Trong năm 2019, TP Hà Nội chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão (số 2, 3, 4) và 1 áp thấp nhiệt đới. Mưa lớn trong các cơn bão đã khiến gần 4.000ha cây trồng bị ảnh hưởng ngập úng, đổ sập 4 nhà dân và cháy 1 trạm biến áp. Đặc biệt, mưa lớn kèm dông lốc đã khiến 1 người bị chết do cây xanh gãy đổ tại đian bàn quận Tây Hồ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2019. |
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, trong năm 2020, TP Hà Nội có khả năng chịu ảnh hưởng của 1 - 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, Thời gian ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới tập trung trong các tháng 7, 8, 9. Đỉnh lũ năm 2020 tại nhiều sông nội tỉnh của Hà Nội như: Nhuệ, Tích, Bùi… có thể lên báo động 2 - báo động 3.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đánh giá cao trách nhiệm của lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, dù công việc rất nhiều nhưng vẫn dành thời gian tham dự hội nghị. Đó thể hiện sự quan tâm của các địa phương đối với nhiệm vụ phòng chống thiên tai.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng, năm 2019 là may mắn đối với Hà Nội khi những ảnh hưởng của thiên tai so với năm 2018 đã được giảm thiểu tối đa. Dù vậy, diễn biến thiên tai năm 2020 vẫn rất phức tạp, khó lường. Chính vì vậy, các sở ngành địa phương cần chú trọng đến thực tiễn và hành động.
Về giải pháp, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đề nghị các sở ngành địa phương tiếp tục hoàn thành công tác đánh giá, tổng kết công, đồng thời rà soát, phân công thành viên trong công tác phòng, chống thiên tai. Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ. Đặc biệt là phải chuẩn bị kỹ lưỡng vật tư. “Nếu khi kiểm tra mà dự trữ vật tư không đủ thì chính quyền phải chịu trách nhiệm…” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nói.
Trong công tác phòng chống thiên tai, các lực lượng, phương tiện cần sẵn sàng để có thể huy động được trong thời gian sớm nhất. Đối với sự cố, phải tăng cường giám sát, chủ động và quyết đoán để có giải pháp xử lý sớm, ngay từ giờ đầu. Cùng với đó, cần tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân chú ý. Thực hiện nghiêm túc chế độ trực theo dõi nghiêm túc theo quy định để phát hiện sớm sự cố có thể xảy ra.
“Các sở, ngành TP theo chức năng nhiệm vụ cần chủ động có phương án ứng phó. Các địa phương tiếp tục rà soát, gắn nhiệm vụ phòng chống thiên tai trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nói, đồng thời nhấn mạnh, Thành ủy Hà Nội đã giao chỉ tiêu phát triển nông nghiệp năm 2020 trên 4%. Nhưng để đạt được mục tiêu trên, cần phải làm tốt công tác phòng chống thiên tai. Nếu chỉ xảy ra một trận mưa lũ thì có thể kéo giảm tăng trưởng của ngành nông nghiệp, đặc biệt là khi nông nghiệp đang là mặt trận hàng đầu…