Bài cuối: Tăng tuyên truyền, thay chủ đầu tư yếu kém
Đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội kiểm tra trạm cấp nước sạch thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng). Ảnh: Linh Chi |
Hạn chế nhận thức, thiếu niềm tin
Tại huyện Phú Xuyên, Công ty CP Nước sạch Hà Nam đã triển khai xong 100% đường ống cho xã Minh Tân nhưng mới có 120 hộ dùng nước; nhu cầu tại nhiều xã chỉ khoảng 40.000 đồng/hộ/tháng. Tại Ba Vì, một số xã, thị trấn thậm chí được đầu tư mạng lưới, các hộ đã lắp đồng hồ nhưng tỷ lệ dùng nước rất thấp, chỉ khoảng 1 - 2m3/hộ/tháng.
Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở Xây dựng nghiên cứu cụ thể, báo cáo trình UBND TP về cơ chế giao các DN vừa làm CĐT xây dựng công trình cung cấp nước sạch cho khu vực nội thành vừa cung cấp cho khu vực nông thôn để có cơ chế bù giá chéo (lấy phần kinh doanh của khu vực nội thành bù đắp cho toàn bộ phần kinh doanh của khu vực nông thôn), mới đảm bảo được yêu cầu về khung giá nước sạch cho khu vực nông thôn. Phó Giám đốc Sở Tài chính Mai Xuân Vinh |
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết, người dân nhiều xã chưa ý thức được tầm quan trọng của nước sạch với sức khỏe nên vẫn dùng được nước giếng khoan, nước mưa để tắm giặt, còn nước máy chỉ để nấu ăn. Cũng do nhận thức hạn chế của người dân, một số chủ đầu tư (CĐT) đang rất khó khăn trong đầu tư thi công mạng cấp nước. Phó Giám đốc Công ty CP Ao Vua Nguyễn Minh Phương phản ánh: Tại một số xã của Ba Vì mà DN đang thử nghiệm vừa thi công đường ống vừa cho các hộ dùng thử nước, lượng nước dùng rất thấp. Như thôn Vân Trai (thị trấn Tây Đằng) có 212 hộ lắp đồng hồ nhưng DN chỉ thu hơn 500.000 đồng/tháng.Hơn nữa, công tác tuyên truyền lắp đồng hồ nước càng khó khăn bởi chưa có hướng dẫn cụ thể việc các hộ được khấu trừ chi phí này vào tiền nước ra sao. Hiện Công ty CP Ao Vua lắp đồng hồ giá 2,2 triệu đồng/chiếc, người dân thắc mắc rất nhiều, nên DN đề nghị HĐND có văn bản hướng dẫn cụ thể lộ trình để khấu trừ tiền hàng tháng khi DN lắp đồng hồ đến các hộ dân. Từ đó, DN có cơ sở trả lời người dân. "Nếu không tạm thu được, DN sẽ không đủ vốn để thi công”- Phó Giám đốc Công ty CP Ao Vua Nguyễn Minh Phương chia sẻ. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Chi, nhiều người dân chưa mặn mà với nước sạch không chỉ do băn khoăn về khoản thu tiền lắp đồng hồ mà còn do vẫn e ngại về chất lượng nước. Thực tế nhiều trạm nước nông thôn đã được giao cho DN quản lý vận hành từ lâu song DN chưa chú trọng đầu tư công nghệ mới, công khai kết quả kiểm nghiệm. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cốt lõi hiện nay là giải bài toán “niềm tin” trong Nhân dân về chất lượng nước được cung cấp, minh bạch các chỉ số kiểm định.
Quyết liệt thực hiệnTrước thực tế nhiều dự án chậm trễ, lãnh đạo các huyện cho biết đang đẩy mạnh khuyến khích nhiều thành phần kinh tế đầu tư khai thác, kinh doanh công trình, dịch vụ cấp nước; chỉ đạo các xã vận động người dân ủng hộ việc thi công hệ thống, lắp đồng hồ nước nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, bớt chi phí lọc rửa khi dùng giếng khoan. Song, một số huyện cũng đề nghị TP có cơ chế ưu đãi kêu gọi nhà đầu tư sớm tiếp nhận các dự án nước sạch. Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho rằng, TP cần điều chỉnh giá mua nước đầu vào để hỗ trợ CĐT. Đặc biệt, tại những vùng nông thôn, đời sống Nhân dân nhiều khó khăn, chính quyền địa phương đề nghị TP hỗ trợ về giá bán nước sạch. Khảo sát vừa qua tại một số huyện, Đoàn giám sát của Ban Đô thị HĐND TP kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở sớm rà soát các dự án để tạo điều kiện cho CĐT thực hiện theo kế hoạch. Về phía huyện, cần chủ động phối hợp tuyên truyền tới người dân - là giải pháp đặc biệt quan trọng, vì thực tế nhiều người dân nông thôn muốn dùng nước sạch nhưng tâm lý chưa sẵn sàng.
Qua công tác giám sát, Đoàn giám sát của Ban Đô thị HĐND TP kiến nghị UBND TP cần tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp kêu gọi nhà đầu tư tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực nước sạch tại những khu vực khó có khả năng tiếp cận nguồn nước sạch tập trung tại một số xã thuộc huyện Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thạch Thất; giao Ban Quản lý dự án Cấp nước, thoát nước và môi trường TP nghiên cứu phương án đảm bảo cấp nước cho người dân những khu vực này. |
UBND huyện cũng cần tích cực kêu gọi nhà đầu tư vào dự án, đẩy nhanh tiến độ tại những xã chưa có trạm cấp nước; tạo điều kiện thủ tục, mặt bằng, an ninh cho DN thi công hệ thống cấp nước. Đoàn cũng sẽ sớm kiến nghị có hướng dẫn cụ thể cho DN về đơn giá bồi thường GPMB. Riêng với khó khăn của DN trong vận động người dân dùng nước sạch, Ủy viên Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Minh Đức đề xuất có chính sách cụ thể cho công tác cấp nước sạch, trong đó kinh phí lắp đồng hồ nên áp dụng mô hình Nhà nước - DN - người dân cùng tham gia. Theo Trưởng ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân, tiến độ nhiều dự án nước sạch rất chậm, nếu không có cố gắng cao của cả hệ thống thì các dự án khó hoàn thành đúng cam kết. Quan trọng nhất là CĐT sớm có kế hoạch rõ ràng; tăng nguồn lực để thi công vượt tiến độ; chủ động phối hợp với xã sở tại. “Nếu các DN vẫn chậm trễ, chúng tôi sẽ kiến nghị TP thay nhà đầu tư khác đủ năng lực đảm nhiệm dự án. Cấp nước sạch là một chủ trương rất lớn của TP, nên DN đã cam kết thì phải quyết tâm thực hiện, Ban sẽ tái giám sát” - ông Quân khẳng định và nêu rõ: Quy định chi phí lắp đồng hồ nước do DN chịu, song TP đã thống nhất cho DN tạm thu của người dân cho hợp lý và trừ dần vào tiền nước của họ; các sở liên quan cần tham mưu có mức thu thống nhất toàn TP. Đặc biệt, các DN cần quyết liệt hơn trong thực hiện chủ trương của TP về lắp đặt công nghệ lọc; thực hiện ngay biện pháp kỹ thuật, công khai chỉ số nước, cùng xã làm tốt quy trình quản lý vận hành các trạm... mới tạo được niềm tin nơi người dân.