70 năm giải phóng Thủ đô

Mỹ, Đức đồng loạt tuyên bố cấp xe tăng tối tân cho Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi các cam kết hỗ trợ xe tăng chủ lực của Mỹ và Đức, nhận định đây là “một bước quan trọng trên con đường đưa đến chiến thắng".

Mỹ phát triển M1 Abrams năm 1972-1975 và vận hành mẫu xe tăng này từ năm 1980 tới nay. Ảnh:  Bộ Quốc phòng Mỹ
Mỹ phát triển M1 Abrams năm 1972-1975 và vận hành mẫu xe tăng này từ năm 1980 tới nay. Ảnh:  Bộ Quốc phòng Mỹ

Theo Reuters, Mỹ hôm 25/1 tuyên bố sẽ cung cấp 31 xe tăng M1 Abrams tiên tiến trong vài tháng tới cho Ukraine.

Quyết định trên được Tổng thống Joe Biden công bố trong bài phát biểu tại Nhà Trắng trong bối cảnh nước này trước đó không mặn mà với ý tưởng gửi xe tăng M1 Abrams vốn khó bảo trì tới Ukraine, nhưng đã thay đổi chiến thuật nhằm thuyết phục Đức gửi những chiếc xe tăng Leopard 2 dễ sử dụng hơn tới quốc gia Đông Âu này.

Tổng thống Biden cho biết việc chuyển giao xe tăng M1 Abrams - một trong những xe tăng chủ lực mạnh nhất của Mỹ, là cần thiết nhằm giúp lực lượng quân đội Ukraine "cải thiện khả năng cơ động trên địa hình trống trải".

Mặc dù vậy, các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết việc chuyển giao các xe tăng M1 Abrams sẽ phải mất nhiều tháng chứ không phải vài tuần. 

Trước đó, cùng ngày, chính phủ Đức cũng đồng ý gửi 14 xe tăng Leopard 2, được coi là một trong những loại xe tăng tốt nhất trên thế giới, cho Kiev.

Tuyên bố viện trợ trên cho thấy sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của Mỹ và Đức. Trước đó, hai nước này do dự, từ chối cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine với lý do chi phí đắt đỏ, khó bảo dưỡng và có nguy cơ khiến xung đột leo thang.

Động thái này mở đường cho các quốc gia châu Âu khác vận hành Leopard gửi xe tăng của họ tới Ukraine, tăng cường kho vũ khí tổng hợp mà Kiev cần để khởi động các cuộc phản công.

Đến nay, ngoài Đức, Mỹ, một số nước châu Âu đã tuyên bố sẵn sàng gửi xe tăng chiến đấu cho Kiev, trong đó có Ba Lan, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.

Anh cũng đã cam kết cung cấp 12 xe tăng, trong khi một số quốc gia Tây Âu khác đang cung cấp xe bọc thép và vật tư chiến tranh.

Tổng thống Volodymyr Zelensky ngay lập tức lên tiếng hoan nghênh các cam kết hỗ trợ xe tăng chủ lực của Mỹ và Đức khi tuyên bố Ukraine hiện có một "liên minh xe tăng". Ông cũng kêu gọi các nước đồng minh nhanh chóng cung cấp thêm nhiều  xe tăng tối tân hơn cho Kiev, đẩy nhanh quá trình đào tào binh sĩ sử dụng loại vũ khí hiện đại này.

Về phần mình, Nga cảnh báo, động thái của phương Tây viện trợ xe tăng cho Ukraine là hành động "nguy hiểm" và có thể "đẩy xung đột lên một nấc mới". Moscow cũng tuyên bố sẽ phá hủy xe tăng và tất cả khí tài phương Tây chuyển đến Ukraine.

“Quyết định hỗ trợ xe tăng cho Ukraine là hành động cực kỳ nguy hiểm và có nguy cơ làm leo thang cuộc xung đột hiện tại” - Đại sứ Nga tại Đức Sergei Nechayev cảnh báo hôm 25/1.

Mỹ phát triển M1 Abrams năm 1972-1975 và vận hành mẫu xe tăng này từ năm 1980 tới nay. Xe tăng M1 được trang bị pháo 120 mm, súng đồng trục 7,62 mm và súng 12,7 mm, có thể đạt vận tốc tối đa 67 km/h. Kíp lái của M1 Abrams có 4 người, gồm trưởng xe, pháo thủ, nạp đạn và lái xe. Xe tăng M1 Abrams được đánh giá là một trong những chiếc xe tăng tốt nhất thế giới hiện nay.

Leopard 2 của Đức được đánh giá là một trong những xe tăng tốt nhất của phương Tây. Xe nặng hơn 60 tấn, trang bị pháo nòng trơn 120mm có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 5 km.

Leopard 2 của Đức được đánh giá là một trong những xe tăng tốt nhất của phương Tây. Ảnh: DW
Leopard 2 của Đức được đánh giá là một trong những xe tăng tốt nhất của phương Tây. Ảnh: DW