Mục tiêu đầy tham vọng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà đàm phán từ 193 thành viên Liên Hợp quốc (LHQ) đã nhất trí về kế hoạch dự thảo chi tiết cho phát triển bền vững tới năm 2030 và thỏa thuận lịch sử này sẽ định hình cách thức cộng đồng quốc tế hợp tác để vừa chống nghèo đói, cải thiện mức sống vừa bảo vệ môi trường.

Kế hoạch này dự kiến sẽ được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh của LHQ ở New York (Mỹ) vào tháng tới.
Một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Chương trình Phát triển Bền vững 2030 kêu gọi các quốc gia cùng người dân tôn trọng và bảo vệ hành tinh, đồng thời công nhận việc quản lý tốt tài nguyên tự nhiên là nền tảng cho phát triển kinh tế và xã hội. Văn bản dự thảo này vạch ra 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) từ các vấn đề như nghèo đói, bình đẳng giới và phát triển kinh tế cho đến biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên biển. Trước khi 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) chuẩn bị về đích vào cuối năm 2015, các cuộc đàm phán của LHQ nhằm đưa ra các mục tiêu phát triển bền vững thay thế cho MDGs đã được tổ chức từ vài năm trước. Số lượng mục tiêu và nội dung tiêu chí của SDGs hơn hẳn MDGs cho thấy tầm nhìn đầy tham vọng của các nhà lãnh đạo toàn cầu. Theo đó, dù tuyên chiến với đói nghèo, 190 quốc gia thành viên của LHQ vẫn đặt mục tiêu phải nâng cao mức sống của người dân, đảm bảo bình đẳng giới, phát triển kinh tế song hành với chống biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên biển. Điều đáng nói là thay vì đơn phương nỗ lực thực hiện các MDGs như trước, những nước ký cam kết thực hiện SDGs sẽ phải hợp tác  với các quốc gia khác nhằm hỗ trợ các nỗ lực đảm bảo phát triển bền vững trên toàn cầu.

Mặc dù chiến lược và mục tiêu phát triển của mỗi thành viên LHQ là không giống nhau, xuất phát điểm của các quốc gia cũng rất khác nhau nên có thể nói dự thảo SDGs đang là một chương trong những chương trình nghị sự toàn cầu gây tranh cãi nhất. Tuy nhiên, một khi được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh của LHQ vào tháng 9 tới, SDGs sẽ mở ra một kỷ nguyên mới của sự phát triển bền vững trong đó đói nghèo sẽ bị tận diệt, nhường chỗ cho sự ổn định, thịnh vượng chung. Là quốc gia có nhiều mục tiêu MDGs về đích sớm như giảm tỷ lệ hộ nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, bảo vệ môi trường…, cộng đồng quốc tế tin tưởng rằng, kinh nghiệm và cách thức kết hợp hiệu quả giữa chính sách - nguồn lực sẽ giúp Việt Nam tiếp tục hoàn thành SDGs.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần