Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Nhập khẩu hàng hóa Mỹ

Mũi tên trúng nhiều đích

Kinhtedothi - Việt Nam đang nỗ lực cải thiện cán cân thương mại Việt - Mỹ thông qua các hợp đồng mua hàng hóa từ nước bạn. Việc này không đơn thuần chỉ là biện pháp thích ứng tạm thời với chính sách thuế của Mỹ, mà còn thể hiện sự kiên trì theo đuổi mục tiêu xây dựng quan hệ thương mại song phương cân bằng, bền vững của Chính phủ và cộng đồng DN Việt.

Tăng nhập hàng Mỹ để kéo giảm thuế quan

Tốc độ nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ đã có sự chuyển biến rõ rệt trong những tháng đầu năm 2025. Theo số liệu thống kê Cục Hải quan (Bộ Tài chính) tháng 4/2025, Việt Nam chi 1,57 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, tăng gần 40,2% so với tháng 4/2024. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ đạt 5,7 tỷ USD, tăng gần 26% so với cùng kỳ, tương đương kim ngạch tăng 1,16 tỷ USD. Nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất từ Mỹ là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, với kim ngạch đạt 1,82 tỷ USD, tăng 58,26%. Cùng với đó, nhiều nhóm hàng khác đạt kim ngạch hàng trăm triệu USD như: bông các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; chất dẻo nguyên liệu; thức ăn gia súc và nguyên liệu; rau quả…

Bộ Công Thương dự báo, nhập khẩu hàng hóa Mỹ sẽ tăng mạnh trong những tháng tới, khi hàng loạt DN lớn đang triển khai các phương án để nhập khẩu hàng Mỹ, rút ngắn khoảng cách về chênh lệch thương mại. Minh chứng là tại buổi làm việc (ngày 7/5) giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về thương mại với Mỹ với các tập đoàn, DN lớn như: VNPT, EVN, TKV, Vietnam Airlines, Vietjet, Thaco Industry, Viettel, PVN, Petrolimex, PV Gas... đều khẳng định, từ nay tới tháng 6/2025 sẽ tăng cường gặp gỡ, làm việc với các đối tác Mỹ để thúc đẩy sớm hiện thực hóa các thỏa thuận và biên bản ghi nhớ đã ký kết. Các DN kỳ vọng vào cuộc đàm phán nhằm sớm kéo giảm thuế quan, tạo cơ hội thúc đẩy giao thương và hợp tác kinh tế hai nước.

Người tiêu dùng chọn mua hàng nhập khẩu tại siêu thị Winmart Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Thời gian qua, các tập đoàn, DN này đã nhập khẩu nhiều sản phẩm như: máy bay, máy móc, trang thiết bị, turbin cho nhà máy điện khí, hệ thống truyền tải điện, chip GPU… trị giá nhiều tỷ USD từ Mỹ, phục vụ cho các dự án đầu tư. Đơn cử, ngày 9/4 vừa qua, Vietjet và AV AirFinance vừa ký kết thỏa thuận hợp tác tổng trị giá 300 triệu USD. Vietjet đang hợp tác chiến lược với nhiều tập đoàn hàng đầu Mỹ tổng giá trị hợp đồng gần 50 tỷ USD, cùng các dự án đang đàm phán sâu trị giá khoảng 14 tỷ USD. Cùng ngày, Vietnam Airlines và Citibank (một trong những tổ chức tài chính hàng đầu của Mỹ) đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về cam kết tài trợ vốn trị giá từ 560 triệu USD trở lên cho các dự án đầu tư chiến lược của Vietnam Airlines. Vietnam Airlines đang đặt mục tiêu khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà cung cấp máy bay, đàm phán ký kết hợp đồng mua máy bay trong nửa đầu năm 2025.

Trích dẫn
Trích dẫn 1

Thời gian tới, Việt Nam sẽ mua hàng Mỹ nhiều hơn. Các mặt hàng đang được nhắm đến, gồm: trực thăng, máy bay, năng lượng, thiết bị điện… Tuy nhiên, tiến trình đàm phán các hợp đồng này vẫn còn nhiều điểm chưa thuận lợi. Do vậy, Chính phủ và các bộ, ngành cần tập trung gỡ vướng các quy định trong phát triển thị trường cho DN. Ngoài ra, cần nghiên cứu kinh nghiệm chính sách kích cầu tiêu dùng từ các nước bạn như Trung Quốc, Thái Lan…

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam hiện có nhu cầu mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, dịch vụ từ Mỹ với số lượng lớn, giá trị cao và ổn định. Đây đều là những sản phẩm Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu. Tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế Việt Nam và Mỹ là đặc điểm quan trọng, giúp cho hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển. Để đẩy nhanh hợp tác, trao đổi thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất với đại diện Thương mại Mỹ về việc Việt Nam và Mỹ cần khẩn trương rà soát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong việc mua bán các sản phẩm thiết yếu, bổ sung nhu cầu hàng hóa của nhau.

Nỗ lực hài hòa cán cân thương mại

Việt Nam đã và đang nỗ lực cải thiện cán cân thương mại với Mỹ thể hiện qua sự thiện chí và hành động của Chính phủ. Ngày 31/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng. Theo đó, hàng loạt các mặt hàng được giảm thuế nhập khẩu như ô tô, cherry, táo, nho khô, gỗ, ethanol… trong đó có nhiều sản phẩm xuất xứ Mỹ. Kế hoạch giảm thuế một số mặt hàng nhập khẩu là một phần quan trọng trong nỗ lực của Chính phủ nhằm thúc đẩy nhập khẩu sản phẩm từ Mỹ vào Việt Nam, góp phần giảm thặng dư thương mại giữa hai nước. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, dự kiến danh sách các mặt hàng Mỹ được giảm thuế sẽ còn gia tăng qua đàm phán.

