Mỹ cân nhắc viện trợ Ukraine vũ khí chính xác cao có tầm bắn 150 km

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lầu Năm Góc đang xem xét đề nghị của tập đoàn Boeing về việc cung cấp loại vũ khí chính xác, giá rẻ cho Ukraine trong bối cảnh phương Tây đang nỗ lực tìm vũ khí để đáp ứng nhu cầu của Kiev.

Một hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS M142 tham gia cuộc tập trận ở Latvia ngày 26/9. Ảnh: Reuters
Một hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS M142 tham gia cuộc tập trận ở Latvia ngày 26/9. Ảnh: Reuters

Sputnik ngày 28/11 đưa tin Boeing đã đề nghị với quân đội Mỹ cung cấp loại vũ khí có tên Bom đường kính nhỏ phóng từ trên bộ có tầm bắn 150 km cho Ukraine.

Kho vũ khí của Mỹ và đồng minh đang sụt giảm, trong khi Ukraine cần thêm nhiều vũ khí phức tạp hơn để đối phó cuộc xung đột kéo dài. Hệ thống sử dụng bom đường kính nhỏ (GLSDB) mà Boeing đề xuất là một trong nhiều loại vũ khí được đưa vào kế hoạch sản xuất để cung cấp cho Ukraine và các đồng minh của Mỹ ở Đông Âu, Reuters dẫn các nguồn tin trong ngành cho biết.

Theo báo cáo của Boeing, GLSDB có thể được gửi sớm nhất vào mùa xuân 2023. GLSDB kết hợp bom đường kính nhỏ GBU-39 và động cơ tên lửa M26. Cả hai loại này đều có nhiều trong các kho của Mỹ.

Loại vũ khí này do hãng Saab (Thụy Điển) và Boeing (Mỹ) hợp tác sản xuất từ năm 2019.

Theo Reuters, GLSDB là một trong nhiều kế hoạch đưa vũ khí mới vào sản xuất để cung cấp cho Ukraine và các đồng minh Đông Âu của Mỹ.

Tuần trước, Doug Bush, người mua vũ khí chính của quân đội Mỹ, nói với báo chí tại trụ sở Lầu Năm Góc rằng quân đội Mỹ cũng đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất đạn pháo 155 mm, loại hiện chỉ được sản xuất tại nhà máy của chính phủ, bằng cách cho phép các nhà thầu quốc phòng sản xuất.

Theo các chuyên gia quân sự, mặc dù Mỹ từ chối cung cấp tên lửa ATACMS có tầm bắn 297 km, GLSDB với tầm xa 150 km sẽ giúp Ukraine tấn công nhiều mục tiêu quân sự giá trị để tiếp tục chiến dịch phản công.

Moscow đã nhiều lần cảnh báo phương Tây về sự can thiệp ngày càng sâu trong cuộc xung đột ở Ukraine. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định họ không muốn trở thành một bên trong cuộc xung đột, bất chấp việc các nước này huấn luyện cho quân đội Ukraine, cử chuyên gia, cung cấp các thiết bị quân sự cho Ukraine và hỗ trợ tình báo.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố việc phương Tây bơm vũ khí cho Ukraine sẽ không đóng góp gì cho tiến trình đàm phán giữa Nga và Ukraine, trái lại còn gây ra những tác động tiêu cực.

Trước đó, Nga đã gửi công hàm ngoại giao cho tất cả các nước cung cấp vũ khí cho Ukraine để phản đối. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết bất kỳ đợt vận chuyển vũ khí nào cho Ukraine đều sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của Nga.