Mục tiêu năm 2035, bình quân GDP đạt 18.000 USD/người

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam cần có sự thay đổi, cải cách gắn với 6 chuyển đổi thể hiện theo 3 trụ cột chính để có thể trở thành một nước phát triển cao. Đây là một trong những nội dung được Chính phủ, Ngân hàng thế giới và nhóm các chuyên gia trong ngoài nước thống nhất trong “Báo cáo Việt Nam 2035” chính thức được công bố sáng nay 23/2. Sáng nay, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo Việt Nam 2035 với sự tham dự của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim và các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Kinhtedothi - Việt Nam cần có sự thay đổi, cải cách gắn với 6 chuyển đổi thể hiện theo 3 trụ cột chính để có thể trở thành một nước phát triển cao. Đây là một trong những nội dung được Chính phủ, Ngân hàng thế giới và nhóm các chuyên gia trong ngoài nước thống nhất trong “Báo cáo Việt Nam 2035” chính thức được công bố sáng nay 23/2.

Sáng nay, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo Việt Nam 2035 với sự tham dự của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim và các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

 
Mục tiêu năm 2035, bình quân GDP đạt 18.000 USD/người - Ảnh 1
Lễ công bố Báo cáo "Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ"
Báo cáo "Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ" là sáng kiến chung của Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch World Bank - ông Jim Yong Kim chấp thuận vào tháng 7/2014. 

Đến năm 2035, Việt Nam kỳ vọng trở thành một nền kinh tế hiện đại, công nghiệp hóa, tăng trưởng toàn diện vì lợi ích của toàn xã hội và bền vững về môi trường, dựa trên nền tảng ổn định về quản trị nhà nước tốt và các thể chế có sự tham gia của người dân. Thông qua quá trình phát triển đầy thử thách từ khi sau Đổi mới, Việt Nam đã cho thấy triển vọng thực tế để có thể đạt được lộ trình này. Thành công của Việt Nam phụ thuộc vào tầm nhìn táo bạo và các hành động cải cách chính sách và cải cách thể chế đi kèm, đặc biệt là trong vòng 5-10 năm tới.

Báo cáo ghi nhận, chặng đường cải cách 30 năm qua đã thu được nhiều thành công. Khát vọng phát triển đất nước trong 20 năm tới rất lớn lao nhưng thách thức phải vượt qua cũng vô cùng lớn. Các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện 6 chuyển đổi quan trọng để trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình cao.

Cụ thể, trước hết là hiện đại hóa nền kinh tế đồng thời với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân. Hai là phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm. Ba là nâng cao hiệu quả của quá trình đô thị hóa, tăng cường kết nối giữa các thành phố và vùng phụ cận. Bốn là phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm là đảm bảo công bằng và hòa nhập xã hội cho các nhóm yếu thế cùng với sự phát triển của xã hội trung lưu. Sáu là xây dựng một Nhà nước pháp quyền hiện đại với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập và xã hội dân chủ phát triển ở trình độ cao.

“Mục tiêu đặt ra cho năm 2035 là GDP bình quân đầu người đạt tối thiểu 18.000 USD, Việt Nam không chỉ nhằm tới mục tiêu phải giàu hơn, mà quan trọng hơn là đất nước Việt Nam phải độc lập, phải hòa bình, người Việt Nam phải được sống trong một xã hội an lành, đầy tình người và văn hóa”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ công bố. 

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt thời cơ và thách thức, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào thế giới, buộc phải đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chương trình cải cách gắn với 6 chuyển đổi trên được xây dựng trong báo cáo thể hiện theo 3 trụ cột chính: Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước. 

Tại bản báo cáo công phu dày 130 trang này, các chuyên gia nhận định với mục tiêu đặt ra tăng trưởng GDP bình quân đầu người đạt 7%/năm, Việt Nam có cơ hội trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 như Malaysia hiện nay và Hàn Quốc vào giữa thập niên đầu của thế kỷ 21.”Báo cáo sẽ là những tài liệu quan trọng giúp VN đạt được những thành tựu lớn lao hơn nữa trong những năm tới, để đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, với mức thu nhập trung bình cao vào năm 2035” - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim phát biểu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần