Mỹ đưa ra "củ cà rốt, cây gậy" với Nga trước thềm đàm phán an ninh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đàm phán an ninh Mỹ-Nga dự kiến diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 10/1, trong khi cuộc họp Hội đồng Nga-NATO sẽ diễn ra tại Brussels, Bỉ vào ngày 12/1 tới.

Tình hình "căng" trước thềm đàm phán

Đàm phán an ninh Mỹ - Nga dự kiến bắt đầu vào ngày mai (10/1) tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters. 
Đàm phán an ninh Mỹ - Nga dự kiến bắt đầu vào ngày mai (10/1) tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters. 

Với các cuộc đàm phán quan trọng sẽ bắt đầu vào ngày 10/1 tại Geneva, quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ chưa sẵn sàng thảo luận về việc giảm quân số triển khai tại các quốc gia NATO, tuy nhiên có thể bàn đến việc  hạn chế các cuộc tập trận quân sự và triển khai tên lửa trong khu vực.

Trước đó, Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo Nga sẽ phải đối mặt với những hậu quả kinh tế nghiêm trọng nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành “xâm lược” Ukraine. Các biện pháp trừng phạt cứng rắn được giới chức Mỹ hôm 8/1 hé lộ.

Trong số đó, các biện pháp hạn chế có thể nhằm vào các lĩnh vực công nghiệp quan trọng của Nga, bao gồm quốc phòng và hàng không dân dụng, trí tuệ nhân tạo hoặc máy tính lượng tử, thậm chí là điện tử tiêu dùng.

Thời gian qua, Tổng thống Putin đã điều hàng chục nghìn quân dọc theo biên giới với Ukraine, gây ra lo ngại về một cuộc xâm lược. Trong bối cảnh đó, đàm phán Geneva được tiếp nối bằng các phiên họp khác vào tuần tới tại Brussels và Vienna, nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tiềm tàng. Vẫn chưa rõ liệu Mỹ và các đồng minh châu Âu có thể đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán với Moscow hay không. Ông Putin muốn chấm dứt sự mở rộng về phía đông của NATO và đảm bảo an ninh, những yêu cầu mà Mỹ vẫn cho là “không thể chấp nhận”.

Cam kết cơ bản, có đi có lại

Tuy nhiên, Reuters dẫn nguồn tin từ một quan chức cấp cao của Mỹ, cho biết một số lĩnh vực mang lại cơ hội chung, Nga và Mỹ có thể đạt cam kết cơ bản, có đi có lại.

Theo đó, Mỹ sẵn sàng hạn chế việc triển khai tập trận các hệ thống tên lửa tấn công ở Ukraine, bao gồm cả máy bay ném bom chiến lược gần lãnh thổ của nhau và cả các cuộc tập trận trên bộ, Reuters dẫn nguồn thạo tin.

Quan chức này cho biết Washington sẵn sàng thảo luận rộng hơn về việc triển khai tên lửa trong khu vực. Vào năm 2019, Cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung Mỹ-Nga năm 1987, vì cáo buộc Moscow vi phạm hiệp định này.

Mặt khác, quan chức chính quyền Biden cho biết, trong trường hợp Nga “xâm lược” Ukraine, Mỹ sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt ở mức cao ngay từ đầu và sẽ được thắt chặt theo thời gian.

“Mỹ sẽ ngay lập tức phối hợp với các đồng minh và đối tác áp đặt những chi phí nặng nề và quá sức lên nền kinh tế Nga, bao gồm hệ thống tài chính và các lĩnh vực được coi là quan trọng đối với Điện Kremlin”, Reuters dẫn lời quan chức này.

Nga có thể được thêm vào nhóm các quốc gia bị Mỹ hạn chế nhất nhằm kiểm soát xuất khẩu, cùng với Cuba, Iran, Triều Tiên và Syria.

Theo kế hoạch, đàm phán an ninh Mỹ-Nga sẽ diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 10/1 và cuộc họp Hội đồng Nga-NATO sẽ diễn ra tại Brussels, Bỉ vào ngày 12/1 tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần