy chương Vàng quốc tế là 250 triệu đồng, cấp khu vực là 150 triệu. Như vậy, mức thưởng được HĐND TP thông qua đã tăng tới 50 triệu đồng so với mức đề xuất ban đầu.

Điểm khác nữa so với đề xuất là TP bỏ dự kiến thưởng 20-50 triệu đồng cho học sinh góp mặt tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia. Lý do là Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND cho rằng đây là chương trình truyền hình, không nằm trong hệ thống thi học sinh giỏi các cấp. Ngoài ra, học sinh thi Olympia đã nhận thưởng và học bổng từ nhà tài trợ.

Tạo động lực lớn cho giáo viên, học sinh

Đề xuất tăng tiền thưởng cho học sinh, giáo viên có thành tích cao được Sở GD&ĐT đề cập nhiều lần; cũng là mong muốn, trăn trở của Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương. Chục năm qua, Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Đơn cử, năm học 2023-2024, TP có 12 em đạt giải quốc tế, 184 giải học sinh giỏi quốc gia nhưng mức khen thưởng của TP rất khiêm tốn với mức cao nhất là 20 triệu đồng.

Ban Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội tặng hoa động viên các thí sinh, giáo viên đội tuyển Olympic Khoa học trẻ quốc tế (IJSO) 2024 tại lễ xuất quân.

Theo quy định của Chính phủ, học sinh giành huy chương Vàng Olympic quốc tế được thưởng 55 triệu, huy chương Bạc và Đồng lần lượt là 35 và 25 triệu đồng. Mức thưởng cho giải quốc gia tối đa 4 triệu đồng.

Ngoài khoản này, nhiều tỉnh, thành quy định mức thưởng riêng. Hiện Quảng Ninh chi thưởng cao nhất với mức 700 triệu đồng cho học sinh giành Huy chương Vàng Olympic quốc tế; tiếp đó là Hải Phòng, Bắc Ninh với mức thưởng 500 triệu đồng; Vĩnh Phúc thưởng 400 triệu đồng. Với việc tăng thưởng lên 300 triệu đồng, mức thưởng của Hà Nội bằng với Hải Dương và Thừa Thiên Huế, vươn lên tốp 5 cả nước về mức chi thưởng học sinh giỏi.

Chia sẻ về mức tiền thưởng vừa được thông qua, nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An – ngôi trường có truyền thống trên 100 năm tuổi với nhiều học sinh từng đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, Cuộc thi khoa học kỹ thuật cho biết: “Tôi rất vui vì thấy công tác giáo dục, đặc biệt là công tác đào tạo tài năng ngày càng được TP quan tâm, động viên. Với mức thưởng này, giáo viên, học sinh có thêm nguồn động lực để nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong dạy và học...”.

Là trường tư thục duy nhất của Hà Nội từng có học sinh tham dự, đạt giải tại kỳ thi Olympic Khoa học trẻ (IJSO) 2023 và năm nay tiếp tục có 2 thành viên lọt đội tuyển chính thức dự thi IJSO 2024 cùng 4 học sinh là thành viên đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, nhà giáo Hoàng Thị Mận, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Newton cũng bày tỏ niềm vui, sự đồng tình trước mức khen thưởng học sinh giỏi vừa được HĐND TP thông qua. “Mức thưởng này chắc chắn sẽ tạo bất ngờ và tăng động lực với nhóm học sinh mũi nhọn, trong đó có các học sinh Trường Newton”, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Newton cho biết.

Chị Minh Phạm, phụ huynh có con từng là thành viên đội Việt Nam tham dự giải thi học sinh giỏi quốc tế rất đồng tình với mức thưởng của TP vừa thông qua. Theo chị, mức thưởng này là niềm vui, là sự khích lệ rất lớn đối với học sinh, phụ huynh; trong đó có gia đình chị.

