Muốn đầu tư hiệu quả phải nắm được xu thế tiêu dùng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề tài mà báo Kinh tế & Đô thị vừa xới lên không mới nhưng lại khá hay nhất trong bối cảnh cụ thể này, dịch Covid-19 đang hoành hành.

Trước hết, tôi tán thành việc Kinh tế & Đô thị đề cập, đó là cần phải nghiên cứu thấu đáo văn hóa tiêu dùng trước khi quyết định đầu tư, nhất là nhưng dự án đầu tư lớn.
Tôi đi thẳng vào dự án đường sắt cao tốc mà chúng ta đang bàn cãi gần 10 năm nay. Trong văn bản gửi Thủ tướng về dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT) tuyến Bắc - Nam dài 1.559km, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tổng vốn đầu tư dự án này chỉ khoảng 26 tỷ USD áp dụng cho đường sắt tốc độ 200km/h (chạy cả tàu khách lân tàu hàng); trong khi trước đó Bộ GTVT đề xuất phương án tàu tốc độ 350km/h, với tổng vốn 58,7 tỷ USD nhưng chỉ chạy tàu khách.
Đơn vị tư vấn cho rằng đường sắt cao tốc cần đảm nhiệm vận tải hành khách khối lượng lớn mà ngành hàng không và đường bộ không thể đáp ứng. Trong phạm vi bài viết, tôi không đề cập đến trong trường hợp dự án được nhà nước bù lỗ giá vé. Tôi chỉ trao đổi với góc nhìn văn hóa tiêu dùng, khi mà hành khách phải tự bỏ tiền túi để lựa chọn phương tiện đi lại như thế nào để phù hợp.
Trước hết nói về giá vé tàu cao tốc Shinkansen tuyến Tokaido và Sanyo Shinkansen. Khi cự ly tuyến đường dài 515,4km với giá vé hiện tại là 35.000 yên/người lớn (khoảng 7,6 triệu VNĐ) và trẻ em sẽ rẻ hơn 1/2. Không khó bạn có thể đặt vé online tàu cao tốc của Nhật Bản tại trang https://www.eki-net.com và sau đó sẽ tự hình dung được giá vé đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh dài 1.559km. Và với thu nhập kinh tế như ở Việt Nam hiện nay, bạn đọc sẽ tự đưa ra được câu trả lời ĐSCT trong tương lai này sẽ phù hợp cho những đối tượng nào?
Theo phương án của Bộ GTVT thì thời gian chạy tàu từ Hà Nội - TP Hồ Chí Minh là 5 giờ 20 phút (nếu không dừng ở một số ga) và 6 giờ 55 phút nếu dừng ở tất cả ga. Nó vẫn được coi là lâu hơn nếu như đi máy bay, với khoảng 4 giờ, kể từ thời điểm ra khỏi nhà cho đến khi rời máy bay.
Với những thông số đã nêu trên, không khó để người ta có thể đoán biết được tâm lý của hành khách sẽ lựa chọn loại phương tiện nào. Ngoại trừ tâm lý muốn khám phá cảm giác được ngồi trên tàu cao tốc hoặc người sợ độ cao, phần lớn xu hướng của hành khách sẽ chọn loại phương tiện nhanh hơn, rẻ hơn đó là máy bay. Như vậy rõ ràng dù đầu tư 58,7 tỷ USD, một số vốn rất lớn nhưng liệu có làm thay đổi được văn hóa tiêu dùng của người dân Việt hay không là cả một vấn đề cần phải tính toán cẩn thận.
Ở đây, các chuyên gia vận tải đã phần nào nghiên cứu được văn hóa tiêu dùng của người tham gia giao thông. Thông thường, nếu phải ngồi trên phương tiện không quá 4 giờ, người ta sẽ chọn xe hơi. Nếu di chuyển cung đường tốn thời gian từ 4 đến 9 giờ người ta sẽ chọn xe lửa và trên 9 giờ thì máy bay sẽ được lựa chọn đầu tiên. Nhưng để quyết định rút tiền mua vé loại phương tiện nào thì không chỉ riêng yếu tố tâm lý mà các phải tính đến yếu tố cá nhân, yếu tố xã hội, yếu tố văn hóa như bài báo đã phân tích.
Rõ ràng khi thời gian ngồi trên 2 loại phương tiện không quá chênh nhau thì yếu tố an toàn, chất lượng dịch vụ, chi phí sẽ được người sử dụng dịch vụ quan tâm. Nếu phân tích kỹ được yếu tố cá nhân trong đó chú ý nhiều đến mức thu nhập của người sử dụng dịch vụ thì người ta sẽ xác định được số lượng khách đi tàu hàng năm một cách không quá khó khăn. Tất nhiên từ đấy sẽ tính được hiệu quả của dự án. Đối với những dự án đầu tư lớn như ĐSCT rất cần có sự phân tích thị trường thấu đáo và phải chịu trách nhiệm với kết quả mà mình thực hiện.
Như thế, không chỉ với 2 phương án mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT vừa đưa ra mà chúng ta vẫn cần đưa ra những phản biện mang tính khoa học, thậm chí có thể đưa ra phương án mới. Việc nhận định hệ thống hạ tầng đường sắt Việt Nam đã đưa vào sử dụng hơn 100 năm nay, bị hư hỏng nhiều trong 2 cuộc chiến tranh cần sự đầu tư mới đang được sự đồng thuận cao. Nhưng đầu tư như thế nào để đảm bảo hiệu quả kinh tế tuyến ĐSCT lại phải được phân tích, đánh giá với nhiều góc độ, trong đó xu thế tiêu dùng phải là một trong những tiêu chí hàng đầu, không được bỏ qua.
Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Vận tải đường sắt - Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội -TS Nguyễn Việt Yên

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần