Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Muốn thu hút khách từ xa cần số hóa ngành du lịch

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành du lịch muốn thu hút du khách bên cạnh việc xây dựng tour, tuyến mới còn đòi hỏi phải đẩy mạnh số hóa, qua đó nâng cao hiệu quả quảng bá sản phẩm, thông tin điểm đến tới khách du lịch trong nước và quốc tế.

Số hóa các địa điểm du lịch và tài nguyên văn hoá

Thông tin từ Bộ TT&TT cho thấy, chỉ số năng lực phát triển du lịch và lữ hành Việt Nam do Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá năm 2021 đã có bước cải thiện lớn khi đứng thứ 52, tăng lên 8 bậc so với năm 2019. Báo cáo xếp hạng cũng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của công nghệ số trong tái thiết và phục hồi du lịch bền vững.

Du khách sử dụng vé điện tử để vào tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám . Ảnh: Hoài Nam
Du khách sử dụng vé điện tử để vào tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám . Ảnh: Hoài Nam

Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, chuyển đổi số là đòn bẩy khách quan tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiểu được điều này, Văn Miếu Quốc Tử Giám đã bước đầu triển khai một số hoạt động liên quan tới chuyển đổi số.

“Văn Miếu đã thực hiện số hoá một số nội dung, giá trị 40 hạng mục của di tích, để mã hoá thành các QR code cho khách tham quan tìm hiểu. Ngoài ra Văn Miếu đã triển khai thiết bị thuyết minh tự động (Audio Guide) bằng 12 ngôn ngữ” - ông Lê Xuân Kiêu nêu ví dụ.

Tương tự như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thời gian qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật. Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA là một trong những nỗ lực bước đầu của bảo tàng, trong việc giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật phục vụ khách tham quan và phát huy hiện vật bảo tàng trên môi trường số.

Nói về việc du lịch Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số các điểm du lịch, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, hiện Hà Nội đã liên kết, thống nhất hệ thống dữ liệu cho hơn 300 điểm du lịch trên địa bàn.

Các di tích, điểm đến cũng được số hóa để du khách dễ dàng tìm hiểu về điểm tham quan trước mỗi chuyến đi, đồng thời chuẩn hóa các nội dung thuyết minh tự động bằng 6 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng kiến nghị vấn đề số hóa tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023. Ảnh: Hoài Nam
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng kiến nghị vấn đề số hóa tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023. Ảnh: Hoài Nam

“Nhờ áp dụng công nghệ số hóa, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, thử sức với những dịch vụ mới liên quan và giải đáp bài toán về nhân lực, chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian” - ông Trần Trung Hiếu nêu rõ.

Cần có một website và ứng dụng quốc gia chuyên nghiệp

Mặc dù các doanh nghiệp quản lý địa điểm du lịch, di tích văn hóa đã đẩy mạnh chuyển đổi số qua đó cung cấp thông tin tới du khách, nhưng trong quá trình thực thi cũng gặp khó khăn khi chính cán bộ nghĩ rằng chuyển đổi số sẽ làm mất công việc của người lao động.

Bên cạnh đó, hiện cơ chế, văn bản pháp luật chưa nêu rõ những cơ chế thu hút doanh nghiệp chuyển đổi số cũng như tạo điều kiện cho các đơn vị có thể triển khai hoạt động này.

Theo các doanh nghiệp, việc số hóa sẽ dẫn tới tái cấu trúc doanh nghiệp, quy trình kinh doanh. Và sự thay đổi này không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng tâm thế, đủ năng lực thực hiện. Do đó, các cơ quan quản lý cần có những chính sách kiến tạo môi trường để doanh nghiệp có đủ thời gian tích luỹ nguồn lực, đổi mới công nghệ.

Nói về việc cần thiết chuyển đổi số ngành du lịch qua đó cung cấp thông tin điểm đến, quảng bá hình ảnh Việt Nam tới du khách, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 vừa được tổ chức, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nêu rõ, du khách trước hành trình du lịch thường bắt đầu bằng việc tìm kiếm thông tin điểm đến, vì vậy việc xây dựng, vận hành website mang tầm quốc gia cung cấp thông tin cho du khách, đồng thời làm kênh hỗ trợ du khách về tất cả các vấn đề liên quan một cách chuyên nghiệp là cần thiết.

Du khách sử dụng vé điện tử để vào tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám . Ảnh: Hoài Nam
Du khách sử dụng vé điện tử để vào tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám . Ảnh: Hoài Nam

Tuy nhiên để làm được điều này đòi hỏi ngành du lịch Việt Nam cần xây dựng kế hoạch hành động số hóa các địa điểm du lịch và tài nguyên văn hoá. Lưu trữ tài nguyên dưới dạng kỹ thuật số, quản lý, phân tích và phổ biến rộng rãi. Những thông tin số hoá này được tích hợp lên website và ứng dụng quảng bá du lịch của Việt Nam.

“Thời gian tới Tổng cục Du lịch nên đẩy mạnh đầu tư vào việc thiết kế, xây dựng, tổ chức, vận hành một website và một ứng dụng di động quốc gia về du lịch theo cách chuyên nghiệp, nội dung phong phú, hấp dẫn, trong đó có cả bản đồ về du lịch, mang lại nhiều hữu ích cho khách du lịch. Với mục tiêu trong ngắn hạn ngành du lịch Việt Nam nên học tập mô hình Thái Lan đã có một website quốc gia và một ứng dụng quốc gia chuyên nghiệp với 17 ngôn ngữ khác nhau”- ông Nguyễn Huy Dũng kiến nghị.

Trong khi đó Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, trong chương trình du lịch của các nước trên thế giới bao giờ cũng có điểm đến là các di sản. Việt Nam có một kho tàng di sản rất đồ sộ với 3.500 di tích quốc gia, hơn 4.000 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và với 8.000 lễ hội truyền thống...

Tất cả các dữ liệu này, Bộ VHTT&DL mong rằng trong thời gian tới sẽ dần dần được số hóa, và trở thành tài sản để ngành du lịch quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam tới du khách.

Theo các chuyên gia du lịch, mặc dù website quốc gia và ứng dụng quốc gia về du lịch sẽ cung cấp thông tin du lịch cho du khách, nhưng không thay thế website địa phương về du lịch. Để trở thành website mang tầm quốc gia đòi hỏi ngành du lịch cần huy động sự tham gia rộng rãi của mọi tổ chức, cá nhân và các tỉnh thành vào việc cung cấp thông tin cho website cũng như ứng dụng quốc gia về du lịch.