Em Nguyễn Mạnh Hùng, từng là thành viên đạt giải cao tại Kỳ thi Olympic Thiên văn và Vật lý thiên văn quốc tế (IOAA) 2022 cho hay, mức thưởng dành cho học sinh giỏi tăng lên sẽ là nguồn động viên và tạo động lực lớn cho học sinh; nhiều bạn sẽ có mong muốn mạnh mẽ hơn để tham dự đội tuyển, chất lượng giải thưởng tại các kỳ thi theo đó cũng được tăng lên.

Còn nhà giáo Chu Thị Xuân Hường - Hiệu trưởng trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai) chia sẻ, mức chi thưởng cao góp phần khuyến khích phong trào học tập, nâng cao thành tích mũi nhọn và chất lượng đội ngũ; giữ chân giáo viên giỏi, học sinh giỏi theo dạy/học tại các trường thuộc Hà Nội, đồng thời đẩy mạnh chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô.

 

Hiện, đoàn học sinh Hà Nội đại diện học sinh Việt Nam đang tham dự kỳ thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế (IJSO 2024) tại Rumani. Nếu đoàn đạt thành tích cao tại kỳ thi, thì đây sẽ là những học sinh, giáo viên đầu tiên được nhận mức khen thưởng TP vừa được thông qua. Là giáo viên lãnh đội đang cùng học sinh tham gia thi, cô Mai Thị Tình - giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chia sẻ: Tôi rất mừng khi nghị quyết về mức khen thưởng học sinh giỏi và giáo viên có thành tích đào tạo, bồi dưỡng được thông qua...".

 

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm quyền của giáo viên, học sinh

Bảo đảm quyền của giáo viên, học sinh

25 Jun, 04:45 AM

Kinhtedothi - Vấn đề dạy thêm, học thêm (DTHT) một lần nữa làm nóng tại nghị trường Quốc hội. Đề cập giải pháp quản lý hoạt động này, Bộ GD&ĐT tiếp tục nêu đề xuất đưa dạy thêm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Dư luận đồng thuận cho rằng phải quản lý tốt việc DTHT tránh tràn lan, gây hệ lụy lâu dài cho xã hội và nâng cao chất lượng giáo dục

Bỏ tỷ lệ 40% học sinh THCS vào trường nghề: càng sớm càng tốt

Bỏ tỷ lệ 40% học sinh THCS vào trường nghề: càng sớm càng tốt

24 Jun, 05:45 AM

Kinhtedothi - Kỳ thi vào lớp 10 hàng năm áp lực, căng thẳng, được đánh giá là "khó hơn thi vào đại học". Vậy nên, dư luận, phụ huynh, học sinh đều bày tỏ sự đồng tình rất lớn với đề xuất của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về việc xem xét bỏ tỷ lệ 40% học sinh THCS vào trường nghề để sớm chấm dứt kỳ thi kinh hoàng vào lớp 10.

Để chính sách đi đường dài

Để chính sách đi đường dài

18 Jun, 06:04 AM

Kinhtedothi - Chính sách miễn, hỗ trợ học phí là bước tiến dài trên hành trình bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục công bằng, toàn diện cho mọi người dân. Vui mừng, háo hức, muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện là điều ai cũng muốn nhưng vẫn còn đó không ít trăn trở, đòi hỏi phải có sự cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng.

Nhân văn và công bằng

Nhân văn và công bằng

13 Jun, 04:37 AM

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội dự kiến chi hơn 3.000 tỷ đồng hỗ trợ bữa ăn bán trú cho khoảng 768.000 học sinh tiểu học cả công lập và tư thục trong năm học 2025 - 2026. Chính sách này không chỉ thể hiện sự quan tâm thiết thực của TP đối với học sinh mà còn nhận được sự đồng thuận từ đông đảo phụ huynh và Nhân dân Thủ đô.

Tạo cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp

Tạo cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp

28 May, 05:39 AM

Kinhtedothi - Chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Trần Thanh Bình đánh giá, Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực, đi vào cuộc sống, đã tạo nhiều điều kiện, hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