Mỹ chuẩn bị "kế hoạch B" về khí đốt, trong trường hợp trừng phạt Nga

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một số quốc gia châu Âu vẫn đang lo ngại về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất có thể đối với Moscow liên quan tới vấn đề Ukraine, do họ “phụ thuộc nhiều” vào khí đốt của Nga

Mỹ đang hỗ trợ việc chuyển hướng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ khắp nơi trên thế giới sang châu Âu trong trường hợp dòng chảy từ Nga bị gián đoạn.

Kế hoạch B về khí đốt cho các quốc gia châu Âu

Trong bối cảnh lo ngại căng thẳng gia tăng tại biên giới Ukraine, giới chức Mỹ hôm 25/1 cho biết họ đang đàm phán với các nhà cung cấp toàn cầu để đảm bảo nguồn cung khí đốt toàn cầu, trong trường hợp nguồn cung từ Nga bị gián đoạn. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington đang xem xét các biện pháp trừng phạt lên Nga do các hành động liên quan tới Ukraine. Ảnh: WSJ
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington đang xem xét các biện pháp trừng phạt lên Nga do các hành động liên quan tới Ukraine. Ảnh: WSJ

The Guardian dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ giấu tên khẳng định: “Để đảm bảo châu Âu có thể vượt qua mùa đông và mùa xuân sắp tới, chúng tôi ​​sẽ chuẩn bị sẵn sàng để đảm bảo nguồn cung thay thế đáp ứng cho khả năng thiếu hụt”.

Một trong những nguồn cung thay thế cho Nga, dự kiến là Qatar. Hôm 25/1, chính quyền Qatar thông báo quốc vương Tamim bin Hamad al-Thani sẽ đến thăm Nhà Trắng vào cuối tháng này, trong đó nội dung "đảm bảo ổn định nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu" có trên bàn nghị sự. 

Chuẩn bị cung cấp khí đốt số lượng lớn là một phần trong chiến dịch của Mỹ và các đồng minh châu Âu nhằm minh chứng một mặt trận đoàn kết, gắn bó trước những hành động của Nga gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 25/1 khẳng định. Ông Biden cũng nhận định, nếu Nga tấn công thì đây sẽ là “cuộc xâm lược lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai” và sẽ “thay đổi thế giới”.

Quân đội Nga vừa qua tuyên bố triển khai một loạt các cuộc tập trận mới với sự tham gia của 6.000 binh sĩ gần biên giới Ukraine, và tại bán đảo Crimea mà Moscow sáp nhập vào năm 2014. Dự kiến sẽ có các cuộc tập trận với đạn thật và các loại máy bay chiến đấu, máy bay ném bom…, theo Bộ Quốc phòng Nga.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết một số quốc gia châu Âu vẫn đang lo ngại về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất có thể đối với Moscow vì họ “phụ thuộc nhiều” vào khí đốt của Nga - và cũng tuyên bố Anh sẽ sẵn sàng triển khai thêm quân đến Đông Âu nếu Ukraine bị tấn công.

Bình luận của ông Boris được đưa ra trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron và Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholzhủ tại Berlin hôm 25/1.

Mỹ đe dọa trừng phạt Nga

Tổng thống Macron cho biết, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin hôm 28/1 tới sẽ “làm rõ” quan điểm của Nga. Ông cũng cho biết Pháp và Đức sẽ luôn thúc đẩy việc đối thoại với Nga, nhưng cũng nói rõ: “Nếu có hành động gây hấn, sẽ có đáp trả và cái giá phải trả sẽ rất cao”.

Theo The Guardian, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ tuyên bố việc tụ họp giữa Mỹ và EU  để đưa ra các biện pháp trừng phạt tài chính là "đáng chú ý" và tác động của chúng đối với Nga sẽ lớn hơn nhiều so với năm 2014, thời điểm Nga sáp nhập Crimea. 

Việc lo ngại Moscow cắt nguồn cung cấp khí đốt đã khiến một số nước châu Âu, như Đức, cảnh giác với việc áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nga.  Chính quyền Biden cũng lưu ý phương Tây có thể siết chặt kiểm soát xuất khẩu công nghệ, theo đó sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của ông Putin. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần