KTĐT - Hoạt động mở rộng tín dụng mạnh mẽ này, cùng với kế hoạch kích thích kinh tế gần 600 tỷ USD của Chính phủ Trung Quốc đã giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới phục hồi ấn tượng.
Trung Quốc bắt đầu thực hiện những biện pháp dần hạn chế tăng trưởng tín dụng và thắt chặt thanh khoảnMấy tuần gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện những biện pháp dần hạn chế tăng trưởng tín dụng và thắt chặt thanh khoản nhằm ngăn chặn áp lực lạm phát và rủi ro tăng trưởng quá nóng.
Những động thái này của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã khiến thị trường tài chính toàn cầu lo ngại, vì tới thời điểm này, Trung Quốc được xem là quốc gia đi đầu kéo kinh tế toàn cầu khỏi suy thoái trong bối cảnh nhu cầu ảm đạm tại các nền kinh tế phương Tây.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cho rằng, các biện pháp thắt chặt tiền tệ của Trung Quốc tới thời điểm này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới nhu cầu của nước này đối với các nguyên vật liệu đầu vào và hàng hóa nhập khẩu.
Để hỗ trợ tăng trưởng, trong năm 2009, các ngân hàng của Trung Quốc đã mở rộng tín dụng ở tốc độ kỷ lục, với các khoản vay được cấp mới có tổng trị giá lên tới 9.600 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 1.400 tỷ USD).
Hoạt động mở rộng tín dụng mạnh mẽ này, cùng với kế hoạch kích thích kinh tế gần 600 tỷ USD của Chính phủ Trung Quốc đã giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới phục hồi ấn tượng. Mặc dù tới nay vẫn chưa có con số chính thức về tăng trưởng GDP 2009 của Trung Quốc, nhưng giới quan sát dự báo, kinh tế nước này đã tăng trưởng với tốc độ hai con số trong năm qua.
Hiện đã xuất hiện nhiều ý kiến bày tỏ thái độ lo ngại về khả năng hình thành bong bóng trên thị trường nhà đất Trung Quốc. Theo thống kê mới công bố, thị trường địa ốc Trung Quốc đã đạt tốc độ tăng trưởng doanh số 75,5%, đạt mức 4.400 tỷ Nhân dân tệ (644 tỷ USD) trong năm 2009
Một chuyên gia kinh tế cao cấp của Chính phủ Trung Quốc ngày 20/1 cho biết, tháng 12 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này đã tăng tốc và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có khả năng sẽ tăng lãi suất cơ bản đồng Nhân dân tệ trong thời gian từ nay tới giữa năm.
Hãng tin Reuters đã điểm lại những diễn biến chính trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Trung Quốc trong mấy tuần trở lại đây:
Ngày 20/1: Nguồn tin từ ngành ngân hàng Trung Quốc cho hay, các nhà chức trách nước này đã yêu cầu một số ngân hàng lớn như Citic Bank, Everbright Bank... tăng tỷ lệ dự trữ thêm 0,5% nhằm hạn chế hoạt động cho vay trong thời gian còn lại của tháng 1, sau khi đã mạnh tay cho vay hồi đầu tháng này.
Ngày 19/1: Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết, nước này sẽ duy trì mức “tăng trưởng hợp lý” đối với tín dụng và cung tiền, đồng thời thực hiện các chính sách thúc đẩy nhu cầu nội địa, nhưng cũng sẽ ngăn chặn hoạt động đầu cơ trên thị trường bất động sản và có những biện pháp đối phó với kỳ vọng lạm phát.
Ngày 18/1: Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho phép lợi suất của tín phiếu kỳ hạn một năm tăng mạnh hơn dự kiến. Bằng biện pháp này trong nghiệp vụ thị trường mở, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ra chỉ dấu cho thấy, họ tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt định lượng, đồng thời cũng theo đuổi mục tiêu hút bớt những nguồn vốn dài hạn hơn để kiềm chế hoạt động tín dụng và chống lạm phát.
Ngày 17/1: Các nhà chức trách trong ngành ngân hàng Trung Quốc yêu cầu các nhà băng thận trọng trong chiến lược cho vay trong năm nay, cần đảm bảo vốn vay được khách hàng sử dụng trong nền kinh tế thực chứ không phải hoạt động đầu cơ. Các nhà chức trách cũng yêu cầu các ngân hàng theo dõi chặt chẽ thị trường bất động sản và nỗ lực hơn nữa trong việc kiểm soát rủi ro tín dụng.
Ngày 13/1: Trung Quốc tái khẳng định quyết tâm kiềm chế tốc độ tăng giá mạnh mẽ đang diễn ra trên thị trường địa ốc bằng cách tăng nguồn cung nhà có giá cả phải chăng và chống hoạt động đầu cơ bất động sản.
Ngày 12/1: Trung Quốc thực hiện biện pháp thắt chặt tiền tệ mạnh nhất cho tới thời điểm này khi yêu cầu các ngân hàng tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Động thái này của Trung Quốc gây bất ngờ cho giới đầu tư toàn cầu vì diễn ra sớm hơn dự kiến.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng tăng mức lợi suất đối với số tín phiếu kỳ hạn 1 năm trị giá 20 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 2,9 tỷ USD) sau khi không thay đổi mức lợi suất đối với loại tín phiếu kỳ hạn này trong suốt 20 phiên đấu giá trước đó.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc còn hút số tiền kỷ lục 200 tỷ Nhân dân tệ khỏi hệ thống tài chính thông qua các thỏa thuận repo trái phiếu 28 ngày.
Ngày 7/1: Lần đầu tiên kể từ giữa tháng 8 năm ngoái tới nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tăng lợi suất của tín phiếu kỳ hạn 3 tháng.