Muốn vay vốn phải không có nợ xấu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - DN nhỏ và vừa muốn vay vốn tại ngân hàng thương mại thì tại thời điểm đề nghị bảo lãnh vay vốn phải không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Phát triển.

Đó là nội dung tại Thông tư số 47/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg ngày 10-1-2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế bảo lãnh cho DN nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại.

Thông tư này quy định một số nội dung về hoạt động bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (Ngân hàng Phát triển) cho DN nhỏ và vừa vay vốn tại các ngân hàng thương mại theo quy định tại Quy chế bảo lãnh cho DN nhỏ và vừa vay vốn tại các ngân hàng thương mại ban hành kèm theo Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Muốn vay vốn phải không có nợ xấu - Ảnh 1
Thông tư quy định, điều kiện để DN được bảo lãnh vay vốn như sau: Thuộc đối tượng quy định tại Điều 3 Quy chế bảo lãnh ban hành kèm theo Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg; Dự án đầu tư có văn bản chấp thuận cho vay của ngân hàng thương mại và được Ngân hàng Phát triển thẩm định và xác định là dự án có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay;

Ngoài ra, DN phải đáp ứng điều kiện: Có vốn chủ sở hữu tham gia tối thiểu 15% tổng mức đầu tư của dự án và được đầu tư toàn bộ vào tài sản cố định, nguồn vốn này phải được phản ánh trên báo cáo tài chính tháng hoặc quý gần nhất với thời điểm nộp hồ sơ đề nghị bảo lãnh và cam kết sử dụng vào dự án; Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Phát triển (nợ xấu gồm các khoản nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 theo hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước Việt Nam).

Ngân hàng Phát triển bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ khoản vay của DN tại ngân hàng thương mại nhưng tối đa không vượt quá 85% tổng mức vốn đầu tư của dự án, không bao gồm vốn lưu động. Bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi khoản vay.

Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, Ngân hàng Phát triển căn cứ nguyên nhân không trả được nợ, hồ sơ chứng minh việc giải ngân vốn vay và các thông tin liên quan của DN và các biện pháp thu hồi nợ đã áp dụng trên cơ sở các cam kết tại hợp đồng tín dụng để xem xét trách nhiệm các bên trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Ngân hàng Phát triển được lập Quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh và nguồn để trích lập Quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh được thực hiện theo quy định tại Điều 21 Quy chế bảo lãnh ban hành kèm theo Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg. 

Quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh được sử dụng để hạch toán ngoại bảng đối với dư nợ gốc của các khoản nợ gặp rủi ro; bù đắp phần chênh lệch giá bán nợ thấp hơn giá trị sổ sách (nợ gốc) của khoản nợ theo quy định xử lý rủi ro vốn vay tại Ngân hàng Phát triển. Số tiền thu hồi được từ các khoản bảo lãnh đã được xử lý rủi ro, kể cả số tiền thu hồi được từ việc xử lý tài sản bảo đảm, được bổ sung Quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh theo quy định.

Trường hợp Quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh không đủ bù đắp rủi ro bảo lãnh thì Ngân hàng Phát triển báo cáo Bộ Tài chính và các đơn vị có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6-6-2014.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần