70 năm giải phóng Thủ đô

Muôn vàn kiểu chống đối khi kiểm tra nồng độ cồn: Phải xử lý nghiêm minh

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ khóa xe, bỏ lại phương tiện cho đến hành hung khi bị lực lượng chức năng dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn đang có dấu hiệu gia tăng. Những "chiêu trò" này cần phải xử lý nghiêm khắc, vì đây là hành vi coi thường pháp luật, chống đối lực lượng chức năng.

Bên cạnh những người dân tham gia giao thông nói không với rượu bia, vẫn có những trường hợp có nồng độ cồn cao ngất ngưởng điều khiển phương tiện giao thông.
Khóa xe, bỏ đi...
Khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt giao thông được áp dụng vào thực tế, với mức phạt cao "ngất ngưởng" đã làm thay đổi suy nghĩ của người dân khi nói không với rượu bia trong lúc lái xe.
Việc CSGT kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn và ma túy bằng các đợt ra quân cao điểm hoặc thường xuyên duy trì tuần tra kiểm soát (TTKS), đa số người dân nghiêm chỉnh chấp hành, thì lại có những trường hợp tìm mọi cách để chống đối lực lượng chức năng.
Một trong những "chiêu trò" phổ biến nhất đó là khi bị CSGT dừng xe kiểm tra nồng độ cồn, tài xế xuống xe khóa cửa ô tô (hoặc khóa cổ xe máy) rồi bỏ đi. Các chủ xe sẽ đợi đến hôm sau hết nồng độ cồn mới đến làm việc với lực lượng chức năng rồi đóng phạt.
"Chiêu trò" này rộ lên trong 2 ngày nay, nhưng lại thu hút nhiều người quan tâm, thậm chí còn chia sẻ và lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Nhiều người cho rằng, khi làm như thế chỉ bị phạt 1,5 triệu đồng và một ít chi phí phụ (cẩu xe, phí giam giữ xe) về hành vi không tuân theo hiệu lệnh của CSGT là quá rẻ so với mức phạt có thể lên đến 40 triệu đồng và tước GPLX 23 tháng nếu bị xử phạt về vi phạm nồng độ cồn.
Tuy nhiên, Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã quy định rõ, trong trường hợp người điều khiển phương tiện không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị xử lý ở mức độ cao nhất về vi phạm nồng độ cồn, cho dù người điều khiển có đo nồng độ hay không. Vì vậy, không có chuyện khi người vi phạm khóa xe bỏ đi chỉ bị phạt với hành vi không chấp hành hiệu lệnh CSGT.
..đến hành hung lực lượng chức năng
Vấn đề đáng quan tâm, trong đợt ra quân lần này, đã có những trường hợp sau khi "xin xỏ" lực lượng chức năng bỏ qua lỗi vi phạm không được, ngay lập tức dùng lời lẽ thô tục lăng mạ khi bị kiểm tra nồng độ cồn.
Mới đây, ngày 15/3, khi Tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 7 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) làm nhiệm vụ TTKS thì phát hiện tài xế Phạm Xuân B. (SN 1979, trú tại huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển chiếc xe mô tô mang BKS 12S1 - 176.81 có biểu hiện sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
Tổ công tác đã tiến hành dừng xe và kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế B. Kết quả, tài xế B. vi phạm nồng độ cồn mức vi phạm 0.567 miligam/1 lít khí thở (vượt mức phạt kịch khung của Nghị định 100/2019/NĐ-CP là 0,4 miligam/lít khí thở). Ngay sau đó, Tổ công tác đã mời anh B. vào chốt, tiến hành lập biên bản.
Tại đây, anh B. đã "xin xỏ" bỏ qua vi phạm nhưng bất thành. Lập tức, anh B. dùng lời lẽ thô tục lăng mạ lực lượng chức năng. Tổ công tác đã tuyên truyền và yêu cầu anh B. về nhà, nhưng tài xế này vẫn cố tình có những lời lẽ không chuẩn mực. Bất ngờ, anh B. vung tay đấm mạnh vào mặt Thượng úy Nguyễn Mạnh Tùng của Tổ công tác làm Thượng úy Tùng vỡ mắt kính, sưng đỏ vùng mặt.
Trước sự manh động của tài xế B., Tổ công tác đã lập tức khống chế, đưa đối tượng về Công an phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm để tiến hành xác minh, làm rõ, xử lý theo thẩm quyền.
Có thể thấy, hành vi chống đối người thi hành công vụ khi người tham gia giao thông khi có "ma men" nhập đang ở mức báo động. Phần sâu xa hơn đây là sự coi thường pháp luật, sự an toàn và tính mạng của những người khác.

Nhiều người khi bàn đến vấn đề này đã rất bất bình với hành vi của một bộ phận lái xe sử dụng rượu bia nhưng vẫn lái xe. Hành vi này rất nguy hiểm, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng tới sinh mạng của mình và người khác. Và việc chống đối lực lượng chức năng là hành vi trái pháp luật, cần phải nghiêm trị, đem lại sự bình yên cho xã hội và an toàn cho người tham gia giao thông.