Giới chuyên gia nhận định, việc gia tăng lượng hàng hóa Mỹ nhập về Việt Nam nhờ tạo thuận lợi thương mại, cắt giảm thuế quan sẽ giúp người tiêu dùng được tiếp cận nguồn hàng chất lượng tốt, giá thấp hơn. Mặt khác, nhiều DN sản xuất thức ăn chăn nuôi hay DN thương mại cũng được lợi đáng kể do chi phí giảm. Tất nhiên, cùng với giảm thuế, kim ngạch nhập khẩu nhiều loại hàng hóa tất yếu sẽ tăng lên trong thời gian tới có thể sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong nước. Do đó, các DN buộc phải có chiến lược thích ứng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng hóa.

Theo Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), thuế quan xuống thấp hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam và cả phía sản phẩm đến tay người tiêu dùng Mỹ sẽ mang lại lợi ích cho các DN Mỹ, cũng như nền kinh tế và người tiêu dùng cả hai quốc gia. Giám đốc điều hành AmCham Adam Sitkoff nhấn mạnh: “Thương mại và đầu tư là nền tảng vững chắc của quan hệ Việt - Mỹ. Việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện tạo ra những thuận lợi và tích cực nhất định, khi lãnh đạo hai nước cùng đàm phán cho mức thuế quan này. AmCham và DN Mỹ muốn hai nước làm ăn, kinh doanh thuận lợi, không bị hạn chế bởi thuế quan”.

Chia sẻ tín hiệu lạc quan, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng cho hay, nhiều nhà bán lẻ Mỹ ủng hộ Việt Nam đạt kết quả tốt về đàm phán thuế quan. Các tập đoàn hàng tiêu dùng trong lĩnh vực bán lẻ hàng đầu như: Walmart, Target, HomeDepot, Costco… đang cân nhắc tham dự sự kiện thu mua quốc tế do Bộ Công Thương tổ chức trong tháng 9/2025 (Vietnam International Sourcing Expo 2025). Bên cạnh đó, ông Đỗ Ngọc Hưng cũng khuyến nghị, cùng với việc tăng nhập khẩu một số sản phẩm thế mạnh của Mỹ phù hợp với nhu cầu trong nước, Việt Nam cần triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, thỏa thuận song phương với Mỹ như Hiệp định khung về thương mại và đầu tư Việt Nam - Mỹ (TIFA), Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA).

Gần đây nhất, đoàn công tác Việt Nam do Bộ Tài chính dẫn đầu, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư SelectUSA 2025, diễn ra từ ngày 11 - 14/5 tại bang Maryland (Mỹ). Theo đó, đoàn công tác đã làm việc với các cơ quan chức năng của Mỹ và hiệp hội, DN trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao, ngân hàng, khởi nghiệp, tài chính xanh... Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhận định, việc tham gia của đoàn Việt Nam tại hội nghị này góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ. Đoàn Việt Nam tham dự lần này cũng có số lượng đăng ký đông nhất từ trước đến nay, điều này thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn của DN Việt Nam đến môi trường đầu tư Mỹ và mong muốn tăng cường sự hiện diện tại thị trường này. Qua đó, nhằm tìm kiếm, mở rộng cơ hội đầu tư mới, đồng thời cam kết góp phần tạo việc làm cho người dân Mỹ.

Trích dẫn
Trích dẫn 2

Việt Nam cần tăng thu hút DN Mỹ đầu tư vào những lĩnh vực, sản phẩm chiến lược mà họ có lợi thế và hai nước có nhu cầu. Việc này theo hướng tăng hàm lượng và tỷ lệ nguồn gốc thành phần Mỹ trong sản phẩm. Để lấy lại năng lực cạnh tranh, Việt Nam cũng cần rút ngắn khoảng cách chênh lệch thuế của Việt Nam so với các nước.

Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: phòng, chống thiên tai “từ sớm, từ xa” theo phương châm “4 tại chỗ”

Hà Nội: phòng, chống thiên tai “từ sớm, từ xa” theo phương châm “4 tại chỗ”

16 May, 01:48 PM

Kinhtedothi - Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) TP Hà Nội, các sở ban ngành, các địa phương cần xác định PCTT&TKCN là nhiệm vụ trọng yếu, đòi hỏi sự vào cuộc thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân.

Hoalac Techconnect & Innovation 2025: Mở cơ hội hợp tác, thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Hoalac Techconnect & Innovation 2025: Mở cơ hội hợp tác, thúc đẩy đổi mới sáng tạo

16 May, 01:46 PM

Kinhtedothi – Sáng 16/5, Ban Quản lý các Khu Công nghệ cao và Khu Công nghiệp TP Hà Nội tổ chức sự kiện “Hoalac Techconnect and Innovation 2025”. Sự kiện là cầu nối, mở ra những cơ hội hợp tác mới, đồng thời là diễn đàn để các bên chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm và giải pháp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Hà Tĩnh: thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biên giới

Hà Tĩnh: thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biên giới

16 May, 10:55 AM

Kinhtedothi – Những năm qua, phong trào phát triển kinh tế vườn đồi, vườn rừng, nhất là các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực ở khu vực biên giới huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